Theo hãng tin Reuters, ngày 17/8, Mỹ đã đồng ý gửi các máy bay chiến đấu F-16 từ Đan Mạch và Hà Lan tới Ukraine. Trước đó, Hà Lan và Đan Mạch đã gửi các văn bản đăng ký có liên quan cho Mỹ, chờ chính phủ Mỹ phê duyệt; giống như xe tăng Leopard-2 của Ba Lan, viện trợ cho Ukraine vừa qua.
Do Leopard-2 là xe tăng do Đức phát triển, nên tất cả các quốc gia sở hữu xe tăng Leopard-2, cần phải xin phép Đức khi chuyển giao chúng cho bên thứ ba. Điều này cũng đúng với F-16, là máy bay chiến đấu do Mỹ phát triển; việc Hà Lan và Đan Mạch viện trợ cho Ukraine, cũng cần có sự cho phép của Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết, Mỹ hoàn toàn ủng hộ Đan Mạch và Hà Lan cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine. Miễn là các phi công Ukraine hoàn thành khóa đào tạo liên quan, họ có thể trực tiếp lái máy bay chiến đấu F-16 của Hà Lan và Đan Mạch, đến không phận Ukraine.
Hà Lan có tổng cộng 213 máy bay chiến đấu F-16, nhưng chỉ hơn 40 chiếc vẫn đang trong biên chế chiến đấu và khoảng 170 chiếc khác đã bị loại biên. Nhưng ngừng hoạt động không có nghĩa là hỏng, mà chỉ là niêm phong lại, bố trí người có chuyên môn đảm nhận việc bảo dưỡng, để kéo dài tuổi thọ máy bay.
Khi có tình huống chiến tranh nổ ra, những chiếc máy bay đã loại biên này, có thể được đưa ra sửa chữa và nâng cấp đơn giản, chúng có thể trực tiếp tham chiến. Tại “nghĩa địa máy bay” ở Mỹ, hiện có hơn 6.000 chiếc; nếu những chiếc máy bay này không đưa trở lại hoạt động, chúng trở thành đống sắt vụn.
Mặc dù những chiếc máy bay này đã cũ, nhưng việc kiểm tra thường xuyên để đảm bảo rằng, một phần lớn trong số chúng có thể được đưa vào chiến trường sau khi bảo dưỡng và thay thế các bộ phận cốt lõi đơn giản.
Đan Mạch đã mua tổng cộng hơn 80 chiếc F-16, trong đó 43 chiếc vẫn đang hoạt động, gồm 30 chiếc đang làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và 13 chiếc được sử dụng làm huấn luyện. Nhưng nếu chỉ có Hà Lan và Đan Mạch viện trợ máy bay F-16 cho Ukraine, thì số máy bay không có nhiều.
Nếu Hà Lan và Đan Mạch “dốc túi” viện trợ F-16 cho Ukraine, đợt viện trợ đầu tiên là khoảng 45 chiếc, đợt thứ hai có thể tăng thêm 45 chiếc, tổng cộng là 90 chiếc. Nếu Mỹ và Bỉ cũng sẵn sàng viện trợ thêm, Ukraine sẽ có thể có được hơn 100 chiếc F-16.
Với số lượng từ 90-100 chiếc F-16 là quá đủ với Ukraine; nhưng khó khăn nhất của Ukraine bây giờ không phải là máy bay, mà là khó đảm bảo an ninh sân bay; do Ukraine không thể triển khai tập trung, mà chỉ có thể triển khai phân tán.
Cũng giống như số máy bay chiến đấu MiG-29 của Ba Lan viện trợ cho Ukraine; Ba Lan có tổng cộng 28 chiếc MiG-29 và họ đã viện trợ tất cả cho Ukraine. Cùng với Bulgaria và các nước khác, Ukraine đã nhận được hơn 40 chiếc MiG-29. Nhưng hầu như không có chiếc MiG-29 nào trong số này bị phá hủy trên sân bay, mà chúng chủ yếu bị bắn hạ bởi tên lửa phòng không của Nga.
Điều này cho thấy Ukraine đã thiết lập một cơ chế phòng thủ sân bay tương đối an toàn. Trên thực tế, Ukraine có một hệ thống đường cao tốc phát triển và máy bay chiến đấu của Ukraine có thể cất hoặc hạ cánh từ đường cao tốc.
Về mặt xây dựng nhà chứa máy bay, Ukraine cũng đã áp dụng các biện pháp che giấu, khiến quân đội Nga khó tiêu diệt máy bay Ukraine trên mặt đất hơn. Ưu điểm của triển phân tán là có tính bảo mật cao, nhưng nhược điểm là không thuận tiện cho việc xuất kích tập trung.
Hiện tại, vấn đề lớn nhất mà không quân Ukraine phải đối mặt là thiếu ưu thế trên không, điều này khiến không quân Ukraine không thể chi viện trên khu vực chiến tuyến. Trong những ngày đầu của xung đột Nga-Ukraine, một số lượng lớn máy bay chiến đấu của Nga như Su-35, Su-30, Su-34 đã bị hệ thống phòng không S-300 bắn hạ.
Trong tương lai, khi F-16 vào Ukraine, ngoài việc phải đối đầu với những chiếc Su-35 có tính năng chiếm ưu thế trên không cực mạnh của Không quân Nga, nó cũng sẽ phải đối mặt với các hệ thống phòng không rất mạnh của Nga là S-300 và S-400 của Nga. Về lý thuyết, F-16 không thể xuyên thủng hệ thống phòng không S-300 và S-400.
Israel là nước có nhiều kinh nghiệm nhất trong việc đối phó với các hệ thống phòng không của Liên Xô. Không quân Israel thường áp dụng các cuộc xuất kích ở độ cao cực thấp vào ban đêm, để tấn công từ xa vào lãnh thổ Syria và Lebanon.
Chiến thuật tốt nhất của Không quân Israel để đối phó với hệ thống phòng không Syria và Lebanon, là sử dụng UAV làm mồi nhử, để hệ thống phòng không đối phương khai hỏa, sau đó sử dụng máy bay chiến đấu F-16 phóng tên lửa chống bức xạ để tiêu diệt radar phòng không.
Chiến thuật này sẽ tốt hơn nữa, nếu có các máy bay tác chiến điện tử, thì có thể tạo ra một số lượng lớn “mục tiêu ảo” và đánh lừa hệ thống phòng không địch bắn ngẫu nhiên. Chiến thuật này đã được Israel kiểm chứng đầy đủ trong Trận chiến thung lũng Bekaa. Nhưng hiện tại, Ukraine không có máy bay tác chiến điện tử.
Khi bắt đầu cuộc chiến, hệ thống phòng không S-300 của Ukraine đã bị bắn hạ một số lượng lớn máy bay của Nga. Nguyên nhân chính là do Không quân Nga không có UAV tiên tiến hoặc máy bay tác chiến điện tử làm nhiệm vụ gây nhiễu và chế áp điện từ, khiến quân đội Nga phải trả giá đắt.
Theo phân tích của Reuters, sự xuất hiện của F-16 có thể cải thiện khả năng tấn công không đối đất và hỏa lực trên không của quân đội Ukraine. Tuy nhiên, xét về khả năng chiến đấu giành ưu thế trên không, thì F-16 không thể làm được.
Vai trò của F-16 là thay thế MiG-29. Ukraine không thể giành ưu thế trên không bằng cách dựa vào hơn 40 chiếc MiG-29, cũng như không thể có được 100 chiếc F-16. Tuy nhiên, F-16 có thể tăng cường khả năng đột kích ban đêm và tăng chiều sâu tấn công của quân đội Ukraine. Những mục tiêu như trận địa pháo binh, đài radar và các cơ sở khác của Nga sẽ là mục tiêu của F-16.
Tiến Minh (theo Reuters, Sina)