Kinh tế của Hà Nội: Hướng tới tăng trưởng nhanh, toàn diện hơn
Thực tế cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, kinh tế của Thủ đô đã có sự cải thiện đáng kể, với nhiều chỉ số quan trọng có mức tăng trưởng cao. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục kiên trì hoạt động cải cách, với quan điểm xuyên suốt là đồng hành, thông qua những biện pháp thiết thực vì doanh nghiệp và người dân, từ đó vượt qua thách thức, hướng tới tăng trưởng nhanh, toàn diện hơn.
Nhiều lĩnh vực cải thiện rõ nét
Tính chung 8 tháng năm 2024, thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 20,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 198,7 nghìn tỷ đồng, giảm 5% về số lượng doanh nghiệp và giảm 7% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, có 7,1 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 11% và 19,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 21%. Những con số này cho thấy, hoạt động khởi nghiệp nhìn chung còn gặp không ít khó khăn.
Cũng trong 8 tháng, thành phố thu hút 1,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023 và là kết quả rất ấn tượng. Trong đó, đăng ký cấp mới có 172 dự án với số vốn đạt 1,1 tỷ USD; 120 lượt tăng vốn đầu tư với 155 triệu USD; 154 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, đạt 177,7 triệu USD. Như vậy, Hà Nội vẫn duy trì là điểm đến an toàn, đầy tiềm năng cũng như vị thế hấp dẫn vốn đầu tư của cả nước.
Trong khi đó, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 8 tháng năm 2024 trên địa bàn thành phố tăng 5,4% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,8%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 9%; công nghiệp khai khoáng giảm 1,5%. Một số ngành chủ lực tăng khá như: Sản xuất máy móc, thiết bị tăng 19%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 12,3%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 10,7%; sản xuất thiết bị điện tăng 9,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 9,5%; sản xuất trang phục tăng 7,7%... Nhìn vào cơ cấu ngành/lĩnh vực kinh tế cũng như sản phẩm nói trên có thể thấy, sự chuyển dịch khá tích cực của nền kinh tế Thủ đô theo hướng hiện đại, bền vững, đồng thời giảm dần những ngành sử dụng công nghệ thấp, lạc hậu, đòi hỏi nhiều mặt bằng, năng lượng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng môi trường.
Trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội đạt 12,4 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ. Đáng ghi nhận là, khu vực kinh tế trong nước đạt kim ngạch 7,3 tỷ USD, tăng 17,9% - là mức tăng khá mạnh, trong khi khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,9%. Thực tế trên cho thấy, khối doanh nghiệp nội địa đang có sự bứt phá cao hơn so với doanh nghiệp có vốn nước ngoài và đó là chuyển biến tích cực.
Tóm lại, hầu hết các chỉ số quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định sức sống và kết quả phát triển kinh tế trên địa bàn Thủ đô đều đang cải thiện, tăng trưởng khá rõ, thể hiện đà phục hồi mạnh mẽ.
Tập trung cải cách, hỗ trợ sản xuất
Chính quyền thành phố đang kiên trì hoạt động cải cách, với quan điểm xuyên suốt là đồng hành, thông qua những biện pháp thiết thực vì doanh nghiệp như đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến đẩy mạnh giao thương, triển khai chuyển đổi số…
Hiện tại, các sở, ngành chức năng vẫn đang nỗ lực vào cuộc, nhất là chủ động nâng cao hiệu quả phục vụ doanh nghiệp. Đáng ghi nhận là, tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, bảo đảm chất lượng và đúng hạn. Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư
Hà Nội Lê Trung Hiếu, mặc dù khối lượng công việc rất lớn, yêu cầu giải quyết nhanh, chính xác nhưng đội ngũ cán bộ của Sở Kế hoạch và Đầu tư luôn cố gắng hoàn thành công việc với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cao nhất. Điều đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo chuyển biến về chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh, phục vụ doanh nghiệp, người dân cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp.
Còn đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, sở sẽ tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực ngành, theo dõi sự tác động của các cơ chế, chính sách, kịp thời đề xuất điều chỉnh để bảo đảm phát huy hiệu quả khi áp dụng vào thực tế. Cùng với đó, đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách mới phù hợp với điều kiện khách quan và nhu cầu phát triển, nhằm khơi thông, giải phóng các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư phát triển ngành. Ngoài ra, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các cụm công nghiệp, giải quyết tồn tại ở các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động; xây dựng kế hoạch và thực hiện chỉnh trang hạ tầng các cụm công nghiệp; tiếp tục tập trung đôn đốc khởi công các cụm công nghiệp khác.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp mở các thị trường mới trên cơ sở tận dụng lợi thế các hiệp định thương mại tự do nhằm thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu bền vững, chú trọng hỗ trợ xuất khẩu cho các sản phẩm làng nghề; hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng công nghệ chuyển đổi số để quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trên môi trường mạng...