Kỳ vọng 'động lực tích cực' cho các cuộc khủng hoảng toàn cầu

Sự kiện quan trọng nhất trong năm của Liên Hợp Quốc được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực tích cực giúp thế giới vượt qua các thách thức từ biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19 đến cạnh tranh nước lớn.

Hơn 100 nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao của 132 nước sẽ tham dự Tuần lễ cấp cao kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 76 khai mạc hôm nay (21/9) tại thành phố New York, Mỹ. Sự kiện quan trọng nhất trong năm của Liên Hợp Quốc được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực tích cực giúp thế giới vượt qua các thách thức từ biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19 đến cạnh tranh nước lớn.

Không giống như năm 2020 khi hầu hết phát biểu của các nhà lãnh đạo thế giới đều được ghi hình trước, năm nay, hơn 100 nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao của 132 nước trên tổng số 193 nước thành viên Liên Hợp Quốc dự định sẽ phát biểu trực tiếp. Tuy nhiên, đây cũng là một kỳ họp đặc biệt nhất trong lịch sử.

Ảnh minh họa (Ảnh: Getty)

Ảnh minh họa (Ảnh: Getty)

Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guteres, những hạn chế nghiêm ngặt từ đeo khẩu trang đến xét nghiệm COVID-19, cùng nhiều biện pháp kiểm dịch khác đã cho thấy thách thức vô cùng lớn mà thế giới đang phải đối mặt: “Thế giới của chúng ta đang bị thử thách hơn bao giờ hết. Từ biến đổi khí hậu, xung đột đến đại dịch COVID-19, tất cả đang khiến các Mục tiêu Phát triển Bền vững trở nên xa tầm tay và rất dễ khiến chúng ta mất hi vọng. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là chúng ta chỉ có thể đứng nhìn, vẫn có con đường để phục hồi nếu chúng ta quyết định lựa chọn.”

Cùng với COVID-19, khí hậu là một trong những chủ đề được quan tâm nhất tại kỳ họp Đại hội đồng năm nay, trong bối cảnh ngày càng nhiều những bằng chứng khoa học cho thấy thế giới có thể “thua” trong việc thực hiện mục tiêu giữ cho nhiệt độ trái đất không tăng quá 1,5 độ C so với thời tiền Công nghiệp. Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm qua chủ trì một hội nghị về biến đổi khí hậu bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới thể hiện trách nhiệm đối với hành tinh: “Tôi nghĩ rằng Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc lần thứ 26 về biến đổi khí hậu sắp tới sẽ là một bước ngoặt quan trọng đối với thế giới. Đã đến lúc chúng ta phải trưởng thành và gánh vác trách nhiệm của mình. Đây là một vấn đề đòi hỏi một sự nỗ lực và sự thay đổi. Bởi việc thực hiện những thay đổi này cũng sẽ đồng thời khuyến khích tạo ra hàng triệu công việc lương cao, kỹ năng cao theo đúng nghĩa đen.”

Kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm nay cũng chứng kiến sự xuất hiện lần đầu tiên của ông Joe Biden trên cương vị tổng thống Mỹ. Thế giới rất mong chờ những ưu tiên và tầm nhìn của nước Mỹ với vai trò dẫn dắt toàn cầu và cũng là nước đóng góp tài chính lớn nhất cho Liên Hợp Quốc.Tuy nhiên từ cách xử lý đại dịch COVID-19 đến cuộc sơ tán hỗn loạn khỏi Afghanistan sau 20 năm tham chiến đến sự vắng mặt của một số nhà lãnh đạo như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Nga Vladimir Putin hay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phần nào khiến dư luận đặt câu hỏi về sự tín nhiệm của ông Joe Biden sau gần 1 năm nhậm chức.

Các cuộc thảo luận cấp cao tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc là rất quan trọng đối với vai trò của Liên Hợp Quốc như một cơ chế đa phương để giải quyết các tranh chấp và như một biện pháp ngăn chặn xung đột vũ trang. Dù hiện có nhiều ý kiến đặt câu hỏi về vai trò của Liên Hợp Quốc trong việc quản lý khủng hoảng quốc tế, song thực tế không thể phủ nhận là Liên Hợp Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý một môi trường quốc tế không ổn định./.

Thu Hoài/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/ky-vong-dong-luc-tich-cuc-cho-cac-cuoc-khung-hoang-toan-cau-892304.vov