Kinh hãi tục 'bó chân gót sen' qua lời kể của cụ bà 95 tuổi Trung Quốc

ANTĐ Cho đến bây giờ, đã hơn 9 thập nên trôi qua nhưng cụ Yan Guiru vẫn không thể nào quên được những cảm giác đau đớn ở hai bàn chân khi trải qua những tháng ngày thực hiện tục bó chân ở Trung Quốc.

Cụ Yan Guiru là một trong những người phụ nữ cuối cùng ở Trung Quốc thực hiện tục bó chân khắc nghiệt để có “đôi bàn chân gót sen” – một biểu tượng của người phụ nữ đẹp trong xã hội phong kiến nước này.

Ở tuổi gần đất xa trời, cụ Yan Guiru đã có những hồi tưởng đáng sợ về những tháng này khi cụ mới chỉ là một cô bé 4 tuổi, bắt buộc phải bẻ gãy xương bàn chân và bó trong những lớp vải đẫm máu.

Cụ Yan phải thực hiện tục bó chân từ năm 4 tuổi

“Tôi thậm chí còn không dám đắp chăn lên đôi bàn chân của mình, nó đau đớn như bị ai đó đặt một cục than nóng lên chân”, cụ bà 95 tuổi chậm rãi kể lại cảm giác khủng khiếp mà mình đã phải trải qua.

Theo lời cụ Yan, cụ bị bắt buộc thực hiện tục bó chân này khi 4 tuổi. Cứ khoảng 2 đến 3 ngày, đôi bàn chân nhỏ bé của cụ lại bị ngâm vào nước thảo dược và máu động vật để tránh nhiễm trùng, sau đó mẹ cụ bẻ gãy xương bàn chân và quấn chặt nó bằng một lớp vải lụa dài.

Cơn đau đó còn khủng khiếp khi có lần cụ bị rạch những vết đau đớn giữa lòng bàn chân để bó cho chặt hơn. Những cơn đau cứ theo suốt những năm tháng thơ ấu của người phụ nữ già chỉ vì xã hội tin rằng đức hạnh và phẩm giá của người phụ nữ thể hiện qua những bàn chân gót sen tý hon.

Bàn chân gót sen tượng trưng cho người phụ nữ đẹp, đức hạnh trong xã hội cũ Trung Quốc

“Nếu tôi cố gắng để tháo bỏ những rải băng, tôi sẽ bị đánh đập”, cụ Yan nói, tay run run nắm chặt cây gậy, ngồi trong khoảng sân nhỏ nơi cụ đã sống được hơn 70 năm.

“Nếu cô gái nào muốn có một cuộc sống tốt, điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ có bàn chân nhỏ. Những nhà giàu có trong vùng chỉ thích những người phụ nữ chân nhỏ. Càng nhỏ càng tốt. Không một ai muốn cưới một cô gái chân to. Không một ai…”.

Cụ Yan chỉ là một trong hàng nghìn phụ nữ phải chịu cảnh tra tấn khủng khiếp bằng tập tục lạc hậu bó chân sen ở Trung Quốc. Tập tục này vẫn được tồn tại ở Trung Quốc cho đến thế kỷ 20 và bị cấm sau đó vào năm 1912, khi chính phủ Quốc Dân đảng ở Trung quốc được thành lập.

Và phải đến tận năm 1928, chính phủ mới của Trung Quốc mới hoàn toàn loại bỏ được nó và bắt buộc những thiếu nữ dưới 15 tuổi phải để bàn chân phát triển tự nhiên. Tuy nhiên trong thực tế vẫn còn rất nhiều người tin rằng tập tục bó chân này khiến người con gái có cơ hội tìm được một người chồng giàu có và sống hạnh phúc hơn.

Cụ Yan nói rằng bây giờ rất khó khăn để tìm kiếm những đôi giày cho "bàn chân gót sen" của cụ

Ông John Vollmer, một chuyên gia chuyên nghiên cứu về các tập tục của châu Á cho biết, tục bó chân này được lan rộng trong xã hội phong kiến Trung Quốc là do quốc gia này theo tư tưởng Nho giáo.

“Tục bó chân được thực hiện trong nhiều thế kỷ ở Trung Quốc bởi nó tượng trưng cho một người vợ, người mẹ tốt. Nó thể hiện đức hạnh và phẩm chất của người phụ nữ”, ông Vollmer nói. Bàn chân gót sen trong xã hội cũ cũng thể hiện sự quyến rũ, nhẹ nhàng và khêu gợi của người phụ nữ với các đấng mày râu.

Ông Vollmer cũng chỉ ra vô số các hậu quả mà những người phụ nữ bó chân phải chịu đựng. Bệnh phổ biến nhất sau khi bó chân là nhiễm trùng. Móng chân sẽ mọc dài ra, đâm vào thịt làm rữa thịt, đôi khi làm rụng cả ngón chân. Căn bệnh này có thể dẫn đến tử vong. Và đôi khi xương bàn chân phát triển theo hướng đâm thẳng về phía gót chân. Khi trưởng thành, người bó chân có thể gặp nguy hiểm với những vấn đề về sức khỏe. Những phụ nữ lớn tuổi thì có nguy cơ cao bị gãy xương chậu và các xương khác khi ngã, họ cũng khó mà đứng dậy được khi đang ngồi.

Không ngạc nhiên, khi 10% các cô gái được cho là đã chết vì nhiễm trùng, cụ Yan may mắn sống sót qua tập tục và đã kết hôn cùng một người con trai 18 tuổi được cha mẹ chọn trước đó.

Cụ Yan là một trong những phụ nữ cuối cùng thực hiện tục bó chân ở Trung Quốc

Trở lại với câu chuyện hiện tại của cụ Yan, đã 9 thập niên trôi qua, đôi "bàn chân gót sen" của cụ vẫn đau đớn mỗi khi trái gió trở trời. Hàng ngày cụ bà 95 tuổi vẫn chống gậy đi chập chững quanh các con hẻm nhỏ gần nhà.

Đôi chân trần của cụ Yan bây giờ lại gặp một số bất tiện vô cùng lớn trong cuộc sống hiện đại, thay vì có giầy gót sen để đi, cụ lại phải đi dép của những đứa trẻ dưới 10 tuổi. “Những đôi giày của tôi được mua cách đây rất lâu, bây giờ tôi không biết mua chúng ở nơi nào nữa”, cụ bà thở dài than vãn.

Hà Triệu (Theo Telegraph)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/kham-pha/kinh-hai-tuc-bo-chan-got-sen-qua-loi-ke-cua-cu-ba-95-tuoi-trung-quoc/650047.antd