Làm chủ công nghệ, nâng tầm công nghiệp Việt

Công trình 'Nghiên cứu, phát triển sản xuất tủ điện trung thế' của nhóm tác giả Công ty CP Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu (ACIT) vừa được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa 2025. Đây là công trình mang tính đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp, điện lực, đóng góp quan trọng cho quá trình làm chủ công nghệ, nội địa hóa thiết bị, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ điện.

Phục vụ đất nước bằng tri thức và sáng tạo của người Việt Nam

Trong bối cảnh quá trình chuyển đổi số, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu về thiết bị điện, đặc biệt là tủ điện trung thế phục vụ các nhà máy, khu công nghiệp, hệ thống điện quốc gia là rất lớn. Tuy nhiên, phần lớn các thiết bị này vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu, chi phí cao và khó kiểm soát về kỹ thuật, đặc biệt khi vận hành trong môi trường khí hậu nồm ẩm của Việt Nam.

Nhóm tác giả công trình "Nghiên cứu, phát triển sản xuất tủ điện trung thế": Ông Phạm Đình Thắng - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ ACIT (giữa), ông Đoàn Kỳ Bá - Phó TGĐ (bên trái), ông Bùi Văn Đam - Trưởng ban Năng lượng (bên phải).

Nhóm tác giả công trình "Nghiên cứu, phát triển sản xuất tủ điện trung thế": Ông Phạm Đình Thắng - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ ACIT (giữa), ông Đoàn Kỳ Bá - Phó TGĐ (bên trái), ông Bùi Văn Đam - Trưởng ban Năng lượng (bên phải).

Xuất phát từ thực tiễn đó, nhóm kỹ sư của Công ty CP Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu (ACIT) gồm các kỹ sư: Phạm Đình Thắng, Đoàn Kỳ Bá và Bùi Văn Đam nảy ra ý tưởng nghiên cứu và phát triển thành công hệ thống tủ điện trung thế.

Theo ông Phạm Đình Thắng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc ACIT, công trình “Nghiên cứu, phát triển sản xuất tủ điện trung thế” là một trong những thành tựu nổi bật của ACIT trong gần 20 năm phát triển. Đây là thành quả của quá trình kiên trì nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ lõi, tạo ra sản phẩm thiết bị điện đạt tiêu chuẩn quốc tế, được cấp chứng nhận của tổ chức KEMA (Hà Lan), đã được ứng dụng rộng rãi tại nhiều công trình trên cả nước và được vinh danh là sản phẩm thương hiệu Quốc gia năm 2024, đồng thời cũng là sản phẩm chủ lực của Thủ đô nhiều năm qua.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng và Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa 2025 cho các tác giả

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng và Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa 2025 cho các tác giả

“Việc được nhận giải thưởng Trần Đại Nghĩa là phần thưởng cao quý đối với nhóm tác giả và toàn thể người lao động công ty ACIT, đặc biệt vào đúng dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang long trọng kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chung và nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam nói riêng. Đây sẽ là nguồn động lực để ACIT tiếp tục kiên định trên hành trình kết nối tri thức, công nghệ và khát vọng Việt - vì một nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng”, ông Phạm Đình Thắng bày tỏ.

Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng thăm công trình đạt giải của ACIT

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng thăm công trình đạt giải của ACIT

Theo nhận xét của Hội đồng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa 2025, công trình “Nghiên cứu, phát triển sản xuất tủ điện trung thế” mang tính đột phá và hiệu quả ứng dụng trong lĩnh vực công nghiệp – điện lực, với mục tiêu làm chủ công nghệ sản xuất tủ điện trung thế tại Việt Nam, tiến tới nội địa hóa thiết bị, giảm chi phí đầu tư và giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Công trình không chỉ góp phần hiện đại hóa ngành điện, mà còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trên thị trường công nghệ cao, mở ra nhiều triển vọng trong việc phát triển hạ tầng công nghiệp quốc gia.

Trên thực tế, giải pháp đã được triển khai tại tại nhiều dự án trong nước, từ nhà máy điện, khu công nghiệp đến các công trình dân dụng và hệ thống điện quốc gia.

Tủ điện trung thế của ACIT được sử dụng tại nhiều dự án trong nước

Tủ điện trung thế của ACIT được sử dụng tại nhiều dự án trong nước

“Giá trị công trình mang lại là rất lớn. Đây là công trình đổi mới sáng tạo trong công nghiệp, đi từ nghiên cứu đến sản xuất hàng loạt quy mô lớn, góp phần nội địa hóa thiết bị công nghệ cao, giảm chi phí đầu tư và phụ thuộc nước ngoài. Công trình không chỉ giúp nâng cao năng lực sản xuất, thiết kế và kiểm định của doanh nghiệp Việt mà còn có tác động tích cực đến các mặt kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Việc làm chủ công nghệ tủ điện trung thế còn tạo đà cho phát triển các sản phẩm công nghệ phụ trợ, xây dựng chuỗi cung ứng nội địa và thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp xanh, bền vững tại Việt Nam” - GS.TS Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết.

Tập thể lãnh đạo và cán bộ ACIT tại khu trưng bày công trình đạt giải

Tập thể lãnh đạo và cán bộ ACIT tại khu trưng bày công trình đạt giải

Chính từ sự gắn bó với thực tiễn, từ khát vọng làm chủ công nghệ, từ trách nhiệm với cộng đồng và niềm tự hào dân tộc, các kỹ sư của Công ty CP Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu (ACIT) đã kiên trì vượt qua khó khăn, rút ngắn khoảng cách giữa nghiên cứu và ứng dụng để phát triển thành công hệ thống tủ điện trung thế đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế – điều mà Giải thưởng Trần Đại Nghĩa luôn hướng tới.

Theo GS.TS Chu Hoàng Hà, giải thưởng không đơn thuần là một danh hiệu khoa học, mà còn là nguồn cảm hứng lớn đối với thế hệ trẻ. Khi một công trình khoa học được vinh danh, chuyển hóa được tri thức thành sản phẩm phục vụ đời sống, đó chính là lời khẳng định rằng: Khoa học Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ, đổi mới sáng tạo và đồng hành cùng sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Bài và ảnh Thu Hằng

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/lam-chu-cong-nghe-nang-tam-cong-nghiep-viet-702559.html