Lập kế hoạch chưa sát: Ủy ban Tài chính - Ngân sách đặt câu hỏi về công tác dự báo

Việc lập dự toán thu NSNN và kế hoạch vốn đầu tư phát triển chưa sát thực tế. Kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN không sát khả năng thực hiện, đăng ký nhu cầu vốn không chính xác, dẫn đến phải điều chỉnh kế hoạch 3 lần; hủy kế hoạch vốn ngoài nước 14.598 tỷ đồng…

Chiều 23/5, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày Báo cáo Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020. Theo đó, dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) là 1.539.052,8 tỷ đồng; quyết toán là 1.510.579,2 tỷ đồng, giảm 1,9% (28.473,6 tỷ đồng) so với dự toán; trong đó, thu ngân sách Trung ương (NSTW) giảm 92.076,6 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương (NSĐP) tăng 63.603 tỷ đồng.

Về chi NSNN, dự toán là 1.773.766,2 tỷ đồng; quyết toán là 1.709.523,7 tỷ đồng, bằng 96,4% (giảm 64.242,5 tỷ đồng) so với dự toán; trong đó, quyết toán chi NSTW là 647.851,1 tỷ đồng, bằng 90% so với dự toán; quyết toán chi NSĐP là 1.061.672,6 tỷ đồng, bằng 100,7% so với dự toán.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (Ảnh: KT)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (Ảnh: KT)

Dự toán Quốc hội quyết định đầu năm bội chi NSNN là 234.800 tỷ đồng, bằng 3,44% GDP. Tại Nghị quyết số 128/2020/QH14 ngày 12/11/2020, Quốc hội cho phép tăng bội chi NSTW thêm tối đa 133.500 tỷ đồng. Khi đó, số bội chi NSNN Quốc hội cho phép là 368.300 tỷ đồng, tương đương 5,41% GDP kế hoạch.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết, tỷ lệ nợ công đã giảm mạnh từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55,2% GDP cuối năm 2020; kỳ hạn nợ được kéo dài, chi phí huy động giảm, củng cố an toàn, an ninh tài chính quốc gia, giúp tạo dư địa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó kịp thời với dịch bệnh.

Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà cơ bản nhất trí với các đánh giá về những khó khăn và kết quả đạt được nêu trong báo cáo quyết toán NSNN năm 2020 của Chính phủ, nhưng cơ quan thẩm tra cũng đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục.

Cụ thể, việc lập dự toán thu NSNN và kế hoạch vốn đầu tư phát triển chưa sát thực tế, nhất là dự toán thu tiền sử dụng đất do các địa phương lập 5 năm không sát với khả năng thực hiện, vượt nhiều so với dự toán, dự toán thu năm sau thấp hơn so với thực hiện thu năm trước; một số địa phương lập dự toán chưa đầy đủ, bao quát hết nguồn thu. Kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN không sát khả năng thực hiện, đăng ký nhu cầu vốn không chính xác, dẫn đến phải điều chỉnh kế hoạch 3 lần; hủy kế hoạch vốn ngoài nước 14.598 tỷ đồng…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà

Bên cạnh đó, việc chấp hành dự toán NSNN vẫn còn một số tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm như: giao kế hoạch vốn đầu tư công chậm; phải điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn nhiều lần trong năm, bổ sung điều chỉnh vốn không đúng thời gian quy định; phân bổ kế hoạch vốn không đúng quy định, phân bổ vốn cho các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, không xác định danh mục dự án cụ thể; không có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, không đúng thứ tự ưu tiên theo quy định; chưa tuân thủ thứ tự ưu tiên trong bố trí vốn dự phòng chung nguồn ngân sách Trung ương; phân bổ vốn chi tiết vượt mức kế hoạch đầu tư công trung hạn...

Đáng chú ý, giao dự toán chi thường xuyên nguồn NSNN chậm không phân khai hết dự toán từ đầu năm; giao bổ sung dự toán vào thời điểm cuối năm không đúng quy định Luật NSNN; hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí diễn ra khá phổ biến tại một số đơn vị được kiểm toán, dẫn đến tính thiếu thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế thu nhập cá nhân (KTNN xác định số phải nộp NSNN tăng thêm 8.802,6 tỷ đồng).

“Quản lý tiền thuê đất, khai thác khoáng sản tại một địa phương còn chưa đúng quy định, gây thất thu NSNN; công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế đã được đẩy mạnh, nhưng tình trạng trốn thuế vẫn diễn biến phức tạp; một số bộ, ngành, địa phương chi tiêu không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, không đúng nguồn theo quy định; bổ sung dự toán thực hiện một số nhiệm vụ chưa thật sự cần thiết,…”, báo cáo của Ủy ban Tài chính ngân sách nêu rõ.

Ngoài ra, công tác quyết toán NSNN cũng còn một số tồn tại, hạn chế, như: chậm gửi báo cáo quyết toán năm 2020; một số địa phương còn quyết toán một số khoản chi chưa đúng quy định, phải xử lý sang năm sau. Một số tồn tại, sai sót kéo dài từ nhiều năm trước nhưng chỉ khi Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán mới được kiến nghị xử lý…

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương làm rõ các tồn tại, hạn chế trong lập, chấp hành, quyết toán NSNN nêu trong báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2020 và kiểm toán NSNN năm 2020 tại các bộ, ngành, địa phương của Kiểm toán Nhà nước; làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý cụ thể đối với tổ chức, cá nhân nhiều năm không thực hiện đúng các quy định pháp luật về lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2020; thực hiện nghiêm các giải pháp tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong lập, chấp hành, quyết toán NSNN theo đúng các nghị quyết của Quốc hội./.

Cẩm Tú/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/lap-ke-hoach-chua-sat-uy-ban-tai-chinh-ngan-sach-dat-cau-hoi-ve-cong-tac-du-bao-post945749.vov