Lãng phí từ tuyến đường vừa sửa đã hỏng
Trong chương trình Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí đã làm 'nóng' nghị trường Quốc hội tại phiên thảo luận về Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Có thể thấy, những biểu hiện của lãng phí đang hiện diện ở nhiều nơi, nếu không được khắc phục kịp thời thì không chỉ lãng phí tiền của trực tiếp mà còn lãng phí rất nhiều chi phí xã hội qua nhiều tầng nấc mà chưa thể định lượng được hết.
Nói về lãng phí, đại biểu Lê Văn Thìn (đoàn Phú Yên) nêu dẫn chứng từ đoạn tuyến Quốc lộ 1 qua địa phận tỉnh Phú Yên và tỉnh Bình Định thường xuyên hư hỏng, ảnh hưởng lớn đến đi lại của người dân. Theo đó, đoạn tuyến này phần lớn chạy qua vùng đồng bằng, chỉ có một số đoạn qua đồi núi thấp với địa hình khá thuận lợi. Trong những năm qua và những ngày gần đây, cử tri Phú Yên liên tục phản ánh về sự hư hỏng của tuyến đường. Mùa khô, mặt đường lồi lõm, chắp vá, tạo thành rãnh mấp mô. Mùa mưa, rất nhiều “ổ voi”, “ổ gà” xuất hiện chỉ sau vài cơn mưa. Không chỉ gây khó khăn cho hoạt động đi lại, vận chuyển hàng hóa, trên tuyến đường này còn xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm .
Nguyên nhân của việc tuyến đường hư hỏng, như phản ảnh của cử tri đến đại biểu Quốc hội, ngoài tác động khách quan từ thời tiết, khí hậu, địa hình, địa chất, còn là vấn đề chất lượng xây dựng, chất lượng bảo trì, sửa chữa và cách thức điều tiết, tổ chức hoạt động sửa chữa. Trong các năm 2021, 2022, Nhà nước đều dành kinh phí sửa chữa nhưng đường vẫn tiếp tục xuống cấp. Đại biểu Lê Văn Thìn cho rằng, đây chính là sự lãng phí, nếu tính đầy đủ thiệt hại của người dân khi lưu thông qua đoạn đường này như ảnh hưởng đến hàng hóa, phương tiện vận chuyển và mất nhiều thời gian đi lại thì con số sẽ rất lớn.
Việc quan tâm đến chất lượng công trình giao thông là một trong những giải pháp quan trọng nhất để khắc phục lãng phí. Bên cạnh đáp ứng tiến độ, tuyến đường khi đưa vào sử dụng phải bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật theo yêu cầu, giúp phương tiện lưu thông êm thuận. Ngoài ra, cũng cần tính toán đến đặc thù của điều kiện địa chất, khí hậu tại các địa phương, vùng miền để có giải pháp thi công phù hợp, với mục tiêu nâng cao hơn nữa chất lượng dự án. Qua đó, giúp tiết kiệm chi phí bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa khi công trình đi vào khai thác.
Thực tế, đã có không ít tuyến đường sau nhiều năm đưa vào sử dụng nhưng chưa phải sửa chữa lớn, chỉ cần thực hiện duy tu, bảo dưỡng định kỳ. Những công trình vì nhiều lý do khác nhau dẫn đến hư hỏng, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, đi lại của người dân cần được tập trung khắc phục, sửa chữa triệt để. Thay vì mỗi năm bố trí lượng kinh phí nhỏ giọt, vá víu thì cần có phương án giải quyết dứt điểm. Điều này cũng góp phần chống lãng phí, bởi nếu chỉ sửa đường theo cách vá víu, tiền vẫn mất, tích tụ lại vẫn là con số lớn nhưng không mang lại hiệu quả rõ rệt. Khi có phương án tổng thể, khả thi, bố trí đủ nguồn vốn sẽ giúp công trình “hồi sinh”, đáp ứng nhu cầu của người dân, phát huy hiệu quả kinh tế-xã hội.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/lang-phi-tu-tuyen-duong-vua-sua-da-hong-709968