Lan tỏa 'khúc môn đình' từ khu dân cư

PTĐT - Được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ năm 2017, đến nay hát Xoan đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ được bảo tồn...

Đội văn nghệ xã Mỹ Lương (huyện Yên Lập) trình diễn hát Xoan trong Ngày hội văn hóa huyện.

PTĐT - Được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ năm 2017, đến nay hát Xoan đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ được bảo tồn, phát huy ở các phường Xoan gốc mà còn phát triển rộng khắp trong cộng đồng từ khu vực thành thị đến nông thôn, miền núi, góp phần gìn giữ, giới thiệu, quảng bá “khúc môn đình” đến với nhân dân trong, ngoài nước và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Về xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, nơi phát tích nguồn Xoan cổ, chúng tôi dễ dàng nhận thấy, ngoài 3 phường Xoan gốc với 300 thành viên, địa phương đã thành lập 9 đội văn nghệ ở khu dân cư thường xuyên tham gia biểu diễn, giao lưu trong các sự kiện của khu, xã.Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa - Công chức Văn hóa Xã hội xã Kim Đức cho biết: “Các đội văn nghệ với nòng cốt là những nghệ nhân đã truyền dạy, dàn dựng, tổ chức chương trình văn nghệ, giao lưu hát Xoan, đưa hát Xoan đến gần hơn với cộng đồng. Thành viên trong các đội văn nghệ ở nhiều độ tuổi khác nhau, có nhiều em 4, 5 tuổi đã yêu thích, tích cực tham gia luyện tập, trình diễn là tiền đề để địa phương xây dựng lớp nghệ nhân hát Xoan kế cận.Cách Kim Đức không xa, phường Vân Phú cũng được biết đến là địa phương có nhiều khu dân cư thành lập được các câu lạc bộ (CLB) truyền dạy và trình diễn “khúc môn đình”. CLB hát Xoan và dân ca Phú Thọ khu 5, phường Vân Phú thường xuyên tham gia vào các hoạt động văn nghệ phục vụ Lễ hội Đền Hùng hàng năm và các chương trình tại địa phương.Bà Nguyễn Thị Thứ- Chủ nhiệm CLB cho biết CLB được thành lập từ năm 2011 với 50 thành viên trên cơ sở nhóm những người yêu thích hát Xoan tập hợp, hoạt động trước đó, đến năm 2013 được công nhận là CLB hát Xoan cấp tỉnh. Hiện CLB có 130 thành viên trong đó có những cụ ông, cụ bà 80 tuổi vẫn thường xuyên tham gia sinh hoạt, nghe hát Xoan, các cháu thiếu nhi 3- 4 tuổi được dạy, biểu diễn. Qua thực tiễn hoạt động, CLB đã lôi cuốn, lan tỏa niềm yêu thích làn điệu truyền thống của quê hương đến với đông đảo nhân dân nên được bà con ủng hộ cả về vật chất và tinh thần.Toàn tỉnh hiện có 31 CLB hát Xoan cấp tỉnh với trên 1.600 người tham gia thực hành hát Xoan. Ngoài các câu lạc bộ cấp tỉnh, hiện trên địa bàn từ khu dân cư đến xã, phường, thị trấn và cấp huyện có đến hàng trăm CLB hát Xoan, khoảng 200 đội văn nghệ có trình diễn hát Xoan với hàng nghìn thành viên.Xuất phát từ đam mê, người dân tự nguyện thành lập CLB, đội văn nghệ, chủ động mời nghệ nhân về truyền dạy, tích cực tham gia giao lưu trình diễn hát Xoan để học hỏi; nhờ vậy làn điệu Xoan được lan tỏa rộng rãi. Mặc dù các CLB phải tự trang trải kinh phí hoạt động, từ việc đi lại, trình diễn, trang phục nhưng niềm đam mê với hát Xoan lan tỏa, tạo hiệu ứng tích cực để người dân thấy được trách nhiệm của cá nhân, gia đình trong việc bảo tồn, phát huy làn điệu Xoan.Ông Nguyễn Xuân Nụ - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê cho biết: Địa bàn có 11 tổ, đội văn nghệ, CLB Xoan và dân ca Phú Thọ với hơn 30 thành viên duy trì hoạt động nhiều năm nay. Chính quyền luôn hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, nhân dân tích cực ủng hộ để các đội văn nghệ, CLB hát Xoan có thêm kinh phí hoạt động, biểu diễn. Địa bàn các huyện miền núi, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như: Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng, Thanh Thủy, làn điệu Xoan cũng được lan tỏa, phát huy thông qua hoạt động của các CLB, đội văn nghệ có trình diễn hát Xoan. Thành viên trong các CLB, đội văn nghệ có nhiều điểm khác nhau về dân tộc, độ tuổi, nghề nghiệp… nhưng đều có chung niềm say mê các làn điệu hát Xoan, mong muốn được đóng góp một phần vào công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Để hoạt động của các CLB hát Xoan đạt hiệu quả, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức các lớp tập huấn, truyền dạy, thực hành hát Xoan cho đối tượng là hạt nhân các CLB hát Xoan và dân ca cấp tỉnh, đội văn nghệ quần chúng, cán bộ văn hóa các xã có CLB hát Xoan, thu hút hàng trăm học viên tham gia học tập. Cùng với đó, ngành Văn hóa tổ chức các liên hoan, đêm diễn, hội thi, tạo không gian văn hóa để các CLB tham gia trình diễn, thực hành, chia sẻ kinh nghiệm hát Xoan, nâng cao chất lượng hoạt động. Có thể khẳng định, khu dân cư là “chiếc nôi” nuôi dưỡng, lan tỏa làn điệu hát Xoan ra cộng đồng không chỉ thông qua việc thành lập, hỗ trợ các CLB, đội văn nghệ quần chúng có trình diễn hát Xoan duy trì hoạt động, tham gia tập luyện, thực hành, biểu diễn mà hơn hết còn tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ, góp phần gìn giữ, tiếp nối mạch nguồn truyền thống. Song song với đó, qua hoạt động của các CLB, đội văn nghệ cũng lan tỏa tình yêu hát Xoan tới đông đảo nhân dân, từ đó mỗi cá nhân thấy được trách nhiệm, vai trò trong việc gìn giữ, bảo tồn, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trên quê hương Đất Tổ.

Lệ Oanh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-hoc-nghe-thuat/hat-xoan-phu-tho/202104/lan-toa-khuc-mon-dinh-tu-khu-dan-cu-176529