Làm sao biết được lọt đề thi nếu không đưa lên mạng xã hội?

Vụ việc thí sinh ở Cao Bằng và Yên Bái làm lọt đề thi Ngữ văn và Toán khiến không ít người lo sợ về bóng ma gian lận thi cử.

Ngày thi đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 (28/6) xảy ra việc đề thi bị lọt và đưa lên mạng xã hội. Cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc và xác định đó là hai trường hợp thí sinh tại Cao Bằng và Yên Bái dùng điện thoại chụp ảnh rồi gửi ra ngoài.

Về hai sự cố này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh đã chỉ đạo Hội đồng thi liên quan đình chỉ thi 2 thí sinh trên do vi phạm quy chế thi, đồng thời tạm dừng nhiệm vụ coi thi đối với các cán bộ liên quan.

Sự việc trên không ảnh hưởng đến Kỳ thi vì theo kết quả xác minh sự việc, đây là hành vi sai phạm của cá nhân các thí sinh và hiện chưa ghi nhận có thông tin giải đề hoặc hướng dẫn giải đề từ bên ngoài gửi vào phòng thi.

Tuy nhiên, dư luận có quyền đặt ra câu hỏi, nếu không đưa lên mạng xã hội thì có phát hiện ra được hành vi dùng điện thoại chụp đề thi rồi tuồn ra ngoài hay không?

Liệu ngoài hai trường hợp trên, còn có những trường hợp nào làm lọt đề thi mà không thể phát hiện?

Dư luận có quyền đặt ra câu hỏi trên bởi bóng ma gian lận thi cử đã trở thành nỗi ám ảnh trong nhiều năm qua.

Chắc chắn dư luận cũng chưa quên việc bị cáo Lê Thị Dung người đã từng nhờ nâng điểm cho 20 thí sinh trong vụ gian lận thi cử tại Hà Giang trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 cũng từng nói tại tòa: “Trong số 12 người nhờ (20 thí sinh) đều là người thân, ân nhân, bị cáo nhờ nâng điểm để... tạo phúc".

Thực tế thi cử nhiều năm qua cho thấy ở bất cứ khâu nào cũng có thể xảy ra gian lận. Ngay cả nơi tưởng như an toàn nhất là khâu ra đề thi cũng đã xảy ra gian lận.

Mới đây, cáo trạng của Viện KSND tối cao cũng đã chỉ ra việc bà Phạm Thị My (60 tuổi) và ông Bùi Văn Sâm (74 tuổi), đều là cựu giáo viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khi được giao nhiệm vụ ra đề thi môn Sinh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã sao chép câu hỏi về ôn luyện cho học sinh 12 là những người quen biết.

Vụ án này hiện đang bị hoãn xét xử nhưng cũng là một minh chứng cho việc gian lận có thể xảy ra bất cứ khâu nào.

Chính bóng ma gian lận thi cử như vậy nên sự việc lọt đề thi môn Ngữ Văn, môn Toán đang khiến cho nhiều người cảm thấy lo lắng.

Trong thâm tâm, ai cũng mong muốn: “Sự việc trên không ảnh hưởng đến Kỳ thi vì theo kết quả xác minh sự việc, đây là hành vi sai phạm của cá nhân các thí sinh và hiện chưa ghi nhận có thông tin giải đề hoặc hướng dẫn giải đề từ bên ngoài gửi vào phòng thi” – như phát ngôn mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Người viết cho rằng, các hành vi gian lận thi cử cần phải xử lý nghiêm khắc để răn đe.

Nếu không kết quả kỳ thi có quy mô tầm quốc gia thút hút hơn 1 triệu thí sinh, tốn kém rất nhiều chi phí tiền của, thời gian của toàn xã hội sẽ mất đi giá trị.

Hơn nữa, sau sự việc trên, cần thiết phải có nhiều biện pháp để sớm phát hiện ra các bất thường liên quan đến kết quả thi để xử lý.

Chỉ như vậy thì phụ huynh và học sinh mới an tâm học tập theo khẩu hiệu: “Học thật, thi thật, nhân tài thật” – mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã từng nhấn mạnh.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lam-sao-biet-duoc-lot-de-thi-neu-khong-dua-len-mang-xa-hoi-post253961.html