Kiên trì lối đi riêng

Nhiều năm trước, việc sản xuất kinh tế nông nghiệp theo phong trào đã tạo ra những hệ lụy, trở thành bài học đắt giá đối với không ít nông hộ. Có giai đoạn nông dân chuyển đổi cây trồng ồ ạt, rơi vào vòng luẩn quẩn trồng - chặt, chặt - trồng, không những phá vỡ quy hoạch nông nghiệp của tỉnh mà còn gây tốn kém kinh tế gia đình. Trong thực tiễn sản xuất, có không ít nông hộ kiên trì theo lối đi riêng, không chạy theo số đông và đã thành công.

Tỷ phú dó bầu

Khoảng 20 năm trước, nhiều nông dân tỉnh Bình Phước đầu tư trồng cây dó bầu. Tuy nhiên, vì không tiếp cận được các loại thuốc cấy tạo trầm nên phần lớn các hộ dân chặt đi, trồng loại cây khác. Trong những người trồng dó bầu thời điểm đó, có ông Nguyễn Trung Song, hiện ở khu phố 4, phường Minh Thành, TX. Chơn Thành. Vì quyết tâm, kiên trì theo đuổi mô hình, tới nay ông Song đã được hưởng thành quả, trở thành tỷ phú dó bầu.

Ông Nguyễn Trung Song giới thiệu về cây dó bầu do ông tự ươm để trồng và bán cho nông dân có nhu cầu

Ông Nguyễn Trung Song giới thiệu về cây dó bầu do ông tự ươm để trồng và bán cho nông dân có nhu cầu

Ông Song cho biết: “Năm 2004, gia đình tôi trồng hơn 1.000 cây, chứng kiến nhiều hộ chặt đi để trồng cây khác, tôi cũng có chút dao động. Tuy nhiên, vì đã tìm hiểu rất kỹ thông tin về loại cây này trước khi trồng, đồng thời cây cũng đã lớn nên tôi quyết tâm giữ lại. Đến năm 2017, tức sau 13 năm trồng, tôi được một công ty hỏi mua và đã bán với giá 5 triệu đồng/cây, thu về 5 tỷ đồng”.

Nhờ vào lứa thu hoạch đầu tiên, ông Song được tiếp thêm động lực mạnh mẽ, càng yên tâm đầu tư vào mô hình mình đã chọn. Ông Song kể: “Năm 2018, tôi vinh dự được đại diện nông dân tỉnh Bình Phước ra Hà Nội dự hội nghị tuyên dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc. Tại đây, tôi may mắn được gặp một giáo sư công tác tại Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, có đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến cây dó bầu. Qua trao đổi và trò chuyện, tôi tiếp tục học hỏi thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc, phát triển”.

“Hiện gia đình tôi có 25.000 cây dó bầu, trồng xen trong 7 ha cao su, cây đang ở tuổi thứ 4. Đường kính trung bình mỗi cây khoảng 10-15cm, cao 3-4m. Từ 7 năm trở đi, dó bầu đã cho thu hoạch. Đến nay, tôi chỉ cần bán với giá 500 ngàn đồng/cây, thì 7 ha sẽ cho thu hơn 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, gia đình tôi đang xây dựng kế hoạch đầu tư nhà máy chế biến tinh dầu trầm để tăng giá trị kinh tế” - ông Song chia sẻ thêm.

Vì ưa bóng mát nên cây dó bầu có lợi thế trong việc trồng xen tại các vườn cây cao, có tán che như cao su, điều, xà cừ, bạch đàn, tận dụng được quỹ đất. Đây cũng là loại cây ít bị sâu bệnh. Mô hình cây dó bầu của ông Song hiện lớn và thành công nhất ở thị xã Chơn Thành. Với niềm đam mê làm kinh tế nông nghiệp, dám nghĩ, dám làm, kiên định mục tiêu đã chọn, hy vọng những kế hoạch của ông về cây dó bầu sẽ tiếp tục thành công, truyền lửa đam mê cho bà con nông dân trên địa bàn.

Bà NGUYỄN THỊ HẬU, Chủ tịch Hội Nông dân TX. Chơn Thành

Trồng dừa đếm trái tính tiền

Mấy năm nay, giá sầu riêng tăng khiến nhiều nông dân chuyển đổi sang trồng loại cây này. Tuy nhiên, gia đình chị Trần Thị Thảo ở ấp 2, xã Minh Đức, huyện Hớn Quản vẫn gắn bó với vườn dừa dứa. Chị Thảo cho biết: “Sự chuyển đổi cây trồng cho phù hợp là điều tất yếu. Tuy nhiên, thế nào là phù hợp thì do nông dân nhận định. Gia đình tôi có gần 1 ha đất ven suối, thổ nhưỡng hợp trồng dừa, nên nhiều năm qua, tôi yên tâm phát triển mô hình này và cho thu nhập tốt”.

Chị Trần Thị Thảo ở xã Minh Đức, huyện Hớn Quản kiên trì với mô hình trồng dừa đem lại thu nhập ổn định

Chị Trần Thị Thảo ở xã Minh Đức, huyện Hớn Quản kiên trì với mô hình trồng dừa đem lại thu nhập ổn định

Theo chị Thảo, 1 ha có thể trồng từ 250-300 cây tùy khoảng cách. Sau 24 tháng trồng sẽ cho thu bói. Thời kỳ trưởng thành, dừa cho thu hoạch quanh năm. Bình quân khoảng 20 ngày cây ra 1 buồng. Mỗi buồng có khoảng 10-15 trái. “Nhiều năm nay, tôi bán sỉ tại vườn với giá 10.000 đồng/trái. Thương lái tự tới vườn chọn, chặt và vận chuyển, chủ nhà chỉ việc đếm trái tính tiền. Thời điểm mùa nắng, nhu cầu thị trường cao, gia đình không đủ cung cấp. Mỗi cây có thể cho thu hoạch 1 triệu đồng/năm” - chị Thảo cho biết.

Xác định được cây trồng phù hợp thổ nhưỡng, gia đình chị Thảo đang mở rộng diện tích trồng dừa. Để đạt hiệu quả cao, chị Thảo cho biết gia đình trồng theo hàng, đắp đất cao quanh gốc. Khu vực trồng được thiết kế rãnh thoát nước, tránh ngập úng. Quá trình chăm sóc, chị dùng hoàn toàn bằng phân hữu cơ ủ hoai mục. Dừa rất ít bị sâu bệnh, nếu có đuông dừa gây hại thì việc phòng trừ cũng không khó, vì thuốc sinh học đặc trị bán phổ biến trên thị trường.

“Trong điều kiện công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển như hiện nay, nông dân có nhiều cơ hội tiếp cận khoa học - kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Tuy nhiên, việc xác định được mô hình kinh tế phù hợp, đồng thời đầu tư phát triển theo hướng đi của riêng mình là điều quan trọng. Thực tế thời gian qua, người dân ồ ạt chuyển đổi sang trồng sầu riêng. Nhiều hộ vì không nắm chắc kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc nên gây tổn thất kinh tế. Do đó, kiên trì theo lối đi riêng của mình, không dao động trước phong trào là bài học quý trong sản xuất nông nghiệp” - bà Nguyễn Thị Phố, Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Đức, huyện Hớn Quản chia sẻ.

Quang Minh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/157964/kien-tri-loi-di-rieng