Lấy ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 2013
Sáng 20/5, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến trong hệ thống MTTQ Việt Nam tỉnh đối với Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, các vị đại biểu là thành viên các Hội đồng Tư vấn, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng, các chuyên gia của Tổ tư vấn, các đồng chí là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, thành phố.

Quang cảnh hội nghị lấy ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp 2013
Phát biểu điều hành hội nghị, đồng chí Phạm Triều - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh nhấn mạnh: Hiến pháp năm 2013 là đạo luật cơ bản, có giá trị pháp lý cao nhất, là nền tảng chính trị - pháp lý để tổ chức bộ máy nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Trải qua hơn 10 năm thực thi, Hiến pháp đã phát huy hiệu lực trong thực tiễn. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi nhanh chóng, sâu sắc, yêu cầu hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển đất nước bền vững, hội nhập toàn diện... đặt ra yêu cầu cần sửa đổi, bổ sung một số điều trong Hiến pháp để phù hợp với tình hình mới.

Đại diện Hội Luật gia tỉnh góp ý
Hội nghị hôm nay là bước quan trọng để hệ thống Mặt trận tỉnh Lâm Đồng phát huy vai trò đại diện, tập hợp, phản ánh ý chí, nguyện vọng của Nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Là diễn đàn quan trọng để hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh thể hiện trách nhiệm chính trị và quyền làm chủ của Nhân dân trong việc tham gia xây dựng Hiến pháp - đạo luật gốc của Nhà nước ta. Rất mong các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, đóng góp những ý kiến sâu sắc, chất lượng, khả thi và sát thực tiễn.
Hầu hết các ý kiến tại hội nghị đều có sự đồng thuận rất cao về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để tạo cơ sở nhất định thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trọng tâm là sắp xếp MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và hoàn thiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Các đối tượng trong hệ thống MTTQ Việt Nam tỉnh, đại diện các địa phương cũng nhất trí cao về phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và những nội dung cơ bản của dự thảo nghị quyết; đồng thời cho rằng, nội dung của dự thảo nghị quyết đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư…

Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh góp ý
Các đại biểu tham dự đã góp ý, đề xuất một số nội dung về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (Chương II): Đề nghị bổ sung nội dung về quyền được bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền tiếp cận thông tin và quyền được sống trong môi trường trong lành.
Về tổ chức bộ máy nhà nước: Cần làm rõ hơn cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; đồng thời tăng tính độc lập của hệ thống tư pháp nhằm bảo đảm công lý và bảo vệ quyền công dân.
Về chính quyền địa phương: Đề nghị quy định rõ ràng hơn vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở, đặc biệt là chính quyền đô thị và nông thôn theo hướng tăng tính tự chủ, phân cấp mạnh và gắn với trách nhiệm giải trình.

Ông Bùi Thanh Long - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn - giám sát và phản biện xã hội phát biểu
Về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, một số đại biểu đề nghị cần hiến định rõ quyền giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể theo hướng có tính ràng buộc pháp lý, nhằm phát huy dân chủ và tiếng nói của Nhân dân trong hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật và chính sách.
Về sửa đổi Hiến pháp, đề nghị nghiên cứu mở rộng hình thức trưng cầu ý dân không chỉ trong sửa đổi Hiến pháp mà cả trong các vấn đề lớn, có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống quốc gia. Việc này sẽ thể hiện rõ quyền làm chủ của Nhân dân...
Các ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu sẽ được Ủy ban MTTQ tỉnh tổng hợp, tiếp thu, ghi nhận và gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh, bổ sung, góp phần hoàn chỉnh Hiến pháp và đi vào cuộc sống ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn.