Ký ức đậm sâu khi viết về chiến trường xưa và đồng đội
Là một người lính từng vào sinh, ra tử ở chiến trường Campuchia, cựu chiến binh TRẦN BÌNH, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh mang trong mình nhiều ký ức về một thời hoa lửa. Chính những ký ức ấy đã thúc giục, tiếp sức, giúp ông vượt qua rào cản tuổi tác, bệnh tật để cho ra đời cuốn sách 'Ký ức K'. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với tác giả Trần Bình nhân dịp ông ra mắt cuốn sách viết bằng chính những trải nghiệm của bản thân.

- Trước tiên, xin cảm ơn cựu chiến binh Trần Bình đã nhận lời mời phỏng vấn của Báo Quảng Trị. Được biết mới đây, ông vừa phối hợp với Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Quảng Trị tổ chức buổi ra mắt, giới thiệu cuốn sách “Ký ức K”. Rất mong ông chia sẻ với độc giả Báo Quảng Trị một số thông tin về cuốn sách này?
- Tôi sinh ra, lớn lên ở xã Gio An, huyện Gio Linh, một miền quê thuần nông giàu truyền thống cách mạng. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, với tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”, tôi cùng hàng vạn thanh niên trai tráng lên đường, làm nhiệm vụ chiến đấu ở Campuchia (chiến trường K). Mong muốn của chúng tôi là giúp nước bạn xây dựng chính quyền và thoát khỏi họa diệt chủng Pôn Pốt.
Ở chiến trường K, tôi và đồng đội đã trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách. Ranh giới của sự sống và cái chết rất mong manh. Tranh thủ những phút bình yên giữa cuộc chiến, tôi thường ngồi viết nhật ký. Từ năm 1983 đến năm 1987, tôi có 6 cuốn nhật ký, ghi chép. Tôi xem tất cả như báu vật, nơi lưu giữ những hoài niệm, ký ức của tuổi trẻ.
Sau này, từ sự thúc giục của con tim và lời động viên của bạn bè, người thân, tôi quyết định tổng hợp, chọn lọc những câu chuyện hay, xúc động từ 6 cuốn nhật ký, ghi chép và biên tập, chỉnh sửa lại thành một cuốn sách.
Sau bao chờ đợi, vừa qua, “Ký ức K” - đứa con tinh thần của tôi đã ra đời. Cuốn sách dày 300 trang, do Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành vào năm 2023. Điều khiến tôi rất hạnh phúc là “Ký ức K” nhận được khá nhiều sự ủng hộ. Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ tôi tổ chức lễ ra mắt, giới thiệu sách. Đặc biệt, tôi nhận được khá nhiều tình cảm của bạn đọc gần xa. Chỉ sau 1 tuần, toàn bộ 300 bản in đầu tiên của cuốn sách đã được bán hết.
- Điều gì thôi thúc ông cho ra đời đứa con tinh thần này?
- Mấy chục năm qua, tôi luôn cố gắng lưu giữ những ký ức của mình. Tôi trân quý từng ký ức, kỷ niệm đời lính chiến trường và xem nó như một phần máu thịt. Tuy nhiên, tôi biết, vì tuổi già, sức yếu, sẽ có lúc mình không thể lưu giữ nguyên vẹn những ký ức đã đi qua trong cuộc đời. Vì thế, “Ký ức K” chính là cách để tôi lưu giữ ký ức này.
Tôi biết, khi được in thành sách và phát hành, nhật ký sẽ không còn là thứ gì đó riêng tư của mình nữa nhưng tôi vẫn chấp nhận. Tôi nghĩ rằng, việc cho ra đời cuốn nhật ký của những ngày ở chiến trường K cũng là cách để trả nghĩa cho những năm tháng ác liệt, gian khó nhưng quý giá của đời người. Ở đó, tôi đã được học tập, rèn luyện, cống hiến để về sau có thêm bản lĩnh và nhiều phẩm chất tốt đẹp. Cuốn sách “Ký ức K” chính là sự tri ân của tôi dành cho đồng đội, những người đã “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
- Vừa trải qua bạo bệnh, ông đã nỗ lực như thế nào để thực hiện tâm nguyện của mình là đưa những trang viết về chiến trường xưa và đồng đội đến với độc giả?
- Năm 2018, tôi không may bị tai biến mạch máu não. Sự cố về sức khỏe để lại di chứng khá nặng nề đối với tôi. Sau biến cố, tôi bị liệt nửa người. Việc vận động khá khó khăn. Trong bối cảnh ấy, chuyện viết lách đối với tôi là một thử thách lớn. Mặc dù chỉ bàn tay phải với một ngón cái còn linh hoạt, tôi vẫn cố bấm phím điện thoại, từng ngày nỗ lực hoàn thành bản thảo tập sách “Ký ức K” và trước đó là tập thơ “Cảm xúc gọi tên”.

Nhiều đại biểu, cựu chiến binh đã đến dự lễ ra mắt cuốn sách “Ký ức K” của tác giả Trần Bình - Ảnh: T.L
Kể đến đây thôi, chắc nhiều người có thể cảm nhận được tôi đã chật vật xoay xở như thế nào. Thế nhưng, tôi chưa bao giờ xem đó là khó khăn, thử thách. Tôi cảm thấy hạnh phúc với việc mà mình đang làm. Dường như những dòng nhật ký chiến sĩ đã giúp tôi nhân lên quyết tâm, có ý chí mạnh mẽ hơn để vượt qua bệnh tật. Tôi cảm thấy mình khỏe dần lên theo mỗi trang nhật ký.
Vì thế, tôi coi việc thực hiện cuốn sách “Ký ức K” và tập thơ “Cảm xúc gọi tên” như một liệu pháp chữa bệnh cho chính mình. Văn chương, thơ ca đã giúp tôi lấy lại được phần nào sức khỏe, vận động tốt hơn, trí óc linh hoạt hơn.
- Trong quá trình viết sách, chắc hẳn sẽ có rất nhiều ký ức ùa về trong ông. Ông có thể chia sẻ một vài ký ức sâu đậm nhất đối với mình?
- Thú thật, tôi chưa bao giờ tự xem mình là nhà văn, nhà thơ. Tuy nhiên, tôi rất đam mê văn thơ, chữ nghĩa. Sau khi rời ghế nhà trường phổ thông và rồi trở thành một người lính, tôi cũng như nhiều đồng đội không có điều kiện để học tập cao hơn. Vì thế, việc viết lách đối với tôi có thể ví như một “cuộc dạo chơi đầy đam mê”. Trong điều kiện khó khăn của chiến tranh, tôi vẫn giữ cho mình thói quen viết lách. Thói quen ấy được duy trì cho đến tận sau này. Đam mê là thế nên tôi rất vui mừng khi có nhiều đứa con tinh thần được xuất bản, đăng báo, tạp chí... Năm 2012, tôi đã trở thành hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh.
Với cuốn sách “Ký ức K”, tôi viết bằng chính ký ức, trải nghiệm của mình. Vì thế, tôi luôn cố gắng để ghi lại những ký ức một cách cụ thể, sinh động nhất. Trong quá trình chắt lọc, chắp bút nên cuốn sách, những ký ức như những cơn sóng lớn ùa về mạnh mẽ trong tâm trí, trái tim tôi. Tôi như quay lại với chiến trường xưa, đối mặt với bao khó khăn, thiếu thốn, gian khó, hiểm nguy...
Ký ức sâu đậm nhất có lẽ là sự ra đi của những người đồng đội. Hầu hết họ đều ở tuổi đôi mươi, vừa rời ghế nhà trường. Một số đồng đội của tôi thậm chí còn chưa kịp cầm tay cô gái mình thương. Có người đã hy sinh với tấm thân không còn vẹn nguyên. Ngoài súng đạn của chiến tranh, có người ra đi vì trận sốt rét hay cơn khát sau lần đi trinh sát bị lạc giữa rừng già. Mỗi lần vuốt mắt đưa tiễn đồng đội là một lần trái tim những người lính tưởng chừng bị chai sạn bởi bom đạn như chúng tôi lại quặn thắt. Nước mắt chúng tôi cứ thế tuôn ra...
- Bước ra từ cuộc chiến, điều gì còn canh cánh trong trái tim ông?
- Tôi và một số đồng đội may mắn được trở về sau cuộc chiến. Thế nhưng, nhiều đồng đội của chúng tôi vẫn nằm lại ở chiến trường Campuchia. Đến giờ, dù đồng đội, thân nhân đã tìm kiếm khắc khoải nhưng hài cốt của nhiều anh em vẫn chưa được tìm thấy. Khi tôi viết những bài thơ, dòng văn, một số thân nhân của các liệt sĩ đã đọc được và ngay lập tức liên lạc vì bắt gặp tên tuổi hoặc hình bóng người thân của mình trong đó. Tôi biết rằng, thời gian không đủ sức để làm lành sẹo những vết thương lòng.
- Thông qua “Ký ức K” và những tác phẩm văn chương, thơ ca về đề tài cách mạng của mình, ông có thông điệp gì gửi đến thế hệ trẻ hôm nay và mai sau?
- Qua những bài học về lịch sử, truyền thống, có lẽ các bạn trẻ đều đã hiểu hòa bình hôm nay được đổi biết bao máu, mồ hôi, nước mắt của những thế hệ trước. Tôi không dám đặt những áp lực, trọng trách quá nặng nề lên vai thế hệ trẻ. Bản thân tôi chỉ mong các bạn trẻ hôm nay và mai sau luôn giữ vững tinh thần “ôn cố tri tân”, chung tay xây dựng quê hương, đất nước mạnh giàu.
- Xin cảm ơn ông!
Tây Long (thực hiện)