Liên tiếp gặp nhiều trường hợp phụ nữ trẻ bị u não tự miễn hiếm gặp

Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, thời gian vừa qua, tại đây tiếp nhận nhiều trường hợp nữ bệnh nhân trẻ bị viêm não tự miễn NMDAR liên quan đến u quái buồng trứng. Người mắc bệnh này có tỷ lệ tử vong rất cao (gần như 100%) nếu không được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

18 tháng qua, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 17 ca viêm não tự miễn, có độ tuổi trung bình là 22, trong đó có 50% ca có u quái buồng trứng, 25% có u ở cả hai buồng trứng. Những bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng nặng 82% đã hôn mê, co giật dẫn đến việc điều trị khó khăn và phức tạp. Hiện đã có 9 trường hợp được điều trị khỏi, 4 bệnh nhân đang điều trị 4, còn 4 ca khác đã tử vong. Các ca điều trị thành công nhờ áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật cao, phối hợp tốt với Bệnh viện Hùng Vương.

TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh viêm não tự miễn NMDAR được ghi nhận vào năm 2007 tại Nhật Bản, nhưng đến nay những thông tin về bệnh lý này vẫn chưa được thống kê đầy đủ, chưa có phác đồ điều trị cụ thể trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Nữ bệnh nhân đang điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy

Nữ bệnh nhân đang điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy

Theo báo cáo của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, từ năm 2015-2016 đã ghi nhận 9 ca, đều được chuyển đến từ Bệnh viện Tâm thần có rối loạn tâm thần nhẹ.

TS-BS Lê Quốc Hùng cho biết, một số bệnh viện đã đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, dựa trên khả năng sẵn có của các bệnh viện. Riêng Bệnh viện Chợ Rẫy, bên cạnh điều trị bằng thuốc còn chú trọng ngoại khoa, thực hiện phẫu thuật lấy các khối u vì khối u là nguồn cơn của căn bệnh.

Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ sớm báo cáo lên Bộ Y tế để xây dựng phác đồ điều trị viêm não tự miễn chuẩn quốc gia.

Cũng theo TS-BS Lê Quốc Hùng, đối với chùm ca bệnh viêm não tự miễn NMDAR gần đây, thời gian điều trị trung bình cho 1 ca là 6 tuần; thời gian để bệnh nhân hồi phục cần khoảng 3 tháng. Đáng nói, chi phí trung bình để điều trị cho mỗi ca khoảng 1 tỉ đồng.

“Phụ thuộc vào từng cơ sở y tế, vào từng quốc gia để đưa ra các quyết định phác đồ. Tuy nhiên phải phối hợp rất nhiều phương án điều trị, tùy theo mức độ bệnh. Nếu bệnh nhẹ thì chỉ điều trị thuốc đơn thuần, nếu nặng hơn thì phải lọc máu, thay huyết tương, đôi khi phải dùng các loại kháng thể đơn dòng đặc biệt, có giá thành rất cao”, TS-BS Lê Quốc Hùng nói.

Kim Dung/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/suc-khoe/lien-tiep-gap-nhieu-truong-hop-phu-nu-tre-bi-u-nao-tu-mien-hiem-gap-post1105286.vov