Ký tên lên tranh đạo nhái, 'Phù thủy vẽ tranh' có xâm phạm bản quyền?
Mua một bức tranh đạo nhái ở lề đường, Phạm Hồng Minh, người được mệnh danh là 'Phù thủy vẽ tranh' của Vietnam's got talent 2013, đã kí tên mình vào bức tranh. Với hành động này, anh đã bị họa sĩ Lê Thế Anh – tác giả của bức tranh tố cáo là vi phạm bản quyền.
Họa sĩ thường kí tên lên các bức tranh của mình để khẳng định họ chính là chủ sở hữu. Vậy trong tình huống vừa nêu, liệu “Phù thủy vẽ tranh” có thực sự vi phạm bản quyền?
Nhiều tranh cãi về hai bức tranh vi phạm
Mới đây, họa sĩ Lê Thế Anh, giảng viên tại Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, đã bày tỏ sự bức xúc khi hai bức tranh chép tác phẩm của anh đã bị “phù thủy vẽ tranh” Phạm Hồng Minh – một người tương đối nổi tiếng trong giới giải trí - ký tên lên.
Khi phát hiện sự việc, họa sĩ Lê Thế Anh đã nhắn tin cho Phạm Hồng Minh nhằm làm rõ, tuy nhiên không nhận được phản hồi. Vì vậy, anh đã để lại bình luận trên Facebook cá nhân của Phạm Hồng Minh, bày tỏ sự không hài lòng với hành động của người này.
Với sự quan tâm đông đảo của cộng đồng mạng về sự việc, Phạm Hồng Minh sau đó thừa nhận mình đã mua hai bức tranh này ở dọc đường Trần Phú (con phố “nổi danh” bán tranh sao chép ở quận 5, TP. HCM), và vì rất thích thú nên đã kí tên lên.
Chia sẻ quan điểm của mình, họa sĩ Lê Thế Anh cho biết, anh không tin rằng hai bức tranh này được Phạm Hồng Minh mua của người khác, mà do chính Phạm Hồng Minh chép hoặc chỉ đạo chép tranh trong xưởng tranh thương mại. Anh cũng khẳng định rằng mình có những bằng chứng cụ thể về những khẳng định này.
Về hành vi ký tên lên tranh chép, họa sĩ Thế Anh cho biết: "Tôi chưa gặp trường hợp nào mua tranh và ký tên lên đó cả. Thực ra mua hay không mua không quan trọng, mấu chốt vấn đề là ký tên lên thì bạn nhận là tác giả của tranh. Trong khi đó, tác phẩm đã được tôi đăng ký bản quyền, tổ chức triển lãm và bán cho nhà sưu tập. Tranh có giá trị nhất là ở chữ ký".
Theo họa sĩ, bức Lì xì nhé, kích thước 80x85 cm, chất liệu sơn dầu, được sáng tác năm 2016 và bức Cô gái Dao đỏ, vẽ năm 2013, kích thước 75x90 cm. Hai tác phẩm đều có giấy chứng nhận bản quyền và đã được bán cho nhà sưu tập.
Về phần mình, Phạm Hồng Minh khẳng định không sao chép mà mua bức tranh. Theo anh, khi đã mua tranh về đó là quyền sở hữu của người mua, nên họ viết, ký, vẽ hay bán lại cho ai đó là quyền lợi của họ.
Họa sĩ Lê Thế Anh cho biết, hiện anh đang yêu cầu Phạm Hồng Minh xin lỗi công khai trên báo chí và hủy hai tác phẩm. Nếu không, họa sĩ sẽ nhờ đến sự can thiệp của pháp luật.
Ý kiến của chuyên gia
Trước khi đi sâu vào những phân tích của chuyên gia về vấn đề này, chúng ta cần nắm vững một số nội dung sau:
Thứ nhất, luật bản quyền sẽ bảo vệ hai quyền chính của tác giả, bao gồm quyền tài sản và quyền thân nhân. Quyền tài sản nghĩa là tác giả có quyền can thiệp vào hoạt động phân phối (cho, bán, tặng…), vào hoạt động sao chép (in ấn), hoạt động làm tác phẩm phái sinh… của tác phẩm.
Quyền nhân thân quy định rằng tác giả có quyền định đoạt và can thiệp vào việc đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm.
Thứ hai, trong Bộ Luật dân sự có sử dụng thuật ngữ “ngay tình”. “Ngay tình” là hành động một người nào đó giao dịch một sản phẩm, dịch vụ nào đó đúng theo quy định của pháp luật nhưng lại không đoán được những hậu quả mà giao dịch đó sẽ gây ra.
Theo luật gia Nguyễn Ngô Thành Danh, chuyên viên pháp chế mảng sở hữu trí tuệ, trong trường hợp hai bức tranh này được Phạm Hồng Minh sao chép lại, theo Luật bản quyền, Phạm Hồng Minh đã vi phạm bản quyền đối với tranh của họa sĩ Lê Thế Anh.
Tuy nhiên, trong trường hợp hai bức tranh chép này được Phạm Hồng Minh mua lại của người khác và ký tên lên, lợi thế chưa hẳn đã nghiêng về phía tác giả của bức tranh “Cô gái Dao Đỏ”.
Cụ thể, theo ông Danh, nếu mua lại tác phẩm từ người khác tức là không trực tiếp có hành vi sao chép, Phạm Hồng Minh sẽ không bị xem xâm phạm quyền tài sản của họa sĩ Lê Thế Anh bởi một số lí do như sau:
- Về quyền sao chép, nếu mua lại tác phẩm từ người khác, tức không trực tiếp có hành vi sao chép, Phạm Hồng Minh hiển nhiên không xâm phạm quyền tài sản của họa sĩ Thế Anh.
- Về quyền phân phối bức tranh, chúng ta lại xét thêm một thuật ngữ nữa là “cạn quyền phân phối”. Cạn quyền phân phối có nghĩa là một khi tác giả đã cho phép tạo những bản sao (in ấn, remix…) của mình và đã bán chúng đi, những người sở hữu của bản sao đó có quyền bán, cho tặng bản sao đó mà không bị cho là vi phạm bản quyền.
Theo quy định của Luật Bản quyền sửa đổi năm 2022, họa sĩ Lê Thế Anh không bị “cạn” quyền phân phối tác phẩm trong tình huống này, bởi bản sao bức tranh là hàng nhái nên không được họa sĩ Lê Thế Anh cho phép bán ra. Do đó mọi hành vi bán lại bức tranh chép, trên nguyên tắc, phải được sự đồng ý của họa sĩ Lê Thế Anh.
Tuy vậy, nếu ngay tình, (tức không nhận thức được và không có cách để phát hiện ra đó không phải là bức tranh gốc) thì việc Phạm Hồng Minh mua và bán lại bức tranh chép có thể được xét là không xâm phạm quyền phân phối.
Trước đây, Việt Nam cũng đã có án lệ có một số nét tương đồng về tình huống này. Cụ thể, năm 2019, vụ kiện công ty Lý Hải nhận chuyển nhượng quyền tác giả của bài thơ Gánh Mẹ từ một người không có quyền, nhưng vì ngay tình nên vẫn được xét là không vi phạm bản quyền.
Trong khi đó, về quyền nhân thân, chúng ta xét hai điều khoản trong Luật sở hữu trí tuệ dưới đây.
Thứ nhất, theo khoản 2, điều 19 Luật sở hữu trí tuệ có quy định về quyền được đứng tên/bút danh và được nêu tên khi tác phẩm được sử dụng. Nếu xét theo câu trên thì khó có thể khẳng định được rằng việc ký tên lên tác phẩm của người khác là vi phạm quyền nhân thân.
Hơn nữa, quyền trên không cấm người mua được đề tên của họ lên tác phẩm, có nghĩa là việc cả tác giả và người dùng đều ký tên lên tác phẩm là điều bình thường. Thêm vào đó, trong trường hợp này, người sử dụng đã thừa nhận ngay từ đầu họ là người mua lại tác phẩm, tức không phải là tác giả, vậy ở đây đã không có sự mạo danh tác giả.
Thứ hai, theo khoản 4, điều 19 về các hành vi xuyên tạc, cắt xén, sửa chữa tác phẩm, rõ ràng, hành động ký tên lên tác phẩm không làm thay đổi hình thức thể hiện của tác phẩm, cũng không làm cho người xem thay đổi cảm nhận về tính mỹ thuật của tác phẩm. Theo quy định này, việc ký tên lên bức tranh không thể bị xem là cắt xén, xuyên tạc tác phẩm.
Chỉ trong trường hợp nếu thẩm định bức tranh cho thấy hành động ký tên lên tranh là hành vi sửa chữa tác phẩm đến mức gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả (đặc biệt là khi tư cách của tác giả không bị mạo nhận), thì Phạm Hồng Minh mới được xem là vi phạm quyền nhân thân.
Cuối cùng, theo luật gia Nguyễn Ngô Thành Danh, trong tình huống Phạm Hồng Minh là người chép bức tranh, anh này đã vi phạm luật bản quyền. Tuy vậy, trong tình huống Phạm Hồng Minh chỉ là người mua tranh nhái và ký tên lên tác phẩm, đây khó có thể được xem là hành vi vi phạm luật, vì vậy họa sĩ Lê Thế Anh nên cân nhắc khi đưa đơn khởi kiện.