Lạm dụng tiêm khớp gối: Tiền mất, tật mang

Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tiếp nhận và điều trị hai bệnh nhân bị phản ứng sau khi tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) từ cơ sở y tế tư nhân.

Khớp nhiễm khuẩn, viêm tấy lan tỏa cẳng chân. Nguồn: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình

Khớp nhiễm khuẩn, viêm tấy lan tỏa cẳng chân. Nguồn: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình

Dù đã được cảnh báo về tai biến nguy hiểm có thể xảy ra khi tiêm thuốc trực tiếp vào khớp hoặc chọc hút dịch khớp tại các cơ sở y tế không được cấp phép, nhưng nhiều người vẫn chọn phương pháp này để nhanh chóng thoát khỏi cơn đau. Trong đó, không ít trường hợp phải chịu hậu quả nặng nề.

Hậu quả

Mới đây, các bác sĩ Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tiếp nhận và điều trị hai bệnh nhân bị phản ứng sau khi tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) từ cơ sở y tế tư nhân.

Bà N.T.B. (71 tuổi) và bà T.T.Đ. (78 tuổi) cùng trú tại Thái Nguyên, đều vốn có bệnh lý về thoái hóa khớp gối. Khi tìm đến cơ sở chuyên về điều trị Đông y, vật lý trị liệu, hai bà đã được tư vấn tiêm huyết tương giàu tiểu cầu giúp trẻ hóa khớp gối, đảm bảo có thể điều trị khỏi trong vòng 7, 8 năm.

Quyết định thực hiện liệu trình 5 mũi, nhưng sau mũi tiêm thứ 3, khớp gối của hai người bệnh cao niên trên đều bị đau nhức tăng lên, sưng to, nóng đỏ, đi lại khó khăn. Hai bệnh nhân được phòng khám tư kê thêm thuốc giảm đau, chống viêm, tuy nhiên cơn đau không giảm.

Tại Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, kết quả xét nghiệm cho thấy, dịch khớp gối là dịch viêm cấp, số lượng bạch cầu trong dịch khớp tăng cao, kèm theo các chỉ số viêm trong máu cũng tăng cao. Các bệnh nhân được chỉ định dùng kháng sinh phối hợp đường tiêm truyền, giảm đau, chống viêm.

Sau khoảng 10 ngày điều trị tích cực, tình trạng viêm, sưng đau hai khớp gối và khả năng đi lại, vận động của hai người bệnh đã được cải thiện, các chỉ số viêm trong máu giảm đáng kể.

ThS.BS Hà Thị Thanh Tâm, Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên cho hay, hiện có rất nhiều cơ sở tư nhân quảng cáo chữa bệnh thoái hóa khớp gối bằng tiêm huyết tương giàu tiểu cầu giúp giảm đau nhanh, cam kết chữa khỏi 100%.

Tuy nhiên, bệnh lý về khớp nói chung phần lớn nguyên nhân do thoái hóa, điều trị cần kiên trì, theo đúng phác đồ. Vì vậy, người dân khi đau khớp, có những biểu hiện bất thường thì cần đến các cơ sở y tế uy tín để khám và điều trị.

Từ đầu năm đến nay, Khoa Thận, Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình cũng tiếp nhận một số bệnh nhân vào điều trị do tai biến tiêm khớp hoặc chọc hút dịch khớp. Mặc dù, số lượng không nhiều, nhưng những bệnh nhân đến khám đều có tình trạng tai biến phức tạp, người bệnh sốt kéo dài, mệt mỏi, tại vị trí khớp tiêm/ hút dịch có biểu hiện viêm mủ khớp; áp xe phần mềm.

Các bác sĩ cho biết, trong lĩnh vực y tế, hút dịch khớp hoặc tiêm nội khớp là các thủ thuật có tính xâm lấn và tiềm ẩn nguy cơ tai biến nếu áp dụng không đúng chỉ định, thực hiện không đúng quy trình kỹ thuật/hoặc thực hiện bởi các bác sĩ không phải chuyên khoa, bác sĩ không được Sở Y tế cấp phép thực hiện kĩ thuật.

Không tự ý điều trị

TS.BS Vũ Minh Điền, Phó Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, tiêm nội khớp là một trong các thủ thuật đơn giản, ít tốn kém, an toàn hiệu quả cao trong điều trị và được tiến hành thường quy tại các chuyên khoa khớp. Tiêm nội khớp là một liệu pháp dùng kim nhỏ đưa thuốc vào ổ khớp hoặc các phần mềm cạnh khớp để điều trị tại chỗ một số bệnh lý về khớp.

Tiêm nội khớp là đưa thuốc vào trực tiếp bên trong tế bào khớp nhằm điều trị các bệnh liên quan đến khớp, đòi hỏi kỹ thuật phải tuyệt đối vô khuẩn. Đồng thời, phải được tiến hành tại các cơ sở y tế, phòng tiểu phẫu với các điều kiện vô trùng.

Theo chuyên gia này, tiêm nội khớp là một thủ thuật đơn giản, nhưng cần được vô khuẩn tuyệt đối. Qua đó, nhằm điều trị các triệu chứng như bổ sung chất nhầy, giảm tình trạng viêm khớp, giảm tăng sinh màng hoạt dịch trong các bệnh lý về khớp.

Sau khi tiêm, người bệnh cần được theo dõi. Vì vậy, nếu thấy xuất hiện những phản ứng tại chỗ hay nhiễm trùng, teo cơ, teo da... cần thông báo ngay cho bác sĩ để được thăm khám và xử trí kịp thời.

Các bác sĩ Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên khuyến cáo, người bệnh khi đau khớp, có những biểu hiện bất thường trên cơ thể cần đến các cơ sở y tế uy tín để khám và điều trị. Không nên tự tìm hiểu và điều trị tại các cơ sở không chuyên, như các spa, phòng khám tự phát không uy tín.

Thực tế hiện nay, có rất nhiều cơ sở tư nhân quảng cáo chữa bệnh thoái hóa khớp gối bằng tiêm huyết tương giàu tiểu cầu giúp giảm đau nhanh, cam kết chữa khỏi 100%. Tuy nhiên, bệnh lý về khớp nói chung phần lớn nguyên nhân là do thoái hóa, điều trị cần kiên trì, theo đúng phác đồ.

ThS.BS Lê Thị Phương Anh, Phó Trưởng khoa Nội thận, Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình cho biết, các tai biến của tiêm khớp hoặc hút dịch khớp được chia thành 2 nhóm chính là nhiễm khuẩn và không nhiễm khuẩn.

Trong đó, viêm khớp nhiễm khuẩn hoặc áp xe phần mềm quanh khớp do thủ thuật là tai biến nguy hiểm nhất có thể dẫn đến nhiễm trùng khớp, thậm chí là nhiễm khuẩn huyết, viêm màng tim, sốc nhiễm trùng nhiễm độc. Với trường hợp này, quá trình điều trị phức tạp, chi phí rất tốn kém và sức khỏe người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Qua theo dõi các bệnh nhân, chúng tôi nhận thấy, tình trạng tai biến nhiễm khuẩn khớp sau can thiệp tiêm/hoặc hút dịch khớp gặp trên những nhóm có yếu tố nguy cơ như: Mắc các bệnh đái tháo đường; béo phì; hội chứng Cushing do sử dụng Corticosteroid hoặc các thuốc có chứa Corticosteroid, thuốc hoàn tán không rõ nguồn gốc xuất xứ mua ở các cơ sở bán thuốc không được cấp phép của Sở Y tế”, bác sĩ Phương Anh cảnh báo.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), viêm xương khớp là loại viêm khớp phổ biến nhất ở Mỹ. Ước tính, có 38 - 45% người mắc viêm khớp gối. Trong đó, có hơn 10% bệnh nhân bị viêm khớp gối tìm cách giảm đau bằng cách tiêm steroid hoặc axit hyaluronic. Tuy nhiên, các nhà khoa học Mỹ cho rằng, việc tiêm steroid có thể khiến bệnh viêm khớp gối tồi tệ hơn. Kết quả được đưa ra sau 2 nghiên cứu với gần 5.000 người tham gia mắc viêm khớp gối và được theo dõi 14 năm.

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lam-dung-tiem-khop-goi-tien-mat-tat-mang-post704952.html