Lão Phỉnh
Sau bữa ăn do một người từ nước ngoài về mời cả làng, phởn chí nhất là lão Phỉnh, vì bữa ăn không phân biệt đẳng cấp giàu nghèo, sang hèn, mọi người đều được ăn uống như nhau. Chỉ có vị trí ngồi là khác. Dân đen rủ nhau ngồi với dân đen, quan xã, quan thôn ngồi với nhau. Ngang bằng, phải phận, dễ ăn, dễ nói, chẳng phải ý tứ gì sất. Gà rán, giò, chả… bia lon, rượu màu hổ phách, nghe đâu một chai rượu bằng hơn tạ thóc cùng nhiều thức ăn, đồ uống khác ít thấy ở thôn quê được mang từ thành phố về… Thế mới là cỗ chứ.
Người từ bên Tây về có khác. Lão mong năm nào làng cũng có vài Việt kiều về để được ăn uống thỏa thích. Có thời, nhà nào có người ra nước ngoài là giấu biệt, có ai hỏi đến đều chối đây đẩy. Thời nay, quan hệ được cởi mở, người nào có vẻ sang trọng về làng là ai cũng lân la đến nhận họ hàng ngành trên, nhánh dưới, không nội thì ngoại từ đời nảo, đời nào. Bỗng chốc họ hàng phình ra gần hết làng. Cứ như lão đây, chẳng phải bứt rứt tìm lý lẽ để nhận thân thích với ai hóa ra lại sướng. Hoàn cảnh, tính tình như lão nếu có họ hàng với ai thì người ta cũng lảng tránh. Ai họ hàng với người nhà hủi. Tuy ở trong căn nhà, sử dụng mảnh vườn của ông hủi để lại, nhưng thân thể lão chẳng có bệnh tật ghê gớm gì, thỉnh thoảng nhức đầu, sổ mũi chỉ cần búi tóc rối với tý dầu hỏa đánh gió là khỏi.
Lão đâu có hủi như người ta vẫn thậm thụt nói với nhau. Khối người tính cách còn bệnh hoạn hơn hủi. Ăn cắp đủ thứ của tập thể, của người khác, thậm chí cả danh dự, cách nghĩ của người khác làm của mình để mưu lợi. Nghĩ mà chua xót. Những người đánh giặc trở về, ngực đỏ huân huy chương ít được quý trọng, người trốn tránh sự tàn khốc của bom đạn hoặc đói nghèo, nay trở về lại được xúm xít đón rước như ông hoàng, bà chúa. Cái vinh không thể đem sắp cỗ được, người đi khỏi làng mấy chục năm có cỗ mời làng ăn, có tiền cho làng sửa sang nơi thờ tự, cho họ hàng thân thích mua sắm, được xun xoe, tâng bốc. Những người được coi là thân thiết có dịp vênh mặt lên với làng, chả bù cho ngày trước lúc nào cũng nơm nớp lo chính quyền hỏi đến, làng xóm bới móc. Như lão đây, chẳng có điều gì khuất tất nên không phải lo sợ. Cái mà lão sợ nhất là không còn sức uống rượu. Khi nào uống thấy đắng trong họng là sắp ốm. Tuy vẫn ra vào nhà lão nhờ việc này, việc nọ, xin quả ớt, củ riềng... nhưng không ai dám chạm trực tiếp vào da thịt lão để cạo gió cho lão.
Lão lần ra vườn bứt nắm lá tre, ngải cứu, lá dâu, hương nhu, tía tô, lá bưởi... đun nồi lá xông, trùm chăn cho toát mồ hôi là người nhẹ tâng, ốm đau chạy khỏi người, chẳng mất viên thuốc nào. Lão tự hào vì biết chữa bệnh cho mình bằng phương pháp đông y cổ truyền. Người lão sắt lại, thân thể thấp bé, còm nhom, đen đúa. Lão không biết nói đùa, cũng chẳng biết nói dối. Ai dối lão một lần như một vết chàm khó gột trong lòng lão. Dửng dưng sự đời thế thôi, nhiều lúc lão cũng sâu cay theo cách hiểu giản đơn của lão làm nhiều người ngỡ ngàng. Như chuyện nhận họ hàng với người Việt kiều, lão thủng thẳng bảo tại sao ngày trước ai cũng chối bỏ người xa quê, bây giờ lại vồ vập, tranh nhau nhận thân thiết? Đừng coi thường lão không hiểu biết mà nhỏ to nói xấu lão sau lưng. Lão kém về gia thế, xấu người nhưng tính tình không xấu. Cuộc đời phũ phàng đã dạy lão luôn đề phòng. Cuộc sống khốn khổ mách bảo lão phải giúp đỡ người khác.
Gọi là lão Phỉnh, phần do tuổi đã ngoài sáu mươi, phần vì hễ ai có việc gì cần lão giúp, khen vài câu là lão hăm hở làm ngay, chẳng cần biết mình có làm được không. Phỉnh là cái tên mà từ người già đến trẻ con trong làng đều gọi lão. Lúc đầu nghe gọi, cũng tức, nghe nhiều thành quen, chẳng còn giận nữa, quên cả tên cha mẹ đặt cho lúc bé. Cũng chẳng ai tra xem gốc gác của lão. Người già bảo lão là đời thứ hai sống trong ngôi nhà ông hủi ở làng này. Bố mẹ lão ở đâu, là người thế nào cũng không ai biết, chỉ biết rằng cách đây có đến hơn năm mươi năm, trong cơn mưa rả rích, đường làng nhão nhoẹt, lõng bõng bùn nước, một người đàn bà gần năm mươi tuổi dắt thằng bé chín mười tuổi đến làng. Chẳng cần hỏi han ai, người đàn bà kéo thằng bé đến ngôi nhà của ông hủi chết cách đấy mấy tháng, nép mình ở góc mảnh vườn giáp rặng tre ngoài bìa xóm, cách những nhà gần nhất có đến vài trăm mét. Khi ông hủi chết, dân làng bó chiếu, dùng dây thừng cột chặt, kéo ông ra ngoài bãi sông đốt xác, rồi đổ vôi bột xuống cái huyệt sâu hun hút chôn ông. Người ta định chôn ông xong quay về đốt ngôi nhà ông ở để phòng trừ lây bệnh hủi, nhưng vừa đắp xong nấm mồ cho ông thì trời đổ cơn mưa rào. Chẳng ai còn để tâm đến việc đốt nhà ông nữa.
Cái số ông già thật khổ, quanh năm thui thủi một mình với mảnh vườn trồng cây ăn quả, chẳng ai dám đến gần. Mọi việc từ sửa nhà dột, rào giậu đến vun xới cây cối đều một tay ông làm. Ông là người khéo tay. Những chiếc rổ, rá, giần, sàng ông đan vừa đẹp, vừa bền, nhưng dân làng chẳng ai dám mua, ông nhờ người ta mang ra chợ bán, phiên nào cũng hết. Quả cây trong vườn, ông nhờ lũ trẻ trong làng trốn bố mẹ đến hái giúp, nhờ người mang ra chợ bán hộ, trả công cho chúng bằng những quả ổi, quả khế, chùm nhãn. Cũng may, lũ trẻ không biết sợ lây nhiễm là gì. Với chúng, quả ổi, quả khế, chùm nhãn hấp dẫn chúng như nam châm hút sắt. Bố mẹ chúng mà biết là nhừ đòn. Tiền bán quả, bán rổ rá người ta mua giúp ông gạo, muối, cá khô… để ở cổng, ông ra đấy mà lấy. Nhiều lần quên đến nửa đêm ông mới nhớ ra lấy. Có để cả tháng ở ngoài ấy cũng không mất, vì chẳng ai thèm lấy của thằng hủi bao giờ.
Mấy lần, cán bộ y tế xã vận động ông đi trại phong chữa bệnh, ông nói già rồi không sống được bao lâu nữa nên không đi. Ông chết, thấy không có người thừa kế hương hỏa, xã định thu hồi đất nhà vườn của ông để xây dựng nhà mẫu giáo nhưng dân làng phản đối sợ lây bệnh cho trẻ con nên vẫn để đó. Bây giờ, có người dắt theo thằng bé từ đâu đến ở, người ta to nhỏ đồn đoán là họ hàng nhà ông hủi. Chuyện người lạ đến ở căn nhà bệnh tật rồi cũng đi vào quên lãng. Thế là làng Giành mọc thêm hai nhân khẩu. Từ khi có bàn tay thu vén, xới xáo của người đàn bà, ngôi nhà, mảnh vườn quang quẻ, ngăn nắp hơn. Bọn trẻ con trong xóm có thêm bạn mới, ngoài giờ đi học, tha hồ chơi đùa dưới tán cây. Thằng bé được bà cô cho đến trường, khốn nỗi, vì đi học muộn, mười bốn tuổi mới học lớp bốn. Ngộc nghệch nhất lớp, mải chơi, lười học nhất lớp. Việc học đối với nó chẳng nghĩa lý gì. Nó đâu cần học. Biết đọc, biết viết, cộng trừ nhân chia vài con số đơn giản là được rồi. Nhiều chữ để làm gì. Hoàn cảnh và cái tạng của nó, lớn lên cũng chẳng làm được ông nọ, bà kia. Nó bỏ học, ở nhà làm vườn với bà cô. Khi rỗi việc, nó bẫy chim, bắt cá, chạy nhảy chơi đùa với lũ trẻ chăn trâu, cắt cỏ.
Thằng bé cũng khéo tay chẳng kém gì ông hủi quá cố, nó đan rổ, rá nhoay nhoáy, nó còn biết làm lờ đánh cá rô, ống đánh lươn… Nó là thằng sát cá, lần nào đổ lờ, rút ống lươn cũng kiếm được kha khá, ăn không hết, bà cô mang ra chợ bán thêm đồng mua dầu muối. Bao năm lam lũ, bà cô nó lưng còng gập, chân chậm, mắt mờ không làm được những việc đã từng làm, mọi việc nặng nhọc đều đến tay nó. Trước kia bà cô nuôi nó, bây giờ nó nuôi bà cô. Nó là đứa tuy ít học nhưng cũng biết phải trái, chăm chỉ làm lụng. Khi nó hơn hai mươi tuổi, bà cô có ý nhắm vài đám cho nó để giời có bắt đi cũng yên tâm nhắm mắt, vì đã xong phận sự gửi gắm của bố mẹ nó, nhưng chẳng đứa con gái nào chịu lấy nó làm chồng. Nhà nghèo không phải lý do không lấy được vợ, cái chính là người ta sợ cái bệnh của ông già hủi trong ngôi nhà truyền lại cho nó. Người ta cứ sợ bóng, sợ vía, hai cô cháu sống bao nhiêu năm có ai mắc bệnh đâu. Nó đành chịu phận.
Bà cô mất, ngôi nhà trống vắng một nửa. Nó thương cô vất vả vì nó, trước lúc chết vẫn còn đau đáu về chuyện nó chưa có vợ. Nó nghĩ, không ai lấy cũng hay, một mình riêng cõi, thích uống rượu lúc nào cũng được. Cá, lươn, quả ổi, quả khế đều là đồ nhắm. Hứng lên, rủ bạn đến khề khà. Sống một mình lại hay. Đi đâu, làm gì, ăn gì, chẳng ai ngăn cản, không như mấy anh lúc nào cũng sợ vợ con cằn nhằn, ngồi uống rượu cứ nhấp nhổm còn gì là sung sướng nữa. Nghĩ thế để tự an ủi, nhiều lúc độc thân cũng thấy buồn. Một mình thui thủi sớm khuya, “ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân”, giá có vợ con tuy vất vả hơn nhưng có người để nói chuyện, âu yếm, trêu đùa, thậm chí quát mắng, đánh chửi. Đằng này, chả nhẽ tự mình nói chuyện, chửi mắng mình, người ta lại bảo mình điên. Đã mang tiếng ở nhà ông hủi, bây giờ lại thêm cái tiếng là thằng điên thì ai còn dám bén mảng đến nhà nữa.
Sống một mình ở nơi ngày ngày làm bạn với tiếng chim kêu, tiếng gió lao xao trên tán cây nhiều lúc khiến nó chạnh lòng. Vì thế, khi rỗi việc, ai có việc nhờ giúp, nó không nề hà, cũng chẳng lấy công xá nên được mọi người mến, thỉnh thoảng dúi cho cút rượu. Mấy người hay chuyện gán thêm cho nó cái tính thích nịnh, được người ta khen lấy lệ là phỉnh mũi lên. Rõ khổ, nghèo khó, côi cút, có quyền thế gì đâu mà người khác phải nịnh để nhờ cậy cơ chứ. Ấy thế mà cái tên Phỉnh có từ đấy. Lúc tuổi thanh niên gọi là anh Phỉnh, đến tuổi trung niên gọi là ông Phỉnh, khi tuổi lục tuần gọi là lão Phỉnh.
Chiều tà, khi những tia nắng cuối cùng sắp bị gió thổi tắt, cái nóng đầu hạ bứt rứt khó chịu, lão Phỉnh cởi cái áo chua loét mồ hôi, vắt vai, khật khưởng từ đám lợp nhà xóm dưới về, đang nghêu ngao mấy câu nói ngược: “Ban đêm oi bức mặt trời/Ban ngày mát mẻ trăng cười trên cao/Ban đêm nắng lửa tuôn trào/Ban ngày nhay nháy ông sao trên trời” thì thấy đứa trẻ bên kia đường đang khóc gọi mẹ ở bên này đường. Mẹ nó vẫy tay, thằng bé chạy qua. Một chiêc ô tô lao tới. Lão Phỉnh chỉ kịp nhào ra đẩy thằng bé ngã lăn vào vệ đường. Tiếng phanh ô tô rít ken két, khét lẹt. Không kịp nữa rồi! Lão Phính bị hất lên, bắn ra, chân giẫy giẫy, tay quờ quạng, rồi bất động. Người ta vội đưa lão đi cấp cứu. Cú húc đã làm lão giập lá lách, gẫy xương sườn, đầu bị chấn thương nặng. Trong cơn hấp hối, lão thấy mình đang ngồi trên chiếc chõng tre ngoài sân, uống rượu với khế chấm muối ớt. Lão lờ mờ thấy bà cô về cầm tay lão rủ đi. Lão cố giằng ra nhưng không được. Lão mấp máy từng tiếng: “Tôi... đi... rồi... nhà... đất... hiến... cho... xã!”. Lão thở hắt ra, cảm giác như có ai đó nhấc bổng lên rồi lịm dần như đi vào giấc ngủ mỗi lần say rượu. Người mẹ có con được lão cứu, gọi thất thanh: “Bác sỹ ơi! Ông... ông Phỉnh lại... lại bị ngất rồi!”.
Cô bác sỹ chạy vào, nhìn máy đo nhịp tim thấy trên màn hình vạch một đường thẳng, đặt ngón tay lên mũi, vạch mi mắt lão, buồn rầu nói: “Ông ấy đi rồi!”.
Mẹ đứa bé gào lên: “Ông Phỉnh ơi, mẹ con cháu biết đền ông thế nào cho xứng với ơn cứu mạng của ông đây. Ông cho phép mẹ con cháu được quấn khăn tang tiễn ông về với tổ tiên!”.
Chiếc lá vàng trên cây đại bên ngoài cửa sổ chỗ giường lão nằm nhẹ nhàng liệng rơi vào ngực người quá cố. Bầu trời xám xịt đang được ngọn gió đông nam dọn quang đãng để đưa tiễn một người cả đời khổ hạnh nhưng sạch sẽ.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/213843-lao-phinh