Lễ hội giã cốm của người Tày ở Chiêm Hóa là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

UBND huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang vừa tổ chức đón nhận Quyết định chứng nhận Lễ hội giã cốm của người Tày Chiêm Hóa là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội giã cốm của người Tày huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lễ hội giã cốm của người Tày huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lễ hội giã cốm (Tăm khẩu mẩu) của đồng bào dân tộc Tày huyện Chiêm Hóa nói chung và xã Trung Hà nói riêng là lễ hội truyền thống sau mỗi vụ thu hoạch lúa, thể hiện sự biết ơn của người dân đối với đất trời đã cho mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội giã cốm khẳng định trình độ sản xuất nông nghiệp của bà con, không khuất phục trước thiên tai dịch họa để cho cây lúa trĩu bông, thóc lúa đầy bồ.

Lễ hội được tổ chức hàng năm vào dịp tháng 9,10 âm lịch. Khi lúa nếp cái bắt đầu chắc hạt, gia đình trưởng họ xem ngày lành, tháng tốt, nhờ chị em trong dòng họ nhặt lúa thành cum, đem lạt buộc thành túm nhỏ, đào lò, đan một miếng phên vuông đậy lên miệng lò, chất củi đốt rồi hơ cho lúa chín, để nguội rồi đem vào cối giã thành hạt cốm thơm ngon, để tế dâng lên báo công tạ ơn Ngọc Hoàng Thượng đế và các vị thần đã ban cho muôn dân mùa màng tốt tươi, mọi nhà no ấm.

Năm 2024, lễ hội truyền thống "Lễ hội giã cốm của người Tày ở huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang" đã được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Với những nghi thức truyền thống, lễ hội giã cốm của người Tày ở huyện Chiêm Hóa thể hiện sức sống, tinh thần, tạo nên nét văn hóa đặc sắc cần được bảo tồn, giữ gìn và phát huy nhằm góp phần phát triển thành sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có thu hút du khách khi đến với Chiêm Hóa nói riêng, xứ Tuyên nói chung.

Q.VY

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/dan-toc-ton-giao/le-hoi-gia-com-cua-nguoi-tay-o-chiem-hoa-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-130938.html