Làn sóng tấn công trực tuyến nhắm vào các nữ phóng viên

Không ít nữ phóng viên quyết định lùi lại để tự bảo vệ mình, thậm chí chọn rời bỏ ngành hoàn toàn.

Julia Carrie Wong (37 tuổi) nhớ lại khoảng thời thời gian nhiều năm trước, khi cô cảm thấy việc trở thành một phần của văn hóa kỹ thuật số thật thú vị.

“Tôi từng thực sự thích không gian trực tuyến, nơi tôi được thể hiện cá tính và có tiếng nói riêng”, nữ phóng viên mảng công nghệ của tờ Guardian cho biết.

Điều đó thay đổi hoàn toàn kể từ khi cô lên tiếng bênh vực một nhà báo khác vốn bị chỉ trích bởi một trang tin theo chủ nghĩa dân tộc da trắng.

Và thế là cuộc bạo lực mạng bắt đầu.

Ngày càng nhiều phụ nữ bị bắt nạt trên mạng như đe dọa cưỡng hiếp, khiêu dâm trả thù. Ảnh: Getty.

Những kẻ tấn công trực tuyến liên tiếp tung ra những lời sỉ nhục ác ý về cả hai dòng máu của Wong - một người Mỹ nửa gốc Hoa, nửa gốc Do Thái. Họ lan truyền những bức ảnh chế cặp sừng trên đầu nữ phóng viên. Họ bàn tán về nơi cô ấy sống.

Tình trạng ngày một tệ hơn. Năm 2019, Wong đăng câu chuyện về người đàn ông Mexico giết 23 người ở một siêu thị tại El Paso (bang Texas, Mỹ). Hàng loạt dân mạng kéo vào bài viết của cô, tuyên bố sẽ truy lùng nữ phóng viên để hiếp dâm và bắn chết.

“Tôi thực sự sợ hãi. Cuộc tấn công online làm tôi choáng ngợp. Tôi chỉ có hai lựa chọn: một là tiếp tục chiến đấu, hai là bỏ chạy”, Wong chia sẻ với The Washington Post.

Ngoài ra, nữ phóng viên người Mỹ còn một nỗi lo khác. Wong sợ rằng sự nghiệp của anh chị em mình có thể bị đe dọa bởi những kẻ tấn công trực tuyến, chẳng hạn gọi điện ẩn danh đến công ty để phàn nàn về họ.

“Tôi trở thành người chịu trách nhiệm với các thành viên còn lại trong gia đình kể từ khi bị dân mạng tấn công”, cô nói.

Nữ phóng viên gặp chứng hoảng sợ nghiêm trọng đến mức phải nghỉ làm. Tờ Guardian bày tỏ sự ủng hộ cô, giúp đỡ về mặt an ninh kỹ thuật số, cũng như đánh giá chấn thương sức khỏe tâm thần của Wong có thể được coi là chấn thương tại nơi làm việc.

Tuy nhiên, Wong cảm thấy hổ thẹn vô cùng. “Tôi xấu hổ đến mức không thể tiếp tục làm công việc của mình”, cô chia sẻ.

Seung Min Kim (trái) và Julia Carrie Wong là những nữ phóng viên chịu làn sóng tấn công lớn từ dân mạng. Ảnh: NVCC.

Tình trạng chung

Trên thực tế, những gì Wong phải đối mặt là tình trạng phổ biến đối với các nhà báo nữ.

Taylor Lorenz, một nữ phóng viên ngoài 30 tuổi, gia nhập tờ New York Times cách đây 1,5 năm. Bản thân Lorenz cũng tích cực và thẳng thắn trên mạng xã hội.

Là một phóng viên chuyên viết về xu hướng văn hóa trong thế giới công nghệ vốn do nam giới thống trị, Lorenz không xa lạ gì với nạn quấy rối trực tuyến.

Khi được hỏi “xu hướng Internet gây khó chịu nhất” trong cuộc hỏi đáp năm 2019, cô thẳng thừng nêu tên làn sóng lạm dụng phụ nữ online.

Nhân ngày 8/3 vừa qua, Lorenz khẳng định rằng mình không quá lời khi nói những chiến dịch quấy rối và bôi nhọ mà nữ phóng viên phải chịu đựng trong những năm qua “đã phá hủy cuộc đời cô”.

Ngay lập tức, Tucker Carlson, người dẫn chương trình Fox News, dành thời lượng phát sóng 2 tối liên tục chỉ để chỉ trích Lorenz, gọi cô là “một người ái kỷ sâu sắc chẳng mấy vui vẻ” và “người có đặc quyền nhất trong xã hội nhưng giả vờ bị áp bức”.

Những lời nói của Carlson trên sóng truyền hình không khác gì “thả xích” cho thêm nhiều cuộc tấn công mạng khác nhắm vào phụ nữ nói chung và Lorenz nói riêng, theo The Washington Post.

Taylor Lorenz kêu gọi mọi người hãy lên tiếng bảo vệ phụ nữ trước những cuộc tấn công mạng. Ảnh: Nina Westervelt/The Caret.

Tình trạng quấy rối kỹ thuật số ngày một lan rộng, hủy hoại cuộc sống và sự nghiệp nữ giới nói chung, các nhà báo nữ nói riêng.

Nó bắt nguồn từ GamerGate, một cuộc chiến văn hóa Internet năm 2014. Đối tượng bị tấn công là một số phụ nữ trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử như nhà phát triển game Zoë Quinn và Brianna Wu.

Cụ thể, một tin nhắn nặc danh được đăng lên khu thảo luận chung của website 4chan và trực tiếp đe dọa tới Quinn.

“Trong lần xuất hiện tiếp theo của cô tại hội nghị, chúng tôi sẽ gây ra cho cô một chấn thương tê liệt không bao giờ có thể hồi phục hoàn toàn, như ở đầu gối chẳng hạn”, trích tin nhắn nặc danh.

Bên cạnh đó, nhà phát triển game còn nhận được vô số lời đe dọa bắt cóc, hiếp dâm và giết chết khác.

Bị chặn tiếng nói trên không gian mạng

Seung Min Kim, nữ phóng viên người Mỹ gốc Á của The Washington Post, cũng trở thành nạn nhân phân biệt chủng tộc của dân mạng sau khi thực hiện báo cáo định kỳ tại Capital Hill vào tháng trước.

Cuộc tấn công lan rộng đến mức biên tập viên Steven Ginsberg phải lên tiếng: “Kim và những người phụ nữ khác phải chịu đựng các cuộc tấn công thấp hèn, vô căn cứ hàng ngày, bất kể họ đưa tin gì hay chia sẻ câu chuyện nào trên mạng. Nạn phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính đã trở thành vòng luẩn quẩn”.

Nạn nhân bị tấn công mạng có thể chịu tổn thất lâu dài. Ảnh: Getty.

Elisa Lees Munõz, giám đốc điều hành của Tổ chức Truyền thông Phụ nữ Quốc tế (IWFM) có trụ sở ở Washington D.C., nói rằng mục đích của những cuộc tấn công này “rõ ràng là một nỗ lực để ngăn tiếng nói của phụ nữ trên không gian mạng”.

Không ít nữ phóng viên quyết định lùi lại để tự bảo vệ mình, tự vấn bản thân rằng liệu có một bài viết nào đáng để họ chịu đựng làn sóng tấn công như vậy không. Thậm chí, có người rời ngành hoàn toàn.

“Các nhà báo nữ có quyền được làm việc mà không sợ bị đe dọa tính mạng của mình”, tổ chức IWFM tuyên bố, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với Lorenz.

Về phía mình, mặc dù trải qua nhiều khó khăn, Wong cho biết cô còn may mắn hơn nhiều người khác bởi cô nhận được sự giúp đỡ từ công ty và đồng nghiệp. Đối với những cây viết hành nghề tự do và phóng viên ký hợp đồng ngắn hạn, họ thường không nhận được sự bảo vệ tương tự.

“Sự chú ý của công chúng rõ ràng là một loại vũ khí. Khi có hiểm nguy, nó giống như mối đe dọa vật lý hiện hữu”, cô nói.

Hồng Chang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lan-song-tan-cong-truc-tuyen-nham-vao-cac-nu-phong-vien-post1193942.html