Kịp thời cứu sống bệnh nhân bị dây kẽm đâm xuyên ngực, bác sĩ chỉ cách sơ cứu đúng

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam vừa kịp thời cứu sống người đàn ông 61 tuổi trong lúc cắt cỏ bằng máy bị một dây kẽm dài 20 cm bay đâm vào lồng ngực.

Bệnh nhân ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, được người nhà đưa tới cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam trong tình trạng bị dây kẽm loại thường sử dụng để làm hàng rào, xuyên vào lồng ngực một đoạn 10 cm, phần kẽm còn lại lộ ra ngoài.

Theo BSCKII Dương Chí Lực, Phó trưởng khoa Ngoại tim mạch - lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho biết, kết quả chụp cắt lớp phát hiện dây kẽm xuyên thủng phổi phải bệnh nhân, máu chảy nhiều, nhu mô phổi xung quanh vết thủng bầm dập và tụ máu. Bác sĩ nội soi lồng ngực để rút dị vật ra ngoài, sau đó rửa và dẫn lưu khoang màng phổi.

Theo BS Lực, dị vật thành ngực xuyên vào nhu mô phổi có chảy máu gây mất máu cấp, tràn khí gây suy hô hấp. Trường hợp này khi sơ cứu phải nhanh chóng bịt kín vết thương, tìm cách cố định dị vật và không được rút ra, làm thông thoáng đường thở, hô hấp nhân tạo nếu cần. Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

BSCKII Dương Chí Lực đang thăm khám cho bệnh nhân.

BSCKII Dương Chí Lực đang thăm khám cho bệnh nhân.

Cần sơ cứu đúng vết thương ngực

Theo BS Lực, trong cuộc sống lao động, làm việc, sinh hoạt, chúng ta luôn luôn đối diện với những nguy cơ xảy ra các sự cố, nặng hơn là các tai nạn, điều quan trọng cần phải xử trí đúng sẽ giảm được nguy hiểm.

Với vết thương ngực là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp, tùy theo các thương tổn giải phẫu trong lồng ngực mà vết thương ngực có nhiều thể bệnh với tên gọi, mức độ nặng nhẹ và cách xử trí khác nhau

Đối với vết thương ngực hở đơn thuần, thương tổn thường gặp là thủng thành ngực gây tràn máu tràn khí màng phổi, máu đông khoang màng phổi, thủng hoặc rách nhu mô phổi. Với các triệu chứng từ nhẹ đến nặng tùy theo tính chất, thời gian và mức độ của thương tổn mà có biểu hiện từ đau ngực, đến khó thở, suy hô hấp từ vừa đến nặng, đe dọa tử vong.

Đối với dị vật thành ngực có xuyên vào phổi, triệu chứng thường gặp nhất là đau, triệu chứng tăng lên khi thở… bên cạnh đó còn có chảy máu gây mất máu cấp, tràn khí gây suy hô hấp.

Đứng trước trường hợp đó, khi là vết thương ngực, thì phải nhanh chóng bịt kín vết thương, nếu có dị vật thì phải tìm cách cố định dị vật, không được rút ra, và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Bên cạnh đó chúng ta còn có thể làm thông thoáng đường thở, hô hấp nhân tạo nếu cần.

Cũng theo BS Lực, việc phòng các tai nạn lao động là vô cùng quan trọng. Người lao động cần sử dụng đồ bảo hộ lao động đúng cách giúp họ đảm bảo an toàn và giảm thiểu những thương tổn có thể xảy ra nếu chẳng may gặp phải các tai nạn lao động.

Để đảm bảo an toàn trước khi đến bệnh viện mọi người cần tuân thủ một số nguyên tắc. Với các trường hợp vết thương còn dị vật cắm sâu, tuyệt đối không tự ý rút dị vật ra ngoài, đặc biệt khi dị vật lớn, xuyên sâu hoặc nằm ở các khu vực nguy hiểm. Việc rút dị vật sai cách có thể khiến máu chảy ồ ạt, gây tổn thương thêm các mô xung quanh và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Cụ thể, hướng dẫn sơ cứu ban đầu như :

- Băng kín vết thương: Dùng tay ép nhẹ mép vết thương sát với dị vật để hạn chế tổn thương lan rộng.

- Đặt gạc hoặc vật liệu mềm xung quanh dị vật: Đảm bảo cố định tốt mà không làm dị vật xê dịch.

- Dùng vành khăn cố định dị vật: Đặt vành khăn hoặc vật tương tự lên vùng vết thương, sau đó băng kín lại để bảo vệ dị vật.

- Chuyển đến cơ sở y tế: Nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để được xử lý chuyên sâu.

K.M

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/kip-thoi-cuu-song-benh-nhan-bi-day-kem-dam-xuyen-nguc-bac-si-chi-cach-so-cuu-dung-16925020319074177.htm