Lãi suất huy động tăng, người dân lo ngại áp lực lãi suất
Lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng đang có xu hướng điều chỉnh tăng, dù con số điều chỉnh vẫn ở ngưỡng thấp. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra lo ngại nếu lãi suất huy động tiếp tục được điều chỉnh sẽ gây áp lực lên nền kinh tế khi hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp mới chỉ có dấu hiệu phục hồi.
Nhiều ngân hàng điều chỉnh lãi suất
Trong quý I/2024, lãi suất huy động được các ngân hàng điều chỉnh xuống mức thấp nhất lịch sử. Một số ngân hàng còn điều chỉnh khi lãi suất ở các kỳ hạn 1-3 tháng dưới ngưỡng 2%/năm. Điều này tạo điều kiện cho các ngân hàng triển khai các chương trình cho vay ngắn hạn với lãi suất thấp phục vụ nhu cầu kinh doanh, đồng thời là cơ hội để người dân, doanh nghiệp tận dụng nguồn vốn giá rẻ để đầu tư khôi phục và phát triển sản xuất.
Tuy nhiên, bước sang quý II/2024 xu hướng này đã đảo chiều, nhiều ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động theo hướng tăng. Biên độ tăng lớn nhất thuộc về các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước mức tăng khiêm tốn hơn, tập trung ở một số kỳ hạn dài với số tiền gửi lớn.
Điều chỉnh với biên độ lớn nhất phải kể đến Sacombank, khi đơn vị này thông báo tăng lãi suất huy động lên đến 0,5 điểm phần trăm ở một số kỳ hạn, cao nhất ở các kỳ hạn ngắn hạn. Trong đó, lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng tăng thêm 0,4 điểm phần trăm lên 2,7% và 2,9%/năm; tăng thêm 0,5 điểm phần trăm đối với lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng, lên mức 3,2%/năm. Các kỳ hạn 4-11 tháng được điều chỉnh tăng 0,3 điểm % và tăng 0,2 điểm % ở kỳ hạn 12 tháng.
PVComBank cũng tăng lãi suất tiền gửi qua kênh online tại các kỳ hạn 18-36 tháng thêm 0,2 điểm %. ACB điều chỉnh tăng lãi 0,2 điểm % lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng đối với tất cả các mức tiền gửi.
Các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước cũng không nằm ngoài xu hướng chung. Mới đây, BIDV và VietinBank thông báo, đã điều chỉnh lãi suất ở một số kỳ hạn tăng 0,2 điểm % so với trước đó. Cụ thể, Vietinbank tăng 0,2 điểm % lãi suất đối với khách hàng gửi tiền từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng và tăng 0,4 điểm % đối với khách hàng gửi tiền trên 1 tỷ đồng, áp dụng cho kỳ hạn dưới 11 tháng. BIDV điều chỉnh lãi suất các kỳ hạn dưới 12 tháng tăng thêm 0,2 điểm % so với trước đó. Tuy nhiên, lãi suất tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước vẫn thấp nhất trong hệ thống.
Nhiều ngân hàng khác cũng điều chỉnh tăng lãi suất với biên độ tăng dao động từ 0,2 đến 0,5 điểm % dành cho một số kỳ hạn, nhưng tập trung nhất vẫn là các kỳ ngắn hạn.
Áp lực lãi suất
Lãi suất huy động có tăng, song vẫn ở ngưỡng thấp, dù vậy, huy động tiền gửi vẫn tăng trưởng. Đến cuối tháng 4/2024, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 71.300 tỷ đồng, tăng 3,1% so với cuối năm 2023, trong khi quý I con số này là 2,35%. Điều này cho thấy, huy động tiền gửi vẫn tăng trưởng, tuy nhiên đã có dấu hiệu chậm lại. Nhiều người cho rằng, khách hàng không còn hài lòng với các mức lãi suất tiết kiệm thấp như thời gian qua, trong khi các kênh đầu tư như vàng đang có tỷ suất sinh lời cao, bất động sản cũng có dấu hiệu phục hồi. Vì thế, việc các ngân hàng thay đổi chính sách huy động tiền gửi là cách thức nhằm giữ chân khách hàng.
Ngoài ra, nhìn vào chỉ số tăng trưởng tín dụng phần nào cho thấy hoạt động tín dụng đã được khơi thông trở lại. Theo số liệu kinh tế - xã hội tháng 4, dư nợ tín dụng tại các tổ chức tín dụng đạt 78.300 tỷ đồng, tăng 0,7%, trong khi đó quý I giảm 0,46% so với cuối năm 2023. Điều đó cho thấy, đầu ra của hoạt động tín dụng đã khả quan hơn. Các ngân hàng điều chỉnh lãi suất nhằm hút dòng vốn trở lại cũng là điều dễ hiểu.
Các đánh giá của Cục Thống kê mới đây cũng mở ra kỳ vọng trong tăng trưởng kinh tế cũng như tăng trưởng tín dụng. Cụ thể trong những tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế đang dần được cải thiện, đơn hàng, các đối tác thương mại lớn đã đặt hàng trở lại. Kết quả khảo sát của đơn vị này cũng cho thấy có đến 91,7% doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất, kinh doanh của quý II/2024 sẽ tốt hơn và giữ ổn định so với quý I/2024. Điều này cũng dự báo hoạt động tín dụng có thể sẽ tăng trưởng tốt hơn trong những tháng tới.
Song, việc các ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động trong thời điểm kinh tế mới chỉ phục hồi khiến nhiều người, nhất là doanh nghiệp lo lắng. Khi đây là thời điểm doanh nghiệp cần vốn để bứt tốc, nếu lãi suất huy động tăng sẽ kéo theo lãi suất cho vay tăng gây áp lực trả nợ lớn. Tuy nhiên theo khảo sát, các ngân hàng trên địa bàn vẫn triển khai rất nhiều các chương trình tín dụng ưu đãi cho các nhóm khách hàng, tập trung nhiều nhất cho các hoạt động xuất, nhập khẩu, nông, lâm, nghiệp, doanh nghiêp nhỏ và vừa…
Ngoài ra, theo mức lãi suất bình quân mà các ngân hàng công bố, lãi suất cho vay bình quân đang ở dưới ngưỡng 8%/năm, thậm chí thấp hơn mức 7%/năm. Cụ thể, với 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước lãi suất cho vay bình quân lần lượt là: Agribank 7,47%/năm, Vietcombank 6,4%/năm, BIDV 6,49%/năm, VietinBank 6,3%/năm. Với các ngân hàng thương mại khác như: Eximbank lãi suất cho vay bình quân là 7,76%/năm, Techcombank 7,33%/năm, Nam A Bank 7,7%/năm…
Lãi suất cho vay hiện vẫn khá dễ thở và đang tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp vay vốn phục vụ các mục tiêu đầu tư, kinh doanh.