Kinh tế tư nhân: Động lực then chốt, hướng đến tăng trưởng hai con số

Kinh tế tư nhân đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP, xuất khẩu và tạo việc làm.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt doanh nghiệp (DN) đầu Xuân 2025 sáng nay (10/2), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh việc thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực then chốt, đồng thời đưa ra 6 giải pháp trọng tâm nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, tạo điều kiện để DN bứt phá, hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng hai con số trong những năm tới.

Kinh tế tư nhân - động lực phát triển chính

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định kinh tế tư nhân không chỉ là bộ phận quan trọng của nền kinh tế mà còn là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng. Ông nhấn mạnh rằng năm 2025 là năm cuối cùng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, là thời điểm mang tính quyết định để tạo đà bứt phá cho những năm tiếp theo.

Kinh tế tư nhân không chỉ là bộ phận quan trọng của nền kinh tế mà còn là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng

Kinh tế tư nhân không chỉ là bộ phận quan trọng của nền kinh tế mà còn là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng

Theo Bộ trưởng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng hai con số từ năm 2026, khu vực kinh tế tư nhân cần đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 11% mỗi năm. Điều này đặt ra yêu cầu cao đối với DN tư nhân trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới mô hình kinh doanh và tận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.

Hiện nay, cả nước có khoảng 940.000 DN đang hoạt động, cùng hơn 30.000 hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh. Riêng trong năm 2024, số lượng DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt kỷ lục 233.000, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ và niềm tin của cộng đồng DN vào nền kinh tế. Đóng góp của khu vực tư nhân vào nền kinh tế là vô cùng quan trọng, chiếm khoảng 60% GDP, đóng góp 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho 85% lao động cả nước.

Nhờ đó, Việt Nam đã hoàn thành và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024, đạt tốc độ tăng trưởng 7,09% và vươn lên vị trí thứ 33 thế giới về quy mô GDP. Những kết quả tích cực này tạo nền tảng quan trọng để hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số trong thời gian tới.

Thách thức và điểm nghẽn cần tháo gỡ

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra nhiều khó khăn mà DN tư nhân đang phải đối mặt.

Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là phần lớn DN vẫn có quy mô nhỏ, hiệu quả hoạt động chưa cao, khả năng cạnh tranh hạn chế và thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn. Nhiều DN còn phụ thuộc vào các mô hình kinh doanh cũ, chưa tận dụng tốt công nghệ và chuyển đổi số.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt doanh nghiệp (DN) đầu Xuân 2025 sáng nay (10/2), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Chính phủ cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN phát triển bền vững - Ảnh VGP

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt doanh nghiệp (DN) đầu Xuân 2025 sáng nay (10/2), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Chính phủ cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN phát triển bền vững - Ảnh VGP

Bên cạnh đó, thể chế và chính sách vẫn là "điểm nghẽn của điểm nghẽn," gây nhiều trở ngại cho DN trong quá trình hoạt động và mở rộng đầu tư. Hệ thống pháp lý chưa thực sự đồng bộ, một số thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp, làm ảnh hưởng đến khả năng phát triển của DN.

Ngoài ra, môi trường kinh doanh toàn cầu đang có nhiều biến động khó lường, từ sự thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng đến việc gia tăng các rào cản thương mại và nguy cơ xảy ra xung đột kinh tế toàn cầu. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách đối với DN Việt Nam trong việc nâng cao khả năng thích ứng và tăng cường nội lực để vươn lên trong bối cảnh mới.

Sáu giải pháp đồng hành cùng DN

Thứ nhất, cần thay đổi nhận thức và xác định rõ vai trò của khu vực kinh tế tư nhân. DN tư nhân phải trở thành động lực chính đóng góp vào tăng trưởng, cải thiện năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Chính phủ cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN phát triển bền vững.

Thứ hai, tập trung hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Trong năm 2025, cần tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng "kiến tạo phát triển," loại bỏ tư duy "không quản được thì cấm" và chuyển từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm." Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực bất động sản, đầu tư hạ tầng, giao thông và năng lượng tái tạo, nhằm giải phóng nguồn lực và tạo động lực tăng trưởng cho DN.

Thứ ba, khơi thông mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực xã hội. Chính phủ sẽ tập trung đầu tư vào các dự án hạ tầng chiến lược như đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, điện hạt nhân, điện gió ngoài khơi và trung tâm dữ liệu quốc gia. Đồng thời, sẽ có cơ chế huy động vốn nhàn rỗi từ DN và người dân, khuyến khích chuyển từ tiết kiệm sang đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh VGP

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh VGP

Thứ tư, đẩy mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Chính phủ sẽ xây dựng hành lang pháp lý và cơ chế hỗ trợ cho các dự án công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn và chuyển đổi số. Việc thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và khu vực cũng sẽ được đẩy mạnh để kết nối nhân tài người Việt trong và ngoài nước.

Thứ năm, xây dựng các DN dẫn đầu có quy mô lớn. Cần có chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời thu hút FDI một cách chọn lọc để đảm bảo lợi ích lâu dài cho nền kinh tế. Việc tăng cường liên kết giữa DN nội địa và DN FDI cũng là yếu tố quan trọng để phát triển bền vững.

Thứ sáu, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng và mở rộng thị trường cho DN. Chính phủ sẽ hỗ trợ DN nội địa khai thác thị trường trong nước, đẩy mạnh các chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" theo hướng thực chất. Đồng thời, cần tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là với các quốc gia đối tác chiến lược.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gửi thông điệp mạnh mẽ đến cộng đồng DN, nhấn mạnh rằng DN tư nhân cần tiên phong trong đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Ông cũng kêu gọi các hiệp hội DN phát huy tốt hơn vai trò cầu nối giữa Chính phủ và DN, phản ánh kịp thời những khó khăn để có giải pháp tháo gỡ hiệu quả.

“Với sự đồng lòng của Chính phủ, DN và toàn hệ thống chính trị, tôi tin tưởng rằng cộng đồng DN Việt Nam sẽ ngày càng lớn mạnh, đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

T.Ng

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/kinh-te-tu-nhan-dong-luc-then-chot-huong-den-tang-truong-hai-con-so-315991.html