Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin của công dân

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 24/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi); thảo luận ở tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Thúc đẩy xã hội hóa hoạt động lưu trữ

Đầu phiên họp sáng 24/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định bày tỏ đau buồn trước thông tin xảy ra hỏa hoạn tại nhà số 1 ngõ 43/98/31 phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) vào đêm qua, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Số liệu ban đầu có 14 người thiệt mạng và một số người bị thương. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân; đồng thời đề nghị Bộ Công an, UBND thành phố Hà Nội và các lực lượng chỉ đạo nhanh chóng khắc phục hậu quả, dành mọi ưu tiên cứu chữa người bị thương kịp thời, giúp đỡ gia đình người bị nạn sớm ổn định tình hình, bảo đảm cuộc sống; đề nghị Chính phủ, các cơ quan hữu quan, lực lượng chỉ đạo tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong cả nước, hướng dẫn và thông tin tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nâng cao cảnh giác, ứng phó kịp thời, không để xảy ra cháy, nổ.

Sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, dự thảo Luật đã được các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu cơ bản, đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội. Các nội dung của dự án luật cơ bản phù hợp đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Đại biểu Trần Thị Khánh Thu đề nghị, Ban soạn thảo tiếp tục rà soát để đảm bảo tính thống nhất với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các dự án luật trong lĩnh vực này như, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Công nghệ thông tin...

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Trần Thị Khánh Thu phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Trần Thị Khánh Thu phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Về thu nộp, bảo quản, sử dụng tài liệu lưu trữ số và hủy tài liệu lưu trữ số hết giá trị, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, tại khoản 6, Điều 36 dự thảo Luật quy định: “Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan xây dựng ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn và triển khai giải pháp về bảo mật…”. Tuy nhiên, khoản 3, Điều 6 Luật Cơ yếu năm 2011 quy định: Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan mật mã quốc gia, quản lý chuyên ngành về cơ yếu, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về cơ yếu.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa thành: “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn và triển khai giải pháp về bảo mật, xác thực trong hoạt động nghiệp vụ lưu trữ của các cơ quan Đảng, Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ”.

Giải trình, làm rõ thêm một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, lưu trữ là hoạt động mang tính chuyên môn nghiệp vụ sâu, liên quan đến tài liệu lưu trữ - là tài liệu lịch sử chứa đựng rất nhiều thông tin quan trọng của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân, do đó cần phải được bảo đảm an ninh thông tin và quản lý chặt chẽ. Nội dung quy định cụ thể các điều kiện kinh doanh đối với hoạt động dịch vụ lưu trữ được thiết kế theo các cấp độ khác nhau để phù hợp thực tế, khuyến khích và thúc đẩy xã hội hóa cho hoạt động lưu trữ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Về các vấn đề như nguồn nhân lực cho lưu trữ, những chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ làm công tác lưu trữ..., Bộ trưởng Nguyễn Thị Thanh Trà cho biết, thực hiện theo quy định của Chính phủ nhưng sẽ theo phương châm “ít nhưng tinh thông”, đáp ứng được nhu cầu phát triển và sử dụng đội ngũ lưu trữ theo hướng chuyên nghiệp, chuyên môn hóa sâu.

Nghiên cứu thêm khái niệm về vũ khí

Chiều 24/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk và Hậu Giang thảo luận ở tổ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk và Hậu Giang thảo luận ở tổ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Thảo luận tại tổ, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng, lực lượng cảnh vệ phải bảo đảm rất nhiều yêu cầu, trước hết là an ninh, an toàn cho lãnh đạo. Bên cạnh đó, công tác cảnh vệ còn mang ý nghĩa lễ tân, nghi thức, thể diện quốc gia về mặt đối ngoại và hợp tác quốc tế, nhất là khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước công tác ở nước ngoài hoặc ngược lại.

“Trong thời gian qua, lực lượng cảnh vệ triển khai rất tốt, gần như không có sự cố nào, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và trưởng thành lên rất nhiều. Đặc biệt, lãnh đạo các quốc gia đánh giá rất cao, dành nhiều tình cảm và sự cảm phục đối với lực lượng cảnh vệ của chúng ta. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của luật nhằm hoàn thiện và đáp ứng yêu cầu thực tiễn”, Chủ tịch nước nói và đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn chỉnh, đảm bảo đủ các điều kiện, báo cáo Quốc hội có thể sớm thông qua.

Góp ý tại tổ về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), đại biểu Lê Nhật Thành (Hà Nội) đề nghị quy định dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ, khi sử dụng nhằm mục đích xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe con người, từ đó có căn cứ xử lý đối với tội phạm sử dụng loại dao này gây án. "Cần thiết phải quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ để kịp thời ngăn chặn hành vi nguy hiểm của đối tượng ngay từ giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc định hướng hành vi của đối tượng", đại biểu Lê Nhật Thành đề nghị.

Cho rằng việc bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ là cần thiết, đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Cần Thơ) giải thích, các loại dao có tính sát thương cao, nguy hiểm do các doanh nghiệp, người dân sản xuất, kinh doanh, mua bán chưa được cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ. Trong khi đó, một người có thể dễ dàng mua hoặc tự chế tạo ra các loại dao có tính sát thương cao để sử dụng gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của con người, gây mất an ninh, trật tự.

Đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ Nguyễn Văn Thuận phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ Nguyễn Văn Thuận phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức cho rằng cần nghiên cứu thêm khi xây dựng khái niệm về vũ khí để Cơ quan soạn thảo, Cơ quan thẩm tra tính toán, xây dựng khái niệm chuẩn nhất, có thể bao quát các loại vũ khí gây nguy hiểm, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người.

PV (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/chinh-tri/ky-hop-thu-7-quoc-hoi-khoa-xv-tao-thuan-loi-cho-viec-tiep-can-thong-tin-cua-cong-dan-20240524192012826.htm