Lãnh đạo Lào đánh giá ý nghĩa chiến thắng Điện Biên Phủ với cách mạng Việt-Lào

Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là chiến thắng của nhân dân Việt Nam mà còn là chiến thắng cả của nhân dân Lào và Campuchia đã liên minh chiến đấu chống lại kẻ thù chung để giải phóng dân tộc.

Đại tướng Chansamone Chanyalath, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Lào trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Bá Thành/ TTXVN)

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), phóng viên TTXVN tại Lào đã phỏng vấn Đại tướng Chansamone Chanyalath, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Lào về ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với cách mạng Việt Nam-Lào và các phong trào giải phóng thuộc địa trên thế giới vào thời điểm đó, cũng như sự đồng hành của hai nước Việt Nam và Lào trong suốt những thập kỷ qua.

Sau đây là nội dung của cuộc phỏng vấn:

- Theo Đại tướng, chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa như thế nào đối với cách mạng Việt Nam-Lào và các phong trào giải phóng thuộc địa trên thế giới vào thời điểm đó? Đại tướng nhận định như thế nào về những đóng góp của liên minh chiến đấu Việt Nam-Lào trong Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ?

Đại tướng Chansamone Chanyalath: Chiến thắng Điện Biên Phủ vào ngày 7/5/1954 là một chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Đây không chỉ là chiến thắng, niềm tự hào của nhân dân Việt Nam anh em, của các nước trên Bán đảo Đông Dương nói riêng, mà còn là chiến thắng và niềm tự hào của tất cả các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới nói chung.

Chiến thắng Điện Biên Phủ thể hiện sự kiên định trước sau như một trong quyết tâm chiến đấu vì nền độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Điện Biên Phủ là chiến thắng lừng lẫy nhất trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam anh hùng, được lịch sử dân tộc Việt Nam và lịch sử thế giới ghi nhận trong thế kỷ XX vì đã đập tan hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, làm sáng tỏ một chân lý rằng, một dân tộc nửa thuộc địa, nửa phong kiến, đất đai không rộng, dân số không đông, kinh tế lạc hậu, chậm phát triển, lực lượng quân sự nhỏ, phương tiện vũ khí ít ỏi nhưng nếu có sự đoàn kết vững chắc, có sự chỉ đạo, lãnh đạo đúng đắn, biết huy động và sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân để tiến hành chiến tranh nhân dân, có thể đánh thắng kẻ thù xâm lược có nền tảng kinh tế và quân sự mạnh hơn và hiện đại hơn rất nhiều lần.

Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là chiến thắng của nhân dân Việt Nam mà còn là chiến thắng cả của nhân dân Lào và Campuchia đã liên minh chiến đấu chống lại kẻ thù chung để giải phóng dân tộc. Chiến thắng này đã dập tắt ý chí xâm lược của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, buộc chính quyền thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneva 1954 về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương, công nhận nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia.

Chiến thắng Điện Biên Phủ và chiến thắng của nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia trong công cuộc đấu tranh cứu quốc chống lại thực dân Pháp đã khiến chủ nghĩa thực dân kiểu cũ lần đầu tiên bị đánh bại trên thế giới, trở thành điểm tựa vững chắc và là tấm gương sáng để các nước thuộc địa đứng lên đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột và ách thống trị của thực dân kiểu cũ ở nhiều nơi trên thế giới, góp phần không nhỏ vào công cuộc đấu tranh vĩ đại vì nền độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân loại.

Đây là lý do để khẳng định, Điện Biên Phủ là chiến thắng có ý nghĩa lịch sử không chỉ của nhân dân Việt Nam mà còn của các nước đang chịu ách thống trị và sự bóc lột của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ cũng như với các phong trào giải phóng thuộc địa trên thế giới vào thời điểm đó.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, phía Lào khi đó không chỉ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phía Việt Nam trong Chiến dịch mà các đơn vị vũ trang của Lào hoạt động tại miền Bắc cũng đã phối hợp tấn công quân của thực dân Pháp ở khu vực biên giới hai nước và bên trong lãnh thổ Lào, góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đối với Lào, chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa quan trọng đối với tình đoàn kết đặc biệt và liên minh chiến đấu Lào-Việt Nam, là chiến thắng của sự phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau để cùng đánh bại kẻ thù chung.

- Thành công của chiến dịch Điện Biên Phủ có ý nghĩa như thế nào đối với việc phối hợp giữa quân đội 2 nước trong các chiến dịch sau này, đặc biệt là trong những năm tháng chống đế quốc Mỹ, thưa ông?

Đại tướng Chansamone Chanyalath: Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu đã buộc thực dân kiểu cũ phải ký Hiệp định Geneva năm 1954, thừa nhận nền độc lập, chủ quyền của 3 nước Đông Dương. Sau Hiệp định Geneva, chủ nghĩa đế quốc kiểu mới đã nhảy vào thay thế chủ nghĩa thực dân kiểu cũ xâm chiếm Lào và Việt Nam.

Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tiếp tục đoàn kết, kề vai sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ quân đội và nhân dân các dân tộc Lào, kiên quyết chiến đấu bền bỉ và anh dũng trên tinh thần “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa,” đập tan dã tâm xâm lược của đế quốc thực dân kiểu mới và tay sai, giành được nhiều chiến thắng như Chiến dịch giải phóng tỉnh Luang Namtha (1962); Chiến dịch Nậm Bạc (Nambak) năm 1968; Chiến dịch Mường Sủi (Meuang Soui); Chiến dịch Cù Kiệt (Kukiet); Chiến dịch Lam Sơn 719 (1971); Chiến dịch Cánh đồng Chum-Xiangkhoang…

Để hỗ trợ các đồng chí Việt Nam hoàn thành sứ mệnh lịch sử giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Trung ương Mặt trận Lào yêu nước cũng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi mở tuyến đường Hồ Chí Minh qua đất Lào để tiếp tế, vận chuyển bộ đội và phương tiện chiến tranh trong thời gian nhiều năm, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của hai dân tộc Lào-Việt Nam.

Ngày 30/4/1975, miền Nam Việt Nam được hoàn toàn giải phóng. Phối hợp với thắng lợi của nhân dân Việt Nam, Lào đã phát động chiến dịch khởi nghĩa bằng 3 đòn chiến lược, tiến tới giành chính quyền trên toàn quốc ngày 23/8/1975, xóa bỏ chế độ quân chủ cũ và thành lập chế độ mới là Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ngày 2/12/1975.

- Ông đánh giá thế nào về sự đồng hành của hai nước Việt Nam và Lào trong suốt những thập kỷ qua, hai nước chúng ta cần phải làm gì để mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào ngày càng phát triển sâu sắc, hiệu quả và trường tồn?

Đại tướng Chansamone Chanyalath: Như chúng ta đã biết mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai quân đội và nhân dân Lào-Việt ra đời trên cơ sở liên minh chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Mối quan hệ này đã được hun đúc và thử thách trong quá trình phát triển của cuộc cách mạng trường kỳ, gian khổ, ác liệt, ngoan cường và đầy sự hi sinh anh dũng, trên tinh thần “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa.”

Máu và mồ hôi của các chiến sĩ cách mạng Lào và Việt Nam đã nhuộm mảnh đất của hai nước chúng ta và điều này được lịch sử của hai dân tộc mãi khắc ghi.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có những chuyển biến phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch âm mưu dùng mọi thủ đoạn để phá hoại, chia rẽ mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt của hai dân tộc Lào-Việt, hai nước chúng ta cần phải phải tăng cường thắt chặt, làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Lào-Việt Nam.

Để bảo tồn và phát huy di sản của mối quan hệ có một không hai này, chúng ta cần tiếp tục giáo dục cho các thế hệ thanh, thiếu niên và những thế hệ sau của hai nước có được những hiểu biết sâu sắc về lịch sử của mối quan hệ truyền thống hữu nghị, đoàn kết chiến đấu, thủy chung, trong sáng giữa hai nước, qua đó tiếp tục gìn giữ, vun đắp và phát huy cho quan hệ này mãi mãi vững bền và trường tồn./.

- Xin trân trọng cám ơn Đại tướng!

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/lanh-dao-lao-danh-gia-y-nghia-chien-thang-dien-bien-phu-voi-cach-mang-viet-lao-post943352.vnp