Liên kết chuỗi giá trị nông sản Đồng bằng sông Cửu Long chưa xứng với tiềm năng
Quy mô sản xuất nhỏ lẻ; nguồn vốn, năng lực hạn chế của doanh nghiệp và hợp tác xã; chính sách hỗ trợ của nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn… là những khó khăn, vướng mắc dẫn đến liên kết chuỗi giá trị nông sản còn nhiều hạn chế ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Ngày 12/10 tại Cần Thơ diễn ra hội thảo “Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Hội thảo nhằm hướng tới sơ kết toàn quốc 5 năm thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Ngày 5/8/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 98 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nghị định 98 ra đời đã mở ra cơ hội để nông dân, doanh nghiệp (DN),hợp tác xã (HTX)ở nhiều địa phương tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển vùng nguyên liệu, hình thành các chuỗi liên kết gắn với yêu cầu chất lượng của thị trường tiêu thụ.
Sau 5 năm triển khai, ở nhiều địa phương trong cả nước, nhiều ngành hàng sản phẩm nông nghiệp đã hình thành nhiều chuỗi liên kết bền vững, tạo giá trị gia tăng cao. Qua đó, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa trọng điểm của cả nước; là vùng sản xuất nông sản xuất khẩu chính, có nhiều điều kiện thuận lợi để tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Sau 5 năm triển khai Nghị định 98, nhiều chuỗi liên kết sản phẩm chủ lực như lúa gạo, trái cây, thủy sản đã hình thành.
Tuy nhiên, vùng ĐBSCL lại là vùng có tỷ lệ triển khai liên kết theo Nghị định 98 thấp so với cả nước. Cụ thể, cả nước hiện nay có 2.146 liên kết, nhưng vùng ĐBSCL chỉ có 129 chuỗi, chỉ chiếm khoảng 6%. Tổng kinh phí ngân sách nhà nước phê duyệt hỗ trợ liên kết là trên 321 tỷ đồng, tương đương bình quân khoảng 2,5 tỷ đồng/chuỗi liên kết, chỉ bằng 8,5% cả nước.
Việc triển khai Nghị định 98 ở ĐBSCL gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Còn nhiều địa phương trong vùng sau 5 năm triển khai Nghị định 98 thậm chí chưa có bất kỳ dự án, kế hoạch liên kết theo Nghị định 98 được phê duyệt.
Ông Hoàng Vũ Quang – Phó Viện trưởng viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, thực trạng liên kết chuỗi giá trị về quy mô diện tích, sản lượng, số hộ nông dân tham gia liên kết còn ít; quy mô liên kết của DN, HTX còn nhỏ; nhiều liên kết còn thiếu bền vững do thay đổi đối tác, không thực hiện đúng hợp đồng, năm thực hiện năm không.
Tham gia chuỗi liên kết DN có vùng nguyên liệu ổn định, có sản phẩm đáp ứng hợp đồng thương mại đã ký; HTX được mở rộng sản xuất kinh doanh, năng lực cán bộ được cải thiện; lợi nhuận sản xuất được nâng cao, được tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Tuy nhiên, việc liên kết chuỗi giá trị vẫn chưa thu hút nhiều DN và HTX tham gia do còn nhiều khó khăn, vướng mắc như thị trường của DN không ổn định; DN và HTX còn thiếu vốn; năng lực HTX còn hạn chế; nông dân sản xuất theo tập quán, không tuân thủ quy trình, sản xuất quy mô nhỏ; chính sách hỗ trợ của nhà nước chưa thống nhất, đồng bộ; điều kiện thụ hưởng hỗ trợ khó khăn và mức hỗ trợ còn thấp…
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh Tâm - giảng viên Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) để hạn chế tình trạng “bẻ kèo” hợp đồng, các bên liên kết cần ký hợp đồng nguyên tắc, sau đó từng vụ thu hoạch, sẽ có phụ lục hợp đồng để thống nhất giá cả, hình thức chia sẻ rủi ro và các nội dung cần thiết khác. Các địa phương nên quy định thống nhất chung về nội dung chi, định mức chi, hồ sơ, thủ tục cho dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản để các chủ thể dễ áp dụng và giúp chính sách khả thi hơn trên thực tế…
Tăng cường nguồn lực, thúc đẩy liên kết
Ông Nguyễn Minh Hiền - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Cần Thơ) cho biết, việc triển khai thực hiện Nghị định 98 còn nhiều khó khăn do đối tượng được thụ hưởng chính sách chưa nắm rõ được nội dung chính sách. Nông dân chưa thấy được lợi ích lâu dài của việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Còn DN chưa chú trọng vào khâu đầu tư vùng nguyên liệu để thực hiện hợp đồng sản xuất bền vững.
Theo Nghị định 98, chính sách hỗ trợ hạ tầng liên kết, nhà nước hỗ trợ 30%, không quá 10 tỷ đồng, phần còn lại do HTX - chủ trì liên kết đối ứng nên khó có khả năng thực hiện do không đủ năng lực, từ đó, e ngại tham gia chuỗi liên kết.
Đại diện Sở NN&PTNT Cần Thơ kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung Nghị định 98 ở các nội dung: Về nguồn vốn, bố trí ngân sách riêng để thực hiện chính sách. Tăng mức hỗ trợ hạ tầng đối với HTX. Bộ NN&PTNT xem xét, có hướng dẫn cụ thể trình tự thủ tục, hồ sơ để thực hiện từng nội dung của chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…
Bà Hồ Thị Ngọc Lan - Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Long An thông tin, hiện nay Long an có 33 dự án thực hiện theo Nghị định 98 với số vốn 75 tỷ đồng. Thực hiện Nghị định 98, Long An cụ thể hóa bằng Nghị quyết của HĐND tỉnh và Quyết định của UBND tỉnh. Đồng thời, ban hành bộ thủ tục hành chính để thực hiện, thời gian phê duyệt các dự án khoảng 25 ngày làm việc.
Khó khăn của Long An không phải là nguồn vốn thực hiện mà là các thủ tục thanh quyết toán. Từ đó, đại diện Sở NN&PNNT Long an đề xuất Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính có thông tư để hướng dẫn các địa phương thực hiện thanh, quyết toán các dự án đã triển khai theo đúng quy định.
Tham gia ý kiến tại hội thảo, đại diện tập đoàn Lộc Trời nêu lên 5 vấn đề khó khăn trong thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm thời gian qua, đó là khó khăn về nội dung hợp đồng liên kết giữa DN và HTX, hiện DN ký hợp đồng theo mùa vụ đối với ngành hàng lúa, nếu ký thời gian 3 đến 5 năm thì sẽ gặp khó khi chính sách, thị trường biến động, thay đổi, DN khi đó phải đối mặt với những rủi ro về pháp lý.
Cùng với đó thì chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với DN tham gia liên kết chưa nhiều; thủ tục thực hiện còn phức tạp, rườm rà; vốn đối ứng của HTX ở hai hạng mục cơ sở hạ tầng là 70%, bảo hiểm nông nghiệp là 80% là quá lớn đối với hầu hết HTX.
Đại diện tập đoàn Lộc Trời đề xuất, để giải quyết khó khăn về nguồn vốn, DN có thể thực hiện hình thức vay thế chấp bằng hợp đồng giữa liên kết DN và HTX, vì hiện nay giá lúa tăng cao, DN cần nguồn vốn lớn để thu mua lúa.
Ông Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, phát triển hợp tác trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Minh chứng cụ thể nhất là trong hai tháng qua, khi giá lúa gạo tăng cao, trong khi rất nhiều DN gặp khó khăn, thậm chí lỗ thì có khoảng 50 DN xuất khẩu gạo vẫn đứng vững nhờ có liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa.
Tại hội thảo hôm nay, có 11 ý kiến của các đại biểu, tất cả các ý kiến đều rất thiết thực, phản ánh đúng kết quả, thực trạng,vướng mắc khó khăn trong quá trình liên kết.
Những kiến nghị đề xuất của các địa phương là cơ sở để Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tham mưu Chính phủ bổ sung, sửa đổi Nghị định 98 phù hợp với tình hình mới, thúc đẩy liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho vùng ĐBSCL.