Lâm Đồng: Đề xuất mô hình tái định cư kết hợp phát triển du lịch sinh thái

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng bố trí 3 khu tái định cư cấp bách, kết hợp bảo tồn văn hóa dân tộc và phát triển du lịch sinh thái.

Đơn Dương, Cát Tiên và Di Linh là 3 huyện đang triển khai các dự án tái định cư đặc biệt, kết hợp giữa việc bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số và phát triển du lịch sinh thái. Đây là một mô hình mới, hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cả về kinh tế, xã hội và văn hóa cho địa phương.

Khu tái định cư kết hợp bảo tồn văn hóa truyền thống, phát triển du lịch sinh thái

Khu tái định cư dự kiến tại Thôn Hamanhai 1, xã Pró, huyện Đơn Dương có diện tích khoảng 8,37 ha. Dự án đặt mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho 292 nhân khẩu thuộc 73 hộ tập trung và 40 hộ xem ghép tại chỗ. Tuy nhiên, hiện tại khu vực này vẫn còn thiếu các hạ tầng cơ bản như đường giao thông, điện, nước. Để hiện thực hóa dự án, UBND huyện Đơn Dương đã đề xuất nguồn vốn đầu tư 50 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được sử dụng để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các công trình công cộng như nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học, công viên và hỗ trợ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội cho người dân. Đặc biệt, dự án còn chú trọng đến việc hỗ trợ đào tạo nghề, quảng bá du lịch và tái định cư cho 30 hộ dân, góp phần xây dựng một cộng đồng dân cư văn minh, hiện đại và bền vững.

Khu tái định cư kết hợp bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Bản Brun

Khu tái định cư tọa lạc tại xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên, cách trung tâm xã 2km về phía Tây. Bản Brun là một ngôi làng mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Mạ có diện tích 29,13 ha, dân số gồm 25 hộ gia đình với tổng cộng 80 người. Sở hữu vị trí địa lý đắc địa, một mặt giáp hồ Đạ Bo B có lưu vực rộng 13,4 km², mặt khác tựa lưng vào Vườn Quốc gia Cát Tiên hùng vĩ có diện tích lên tới hơn 1.800 ha, Bản Brun không chỉ là nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc mà còn là nơi lý tưởng để phát triển khu tái định cư.

 Đơn Dương, Cát Tiên và Di Linh là 3 huyện được chọn để triển khai dự án.

Đơn Dương, Cát Tiên và Di Linh là 3 huyện được chọn để triển khai dự án.

Theo đề xuất của UBND huyện Cát Tiên, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho dự án là 28,5 tỷ đồng, quy mô đầu tư sẽ bao gồm nhiều hạng mục quan trọng. Trong đó, việc xây dựng và nâng cấp khu sinh hoạt cộng đồng sẽ được ưu tiên, cùng với việc đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất nhằm bảo tồn và trưng bày các hiện vật truyền thống của người dân tộc Mạ. Bên cạnh đó, dự án cũng sẽ cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện có, chỉnh trang khu dân cư để phát triển mô hình homestay phục vụ du lịch sinh thái.

Một trong những điểm quan trọng của dự án là việc nâng cấp tuyến đường sản xuất dài khoảng 8km kết nối Hồ Đắc Lô với khu vực xung quanh. Tuyến đường này không chỉ phục vụ việc kết nối giữa Bản Brun, hồ Đạ Bo và Hồ Đắc Lô mà còn hỗ trợ phát triển hơn 400 ha cây ăn trái của các hộ gia đình cá nhân trong khu vực. Các hoạt động này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái và gia tăng giá trị kinh tế cho cộng đồng địa phương.

Khu tái định cư kết hợp bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc K’Ho

Tại thôn Klong Trao 1, xã Gung Ré, huyện Di Linh, dự án tái định cư kết hợp bảo tồn văn hóa dân tộc K’Ho có diện tích khoảng 20 ha với tổng mức đầu tư dự kiến là 30 tỷ đồng. Dự án yêu cầu đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu như nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà truyền thống, nhà vệ sinh, cổng, hàng rào, chòi nghỉ, cột cờ và cây xanh, nhằm tạo ra một không gian sống tiện nghi và giữ gìn các giá trị văn hóa đặc sắc của người K’Ho.

 Khi tái định cư tại huyện Di Linh sẽ kết hợp giữ gìn giá trị văn hóa của người K’Ho.

Khi tái định cư tại huyện Di Linh sẽ kết hợp giữ gìn giá trị văn hóa của người K’Ho.

Ngoài những hạng mục cơ bản, dự án cũng đề xuất một số cải tiến bổ sung để nâng cao chất lượng đời sống và phục vụ nhu cầu cộng đồng. Cụ thể, dự kiến sẽ tăng cường số lượng nhà vệ sinh công cộng, di dời các trụ đèn trang trí cũ và lắp đặt thêm các trụ đèn pha chiếu sáng ở bốn góc của làng để cải thiện ánh sáng và an ninh. Một cổng phụ cũng sẽ được mở để thuận tiện cho việc vận chuyển trang thiết bị âm thanh và ánh sáng phục vụ các sự kiện văn hóa tại làng.

Đặc biệt, kế hoạch còn bao gồm việc tháo dỡ công trình Nhà văn hóa hiện có của hai thôn K’Long Trao 1 và K’Long Trao 2 để xây dựng một bãi đỗ xe, công viên và các gian hàng trưng bày sản phẩm địa phương. Việc xây dựng cổng chào mang đậm nét văn hóa đặc trưng của người K’Ho sẽ góp phần tạo điểm nhấn cho khu vực, thu hút du khách và phát triển du lịch văn hóa. Những cải tiến này không chỉ nâng cao cơ sở hạ tầng mà còn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy sự phát triển bền vững của cộng đồng dân tộc K’Ho.

Việc kết hợp giữa bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch sinh thái không chỉ góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Đồng thời, các khu tái định cư này còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Hồng Gấm - An Hữu

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/lam-dong-de-xuat-mo-hinh-tai-dinh-cu-ket-hop-phat-trien-du-lich-sinh-thai-90884.html