La'eeb - linh vật số hóa đầu tiên trong lịch sử World Cup
Cho tới nay, các linh vật World Cup luôn là niềm tự hào của người dân nước chủ nhà. Thật thú vị khi theo dõi lịch sử và thấy rất nhiều thay đổi từ linh vật đầu tiên năm 1966, cho đến La'eeb của Qatar 2022.
Có thể thấy, linh vật luôn mang đậm dấu ấn về văn hóa của mỗi quốc gia mà nó đại diện. Không chỉ có một đời sống riêng, nét văn hóa độc đáo này còn tạo nên màu sắc đặc trưng của mỗi kỳ World Cup.
Linh vật với nhiều cái nhất
La'eeb là linh vật số hóa đầu tiên trong lịch sử World Cup, được xây dựng trên nền tảng số, La'eeb xuất hiện rộng rãi trên các mạng xã hội hay các video clip trong chiến dịch quảng bá về đất nước và con người nước chủ nhà Qatar…
Cho đến thời điểm hiện tại, La'eeb cũng chính là đại diện duy nhất của văn hóa Trung Đông ra nhập đội ngũ các linh vật của giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh - FIFA World Cup. Được lấy cảm hứng từ "ghutrah" là một chiếc khăn đầu vuông có kiểu dáng cổ xưa làm bằng len, lụa hoặc cotton, được nam giới sử dụng phổ biến ở các vùng sa mạc khô cằn tại Trung Đông và Bắc Phi.
Liên đoàn bóng đá Thế giới (FIFA) luôn nhấn mạnh linh vật World Cup 2022 là "một nhân vật đặc biệt vui nhộn và tinh nghịch... La'eeb có thể là bất kỳ ai mà người hâm mộ tưởng tượng ra".
Nhân vật đại diện cho World Cup 2022 còn nhận một số kỷ lục không chính thức như "linh vật đầu tiên… bay" hay "lần đầu tiên một vật dụng thiết yếu trong tủ quần áo trở thành linh vật"…
Tạo hình gây nhiều tranh cãi
FIFA đã cố gắng đưa ra hình ảnh tích cực khi nói về La'eeb như "can đảm", "vui vẻ", "tinh nghịch", "trẻ trung" và "có tinh thần phiêu lưu"…
Mặc dù vậy, linh vật này gây ra không ít tranh cãi trên mạng xã hội. Có nhiều bình luận không thiện chí về nhân vật đại diện cho World Cup 2022, chẳng hạn như "nhìn ma quái" hoặc bị cho là "khá giống" với một số nhân vật hoạt hình trước đó.
Dù khen hay chê, La'eeb sẽ có mặt ở khắp nơi để chào đón và truyền cảm hứng cho những người hâm mộ trái bóng tròn trong suốt giải đấu, kéo dài từ ngày 20 tháng 11 đến ngày 18 tháng 12.
Các linh vật của World Cup được xem như một truyền thống của giải đấu. Năm 1966, xuất hiện lần đầu tiên tại nước Anh là chú sư tử "World Cup Willie", được thiết kế bởi họa sĩ minh họa sách thiếu nhi Reg Hoye.
Tiếp theo "Willie" là "Juanito", một cậu bé Mexico tham dự World Cup 1970 và các nhân vật nổi tiếng khác như "Guachito", chàng trai Argentina dự World Cup 1978, quả cam nhỏ của Tây Ban Nha, "Naranjito" năm 1982, "Ciao" nhân vật nổi bật trong màu sắc của lá cờ Ý năm 1990, và Tiền đạo của Hoa Kỳ, "World Cup Pup", một chú chó mặc đồng phục bóng đá màu trắng và xanh đỏ xuất hiện tại World Cup 1994…
World Cup không chỉ là nơi khán giả thưởng ngoạn những trận bóng đỉnh cao hoặc dõi theo sự phô diễn tài năng của các cầu thủ. Đó còn là cơ hội để trải nghiệm, khám phá văn hóa của nước sở tại. Laeéb là một nhân vật đáng yêu hãy xem nó đơn giản như "một chiếc khăn xếp bay dễ thương" đại diện cho nước chủ nhà.