Kỳ vọng kết nối, hợp tác Thanh Hóa - TP Hồ Chí Minh
'Khởi động' bằng thỏa thuận số 2299/UBND-HT ngày 15/5/2013 về hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, hơn 10 năm qua, Thanh Hóa - TP Hồ Chí Minh đã 'bắt tay' hiện thực hóa nhiều chương trình hợp tác trên các lĩnh vực từ kinh tế, thu hút đầu tư, du lịch, công nghệ thông tin tới văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, an sinh xã hội... Kết nối với trọng điểm kinh tế phía Nam, không chỉ nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương và đáp ứng xu thế phát triển, hội nhập quốc tế; mà còn là định hướng lớn của Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân xứ Thanh.
Dấu ấn thành phố mang tên Bác!
Nếu như, TP Hồ Chí Minh được ví là nơi “đất lành chim đậu” - khi nhiều con em Thanh Hóa đã vào học tập, làm việc và lập nghiệp thành công, thì Thanh Hóa lại được coi là “miền đất quả vàng” đối với nhiều nhà đầu tư đến từ thành phố mang tên Bác.
Cùng với công nghiệp lọc hóa dầu và phát triển cảng biển, đã từ lâu, Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) mong chờ sự hiện diện của một dự án tầm cỡ trong lĩnh vực cơ khí chế tạo. Trong danh mục dự án kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, lĩnh vực công nghiệp, chế biến chế tạo được đặc biệt chú trọng. Không chỉ kỳ vọng đóng góp thêm sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao thông qua chế biến sâu, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu trong lĩnh vực này cũng hứa hẹn gia tăng nguồn thu ngân sách không nhỏ khi thực hiện hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn.
Năm 2023, theo lời kêu gọi của tỉnh Thanh Hóa về việc vận động doanh nhân là những người con Thanh Hóa về việc đầu tư xây dựng quê hương, Tập đoàn Đại Dũng có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh đã quyết định thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà máy cơ khí công nghệ cao Nghi Sơn tại thị xã Nghi Sơn. Với quy mô sử dụng đất khoảng 10,2ha; công suất thiết kế 50.000 tấn sản phẩm/năm và tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh hơn 900 tỷ đồng, nhà máy sẽ cung cấp ra thị trường các sản phẩm công nghệ cao như: cấu kiện kim loại, gia công cơ khí và lắp đặt máy móc, thiết bị công nghiệp... Những sản phẩm này sẽ đáp ứng nhu cầu xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia và trên thế giới trong các lĩnh vực: hóa dầu, công nghiệp nặng, nhiệt điện, nhà cao tầng, nhà thép tiền chế và các cơ sở hạ tầng công cộng.
Theo ban lãnh đạo Tập đoàn Đại Dũng, dự án này được hoạch định tới 70-80% sản phẩm xuất khẩu và sẽ xuất bến trực tiếp từ Cảng Nghi Sơn; khoảng 20-30% sản phẩm được tiêu thụ tại thị trường trong nước. Thị trường xuất khẩu của tập đoàn hiện đã phát triển đến 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, với thương hiệu là những công trình mang tính biểu tượng như Sân vận động Lusail Iconic, Sân vận động 974-Ras Abu Aboud, Sân bay quốc tế Phnom Penh... và nhiều dự án trọng điểm quốc gia và quốc tế khác. Khi dự án ở Nghi Sơn đi vào vận hành, kỳ vọng mang lại nguồn doanh thu dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng/năm; đóng góp cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng và tạo việc làm cho 1.000 lao động.
Được khởi công xây dựng vào tháng 5/2024, Nhà máy cơ khí công nghệ cao Nghi Sơn được đánh giá có tiến độ giải phóng mặt bằng nhanh và khối lượng thi công nhanh nhất so với tổng mức đầu tư. Sau giai đoạn hoàn thiện hạ tầng, hiện nhà máy đã bước vào giai đoạn lắp đặt nhà xưởng. Chủ đầu tư và nhà thầu đang huy động tổng lực để đưa dự án đi vào vận hành trong quý I/2025.
Tổng hợp từ Sở Kế hoạch và Đầu tư đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 15 dự án của các nhà đầu tư đến từ TP Hồ Chí Minh, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 29.100 tỷ đồng, điển hình như: Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh có tổng mức đầu tư 21.480 tỷ đồng (hiện đang được tỉnh Thanh Hóa đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương cho phép được chuyển đổi nhiên liệu than sang sử dụng khí LNG và nâng công suất từ 600MW lên 1.500MW); Nhà máy Thu hồi nhiệt thừa phát điện trong KKTNS có tổng mức đầu tư 448 tỷ đồng; Khu nhà ở và dịch vụ phục vụ Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng mức đầu tư 1.228 tỷ đồng; Khu khách sạn, dịch vụ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng tại xã Quảng Nham (Quảng Xương) có tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng.
Một số dự án đã đi vào vận hành, có ý nghĩa kinh tế - xã hội cao đối với KKTNS nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung, điển hình như Khu nhà ở và Dịch vụ phục vụ Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn do Tổng Công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí đầu tư trên diện tích 40.643m2, với quy mô gần 700 căn hộ và các biệt thự. Trong giai đoạn xây dựng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, dự án đã làm tròn “sứ mệnh lịch sử” khi đáp ứng nhu cầu “nơi ăn”, “chốn ở” cho hàng nghìn chuyên gia, kỹ sư, người lao động tham gia xây dựng công trình trọng điểm quốc gia này. Trong giai đoạn tiếp theo của dự án, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã chuyển giao toàn bộ dự án cho Tổng Công ty CP dịch vụ Tổng hợp dầu khí Petrosetco tiếp tục thực hiện và triển khai xây dựng 9 tòa nhà chung cư cao 7 tầng, khu thể thao, nhà văn hóa, trạm y tế... và các công trình tiện ích khác của dự án, phục vụ nhu cầu sinh sống của người lao động tại KKTNS.
Trong lĩnh vực thương mại, các siêu thị Co.opMart, Nguyễn Kim..., vốn có trụ sở chính tại TP Hồ Chí Minh hiện cũng đã khá thành công, kinh doanh hiệu quả trên địa bàn TP Thanh Hóa. Cùng quảng bá hình ảnh vùng đất và con người xứ Thanh, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - Saigontourist cũng đã hợp tác xây dựng các chương trình du lịch tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa của Thanh Hóa và khu vực lân cận; đồng thời phối hợp với tỉnh Thanh Hóa tổ chức sản xuất phim phóng sự về du lịch Thanh Hóa với các chủ đề: “Du lịch và ẩm thực”, “Hấp dẫn tuyến điểm du lịch Thanh Hóa”, “Đồng hành cùng Saigontourist”.
Các đơn vị y tế, trường học của TP Hồ Chí Minh cũng đã giúp đỡ đào tạo 49 lượt cán bộ y tế về kỹ thuật chuyên sâu cho 12 bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện. Hằng năm, TP Hồ Chí Minh cũng đã mời gọi các doanh nghiệp, HTX, chủ thể sản xuất tỉnh Thanh Hóa lựa chọn các sản phẩm nông sản đặc trưng, chất lượng cao, các sản phẩm OCOP tham gia trưng bày tại các hội chợ, triển lãm do TP Hồ Chí Minh tổ chức. Hai bên cũng thường xuyên phối hợp cung cấp thông tin liên quan về thị trường lao động, kết nối cung cầu lao động và thực hiện tốt nhiều chương trình an sinh xã hội.
Hướng tới hợp tác toàn diện, đa ngành
Nhằm duy trì và triển khai các thỏa thuận hợp tác trước đó, ngày 25/3/2023, TP Hồ Chí Minh tiếp tục ký kết Bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 với tỉnh Thanh Hóa và một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung bộ.
Ngay sau lễ ký kết, Chủ tịch UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch hành động, giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị mời gọi, hỗ trợ các nhà đầu tư TP Hồ Chí Minh nghiên cứu, đầu tư vào tỉnh. Trong đó tập trung nghiên cứu, đầu tư vào 3 trụ cột tăng trưởng mà tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư, đồng thời là thế mạnh của TP Hồ Chí Minh như công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; du lịch. Cùng với đó, là 4 trung tâm kinh tế động lực gồm: TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn; Trung tâm động lực phía Nam (KKTNS); Trung tâm động lực phía Bắc (Thạch Thành - Bỉm Sơn); Trung tâm động lực phía Tây (Lam Sơn - Sao Vàng). 6 hành lang phát triển kinh tế gồm: Hành lang kinh tế ven biển, Hành lang kinh tế Bắc Nam, Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, Hành lang kinh tế Đông Bắc, Hành lang kinh tế trung tâm, Hành lang kinh tế quốc tế.
Tỉnh Thanh Hóa cũng đang mời gọi các nhà đầu tư TP Hồ Chí Minh nghiên cứu, đầu tư một số trung tâm thương mại - dịch vụ cao cấp, nhà ở xã hội, cao ốc hiện đại tại các thị xã, thành phố: Thanh Hóa, Sầm Sơn, Bỉm Sơn, Nghi Sơn; đầu tư sản xuất kinh doanh tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tại các hội nghị xúc tiến đầu tư do tỉnh Thanh Hóa hoặc TP Hồ Chí Minh tổ chức, hai địa phương cũng đã phối hợp, giới thiệu đến các nhà đầu tư về tiềm năng, thế mạnh, cơ chế chính sách ưu đãi và danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư của mỗi địa phương. Từ đó giúp doanh nghiệp 2 bên nắm bắt thông tin, tìm hiểu, nghiên cứu. Ngoài các dự án đã có kết quả hiện hữu, các dự án Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm Công nghiệp Hà Long II (Hà Trung) tổng mức đầu tư 520 tỷ đồng; đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm Công nghiệp Tân Thọ (Nông Cống) tổng mức đầu tư 370 tỷ đồng đang thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp đến từ TP Hồ Chí Minh, đã minh chứng và làm rõ hơn, sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa 2 bên.
Đặc biệt, Thanh Hóa - TP Hồ Chí Minh vốn có nhiều tiềm năng và các hoạt động liên kết, quảng bá, xúc tiến trong lĩnh vực du lịch, lại đang hứa hẹn nhiều hợp tác thành công hơn trong tương lai. TP Hồ Chí Minh - động lực, đầu tàu dẫn dắt với vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, du lịch... của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Thành phố hiện có hơn 4.000 cơ sở lưu trú với gần 50.000 phòng; 1.280 doanh nghiệp lữ hành và gần 7.000 hướng dẫn viên du lịch. Thanh Hóa - vùng đất “địa linh nhân kiệt” - nơi lưu giữ kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú với 1.535 di tích và danh thắng; trong đó có 6 di tích quốc gia đặc biệt là: Thành Nhà Hồ; Khu di tích lịch sử Lam Kinh; đền Bà Triệu; Di tích khảo cổ hang Con Moong; đền thờ Lê Hoàn và Di tích, danh lam thắng cảnh Sầm Sơn.
Lợi thế lớn trong thúc đẩy hợp tác du lịch Thanh Hóa với TP Hồ Chí Minh là hệ thống giao thông thuận lợi, đặc biệt là đường hàng không với các chuyến bay hằng ngày. Cảng Hàng không Thọ Xuân có khả năng tiếp nhận máy bay cỡ lớn và đang tiếp tục được nâng cấp, trang bị hiện đại, là những thuận lợi cho du khách đến và đi. Hơn nữa, theo quy hoạch, Cảng Hàng không quốc tế Thọ Xuân giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt ngày 12/6/2020), Cảng Hàng không Thọ Xuân sẽ có chức năng là Cảng Hàng không quốc tế, dự bị cho Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi hơn nữa để nâng tầm hiệu quả các hoạt động giao thương, hợp tác toàn diện Thanh Hóa với TP Hồ Chí Minh.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ky-vong-ket-noi-hop-tac-thanh-hoa-tp-ho-chi-minh-226345.htm