Kỳ vọng động lực mạnh mẽ từ khối doanh nghiệp tư nhân

Trong bối cảnh đầy biến động, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không chỉ là động lực tăng trưởng mà còn là chìa khóa để đất nước vươn lên mạnh mẽ. Sắp tới, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, các cơ quan sẽ xây dựng đề án về phát triển các doanh nghiệp dân tộc phát huy vai trò đầu đàn, dẫn dắt và đề án về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Năm 2025 đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với nước ta. Đây là năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, với mục tiêu tăng trưởng GDP tối thiểu 8%, tạo nền tảng để từ năm 2026 có thể đạt mức tăng trưởng hai con số. Việt Nam đang hướng tới tầm nhìn trở thành nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030, và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045.

Để đạt được những mục tiêu chiến lược này, Việt Nam không thể chỉ trông chờ vào khu vực kinh tế nhà nước hay đầu tư nước ngoài. Sự phát triển bền vững đòi hỏi một động lực mạnh mẽ từ khối doanh nghiệp tư nhân. Theo thống kê, khu vực doanh nghiệp đang đóng góp khoảng 60% GDP, chiếm 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho 85% lực lượng lao động cả nước.

Bên trong nhà máy sản xuất ô tô điện Vinfast.

Bên trong nhà máy sản xuất ô tô điện Vinfast.

Kêu gọi doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án chiến lược

Tại hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp sáng 10/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong công cuộc phát triển đất nước. Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp mạnh dạn đăng ký tham gia vào các dự án lớn, đồng thời đề xuất cơ chế, chính sách thực hiện

Chính phủ đang quyết liệt triển khai các dự án trọng điểm bao gồm: Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối với Trung Quốc, nhà máy điện hạt nhân, cũng như đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển công nghệ cao...

Nhằm cụ thể hóa vai trò của doanh nghiệp tư nhân, Thủ tướng đã trực tiếp đề nghị tập đoàn Trường Hải (THACO) nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất toa tàu và tiến tới sản xuất đầu máy cho đường sắt tốc độ cao; tập đoàn Hòa Phát làm ray đường sắt tốc độ cao; tập đoàn FPT tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, thiết kế chip bán dẫn…

Điều này không chỉ khẳng định sự tin tưởng của Chính phủ đối với doanh nghiệp tư nhân mà còn đặt ra yêu cầu cao hơn về năng lực, bản lĩnh và tầm nhìn dài hạn của các doanh nghiệp Việt trong kỷ nguyên mới.

Đáp lại lời kêu gọi của Thủ tướng, đại diện tập đoàn THACO khẳng định sẽ tập trung tham gia vào làm đường sắt đô thị, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép; Hòa Phát tuyên bố có thể đầu tư 10.000 tỷ đồng vào nhà máy sản xuất ray đường sắt; Đèo Cả cũng cho biết sẵn sàng đảm nhận những dự án lớn sắp tới, đồng thời kiến nghị Chính phủ cần cụ thể việc đặt hàng cho doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án này,...

Đề xuất cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp dân tộc

Khát vọng vươn lên cùng đất nước, tuy nhiên doanh nghiệp còn gặp không ít khó khăn từ nguồn vốn, môi trường đầu tư kinh doanh trong nước... đến những diễn biến địa chính trị khó lường trên thế giới. Trong khi đó, theo tính toán, để đất nước đạt được mức tăng trưởng hai con số thì khu vực kinh tế ngoài nhà nước cần tăng trưởng khoảng 11%/năm. Mục tiêu đặt ra trong thời gian tới đòi hỏi sự quyết tâm cao, nỗ lực hành động của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp.

Một trong những định hướng và giải pháp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất hiện nay là xây dựng cơ chế, chính sách hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, quy mô lớn để dẫn dắt chuỗi giá trị trong nước và mở rộng tham gia thị trường quốc tế.

Đó cũng là một trong những nội dung đại điện Tập đoàn Đèo Cả đề xuất. Cụ thể, theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, cần tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân xây dựng văn hóa trở thành "doanh nghiệp dân tộc".

"Một doanh nghiệp dân tộc không chỉ đơn thuần là các tổ chức kinh doanh trong nước mà còn mang sứ mệnh lớn hơn là phát triển kinh tế gắn với bảo vệ lợi ích quốc gia, giữ gìn bản sắc dân tộc và nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế", ông Minh nhấn mạnh.

Trước đó, trao đổi Vnbusiness, bà Đỗ Thị Thùy Hương, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cũng cho rằng cộng đồng ngành điện tử Việt Nam đang thiếu một “doanh nghiệp đầu đàn” – một tập đoàn có đủ sức ảnh hưởng, công nghệ và quy mô sản xuất đủ lớn để dẫn dắt, tạo ra chuỗi cung ứng nội địa mạnh mẽ. Theo bà Hương, đây là điều kiện tiên quyết để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu.

“Hiện giờ chúng ta còn đang thiếu và chúng tôi rất mong Chính phủ có những chính sách hỗ trợ để hình thành một số những tập đoàn công nghệ thật lớn và mang tính dẫn dắt, tạo được hệ sinh thái”, bà Hương nói.

Theo các chuyên gia, bài học từ Hàn Quốc và Trung Quốc cho thấy, để doanh nghiệp tư nhân thực sự phát triển, Chính phủ cần có những chính sách nhất quán và lâu dài. Hàn Quốc đã tạo điều kiện cho các tập đoàn như Samsung, Hyundai, LG phát triển mạnh mẽ, từ đó trở thành động lực chính của nền kinh tế. Trong khi đó, Trung Quốc không chỉ thu hút FDI mà còn đẩy mạnh phát triển các “doanh nghiệp dân tộc” như Huawei, Xiaomi, BYD, giúp họ vươn tầm quốc tế. Việt Nam cũng cần một chiến lược tương tự: hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đi lên bằng đổi mới sáng tạo, công nghệ và mô hình kinh doanh bền vững.

Tại hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp sáng 10/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu mong muốn ngày càng có nhiều doanh nghiệp dân tộc lớn tham gia vào các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu, góp phần nâng cao thương hiệu quốc gia. Người đứng đầu Chính phủ cho biết, sắp tới, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, các cơ quan sẽ xây dựng đề án về phát triển các doanh nghiệp dân tộc phát huy vai trò đầu đàn, dẫn dắt và đề án về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chính phủ đã mở đường, nhưng thành công hay không phụ thuộc vào bản lĩnh, tư duy chiến lược và khả năng đổi mới sáng tạo của chính các doanh nghiệp. Đây là thời điểm không thể thích hợp hơn để doanh nghiệp Việt nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức và khẳng định vị thế trên bản đồ kinh tế toàn cầu.

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/ky-vong-dong-luc-manh-me-tu-khoi-doanh-nghiep-tu-nhan-1104899.html