Ký ức 'xẻ dọc Trường Sơn' đi cứu nước của nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh

Có mặt tại TP. Hồ Chí Minh trên hành trình thăm lại chiến trường xưa, gặp lại đồng đội cũ, nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh, Thiếu tướng Hoàng Kiền vô cùng xúc động, tự hào khi nhớ lại ký ức hào hùng về những ngày 'xẻ dọc Trường Sơn' đi cứu nước.

Thầy giáo trẻ thành lính công binh

 Nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh, Thiếu tướng Hoàng Kiền

Nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh, Thiếu tướng Hoàng Kiền

Nhắc lại về quyết định nhập ngũ, Thiếu tướng Hoàng Kiền chia sẻ: “Năm 1970, tôi 20 tuổi, đang là giáo viên cấp 2. Thời điểm này, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn rất quyết liệt. Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, địch phản công gây những khó khăn, tổn thất cho ta. Miền Bắc tiến hành động viên lớn để dốc sức người, sức của chi viện cho chiến trường miền Nam. Nghe theo tiếng gọi của Đảng, tôi xung phong lên đường nhập ngũ và trở thành người lính công binh.

Sau 3 tháng huấn luyện, người lính công binh Hoàng Kiền cùng đồng đội bắt đầu cuộc hành trình “xẻ dọc Trường Sơn" đi cứu nước, rồi gắn bó với với con đường huyền thoại gần 6 năm liền.

 Thiếu tướng Hoàng Kiền tới thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp 60 năm thành lập Binh chủng Công binh

Thiếu tướng Hoàng Kiền tới thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp 60 năm thành lập Binh chủng Công binh

Thiếu tướng Hoàng Kiền nhớ lại: “Hành quân một tháng rưỡi, chúng tôi vào đến đường 9 Nam Lào, tôi được phân về đơn vị công binh ở Binh trạm 32 Đoàn 559 - Trường Sơn. Nhiệm vụ của chúng tôi là khảo sát, thi công, bảo vệ đường Trường Sơn. Khi ấy, Trường Sơn là tuyến đường chính để quân đội ta chi viện cho chiến trường miền Nam nên thường xuyên bị địch đánh phá. Nơi đây mức độ bom đạn đánh xuống ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh của nhân loại.

Chúng tôi đảm nhiệm 3 trọng điểm Văng Mu, Phu Kiều, Tha Mé. Trong đó, Văng Mu được gọi là “Cánh cửa thép Trường Sơn”, có những ngày, máy bay Mỹ thả bom không ngơi nghỉ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn quyết tâm “bám đường”, bảo đảm cho xe nhanh chóng vào tiền tuyến. Lính công binh chúng tôi có câu “sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”.

Đối với Thiếu tướng Hoàng Kiền, ngày 30.4.1975 là khoảng khắc không bao giờ quên. Khi nghe tin quân ta tiến vào Dinh Độc Lập, miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông cùng đồng đội đã khóc trong niềm vui vì đã đóng góp một phần công sức để làm nên chiến thắng lịch sử ấy. Những người lính như ông vượt qua biết bao gian khổ, hy sinh, chỉ để mong một ngày đất nước được thống nhất, đồng bào hai miền Bắc – Nam được đoàn tụ.

Từ Trường Sơn đến Trường Sa

 Thiếu tướng Hoàng Kiền (đứng giữa) khi đi tham quan giàn khoan để nghiên cứu thiết kế nhà giàn DK1 năm 2005

Thiếu tướng Hoàng Kiền (đứng giữa) khi đi tham quan giàn khoan để nghiên cứu thiết kế nhà giàn DK1 năm 2005

Hòa bình lập lại, người lính công binh Hoàng Kiền được cử đi học tại Học viện Kỹ thuật Quân sự và tốt nghiệp kỹ sư công trình loại giỏi. Sau đó, ông được điều động về công tác tại Quân chủng Hải Quân, được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 83, với nhiệm vụ chỉ đạo thiết kế, thi công các công trình trên quần đảo Trường Sa.

Trong 8 năm gắn bó với Trường Sa, ông đã tạo nên kỳ tích là đưa được hàng ngàn tấn đất từ đất liền ra xây dựng các đảo trên quần đảo Trường Sa, tạo đất màu để trồng rau xanh; thực hiện thành công sáng kiến xây kè chắn sóng, chống xói lở và tích trữ nước ngọt trên đảo.

Sau đó, ông được điều động về Bộ tư lệnh Binh chủng Công binh. 10 năm công tác tại đây, ông đã trải qua những cương vị như: Phó tổng tham mưu, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng, Tư lệnh Binh chủng Công binh. Năm 2006, ông được thăng quân hàm Thiếu tướng. Đến năm 2015, Thiếu tướng Hoàng Kiền nghỉ hưu với 45 năm tuổi quân.

Với nhiều đóng góp cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước từ Trường Sơn đến Trường Sa, Thiếu tướng Hoàng Kiền được trao tặng nhiều danh hiệu và giải thưởng cao quý như: Huân chương Chiến công hạng Nhì, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Giải thưởng Hồ Chí Minh...

 Gian trưng bày kỷ vật, hình ảnh về những ngày "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" tại Bảo tàng Đồng Quê của Thiếu tướng Hoàng Kiền

Gian trưng bày kỷ vật, hình ảnh về những ngày "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" tại Bảo tàng Đồng Quê của Thiếu tướng Hoàng Kiền

Khi về hưu, Thiếu tướng Hoàng Kiền đã cùng với người vợ của mình dành nhiều tâm huyết xây dựng Bảo tàng Đồng quê, tại tỉnh Nam Định. Hiện Bảo tàng Đồng quê đang lưu giữ nhiều hiện vật quý, độc đáo tái hiện cuộc sống của cư dân đồng bằng Bắc bộ. Tại đây, Thiếu tướng Hoàng Kiền dành vị trí trang trọng để trưng bày những kỷ vật về cuộc đời binh nghiệp của mình. Trong đó, có gian trưng bày những kỷ vật, hình ảnh về những ngày “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Đặc biệt, nhiều năm qua Thiếu tướng Hoàng Kiền được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng dòng họ Hoàng – Huỳnh Việt Nam. Thiếu tướng Hoàng Kiền luôn tâm niệm “dòng họ mạnh thì đất nước mạnh”, “muốn đi xa thì phải đi cùng nhau, muốn bền vững thì phải nhớ về cội nguồn”, chính vì vậy dưới sự dẫn dắt của ông và các bậc trưởng lão, dòng họ Hoàng – Huỳnh đã tổ chức kết nối được đông đảo thành viên trên cả nước, tạo thành một cộng đồng đoàn kết, thực hiện được nhiều hoạt động an sinh ý nghĩa.

 Thiếu tướng Hoàng Kiền (thứ 2 từ trái qua) tại hội nghị đại biểu dòng họ Hoàng - Huỳnh

Thiếu tướng Hoàng Kiền (thứ 2 từ trái qua) tại hội nghị đại biểu dòng họ Hoàng - Huỳnh

Trở lại TP. Hồ Chí Minh đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thiếu tướng Hoàng Kiền không khỏi xúc động và tự hào.

"Nhân dịp này tôi đi thăm lại chiến trường xưa, đồng đội cũ. Tại TP. Hồ Chí Minh tôi đã đi thăm Dinh Độc Lập, đã được xem diễn tập diễu binh, như được sống lại thời khắc lịch sử của 50 năm trước... Chúng ta có chiến thắng này là nhờ hàng triệu đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh; nhờ tinh thần đoàn kết dân tộc. Đây là dịp để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn và niềm tự hào dân tộc; phát huy truyền thống xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Thiếu tướng Hoàng Kiền chia sẻ.

Nguyễn Tuấn

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/ky-uc-xe-doc-truong-son-di-cuu-nuoc-cua-nguyen-tu-lenh-binh-chung-cong-binh-post411004.html