Liên tiếp các vụ ngộ độc: Không 'khoán trắng' việc bảo đảm an toàn thực phẩm

Chỉ trong thời gian ngắn, tại nhiều địa phương như: Đồng Nai, Nha Trang, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh… liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm khiến nhiều người phải nhập viện cấp cứu.

Một quầy bán thức ăn chế biến sẵn trên vỉa hè tại quận Hà Ðông (thành phố Hà Nội).

Một quầy bán thức ăn chế biến sẵn trên vỉa hè tại quận Hà Ðông (thành phố Hà Nội).

Mới nhất là ngày 14/5, một vụ nghi ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bếp ăn của Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) làm hơn 400 công nhân có các biểu hiện ngộ độc thực phẩm, trong đó có gần 350 người phải nhập viện điều trị. Liên tục xảy ra các vụ ngộ độc quy mô lớn đang là hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến, kinh doanh thức ăn đường phố.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có văn bản đề nghị ngành y tế địa phương chỉ đạo các cơ sở khám bệnh tập trung nguồn lực, tích cực điều trị cho những người bị ngộ độc, không để các bệnh nhân có diễn biến nặng ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng; đồng thời tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ việc theo quy định; phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh xử lý kịp thời mỗi vụ việc, các cơ quan chức năng phải có những giải pháp tổng thể nhằm phòng ngừa, hạn chế ngộ độc thực phẩm. Chính quyền từng địa phương cần có kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình địa bàn; đặc biệt tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, ở đó người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm...

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, Chính phủ giao ba bộ chịu trách nhiệm là: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Y tế. Ngoài ra còn có trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và ý thức của người dân thực hiện các quy định liên quan. Ngoài việc tổ chức triển khai tốt Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn, cần làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trước hết là nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân trong lĩnh vực an toàn thực phẩm để bảo đảm sức khỏe cho bản thân, cho cộng đồng.

Ngộ độc thực phẩm quy mô lớn xảy ra thời gian qua đều tập trung ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp, nơi du lịch phát triển… Do vậy, các cấp, ngành địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát đối với bếp ăn tập thể, cơ sở thức ăn đường phố. Việc kiểm tra, giám sát phải được mở rộng từ khâu nuôi trồng đến thu hái, chế biến, sử dụng nguyên liệu… Mục đích cuối cùng là đưa thực phẩm sạch tới cho người dân sử dụng.

Thông điệp “sạch từ trang trại đến bàn ăn” đang là mong mỏi của người dân, từ đó đặt lên vai cơ quan chức năng trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm hiệu quả, có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành. Nhiều nơi đang “khoán trắng” việc bảo đảm an toàn thực phẩm cho ngành y tế, nhưng rõ ràng, vấn đề an toàn thực phẩm cần được các cấp, ngành cùng vào cuộc mới đạt được mục tiêu đề ra.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/lien-tiep-cac-vu-ngo-doc-khong-khoan-trang-viec-bao-dam-an-toan-thuc-pham-post809523.html