Kiến nghị công khai danh sách trường ĐH không kê khai tuyển sinh đúng quy định

Theo TS Lê Đông Phương, mức phạt hiện nay với những vi phạm tuyển sinh chỉ bằng học phí một học kỳ nên nhiều trường chọn cách 'lười' và chấp nhận nộp phạt.

Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học công bố đề án tuyển sinh nhưng chưa thực hiện theo đúng hoặc đầy đủ theo quy định của Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT về quy chế tuyển sinh đại học. Theo Điểm a, Khoản 1, Điều 8, Mục 2 của Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, hành vi công bố đề án tuyển sinh không đầy đủ thông tin sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, mức phạt này không đủ răn đe vì hiện vẫn nhiều trường vẫn vi phạm.

Ngày 7/6/2024, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng tải bài viết: "Đề án tuyển sinh ĐH Tài chính- Ngân hàng HN: Hàng loạt thông tin không kê khai" trong đó nêu rõ việc Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội đã không kê khai đầy đủ thông tin theo mẫu quy định của Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT. Cụ thể, nhiều mục quan trọng trong đề án tuyển sinh như tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp, phương thức tuyển sinh hai năm gần nhất, điều kiện đảm bảo chất lượng chỉ dẫn tới trang chủ của trường, không có thông tin chi tiết. Trường cũng không công bố điểm cụ thể của từng phương thức xét tuyển và thiếu thông tin về người kê khai đề án.

Trong mục 3, chương I tại đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội, trường kê khai 3 địa chỉ của trường, trong đó có 1 cơ sở chính và 2 cơ sở đào tạo.

Ảnh: Chụp màn hình

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, cơ sở chính của trường (có địa chỉ tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội) vẫn đang trong thời gian thi công. Hiện sinh viên của trường đang phải học tại 2 cơ sở khác nhau.

Đặc biệt vào tháng 8 năm 2023, Báo Công luận có đưa tin về việc cơ sở chính tại Mê Linh của trường xây dựng không phép. [1] Điều này khiến các chuyên gia lo ngại về chất lượng cơ sở vật chất.

Hình ảnh dự án Trường Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội xây dựng khi chưa có giấy phép. Ảnh: Báo Công luận

Sự mập mờ và thiếu trách nhiệm trong công khai thông tin

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng có ba nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều trường không kê khai đầy đủ thông tin.

Thứ nhất, website của trường có thể đang trong quá trình bảo trì tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài mà không có sự cập nhật, nghĩa là thông tin đang có vấn đề.

Thứ hai, một số trường có thể cố tình giấu thông tin vì các điều kiện đảm bảo chất lượng không được đầy đủ.

Thứ ba, hiện nay cơ quan quản lý ban hành nhiều văn bản quy định, nhưng việc giám sát thực hiện lại chưa thường xuyên, đầy đủ dẫn đến một số trường vẫn cố tình không làm đúng quy định.

"Việc nhiều trường không công khai các thông tin theo quy định cho thấy sự mập mờ về các điều kiện đảm bảo chất lượng. Điều này khiến người học không có đủ căn cứ để theo dõi khi đăng ký xét tuyển vào trường", Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chia sẻ về vấn đề thiếu minh bạch trong công khai thông tin của một số trường, Tiến sĩ Lê Đông Phương, nguyên cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng một phần nguyên nhân khiến một số trường không công bố đầy đủ thông tin là do các biện pháp xử phạt hiện nay chưa đủ quyết liệt. Đồng thời những cơ sở giáo dục đại học ấy nghĩ rằng hàng năm trường vẫn tuyển đủ sinh viên nên việc công khai thông tin là công cần thiết.

“Các cơ quan quản lý chưa thực sự mạnh tay trong việc buộc các trường phải công bố đầy đủ thông tin theo quy định. Mức phạt hiện nay đối với những vi phạm liên quan đến tuyển sinh là quá thấp, chỉ bằng học phí của một học kỳ. Vậy nên nhiều trường chọn cách "lười" và chấp nhận nộp phạt”, Tiến sĩ Lê Đông Phương cho hay.

Cũng theo Tiến sĩ Lê Đông Phương, đến thời điểm hiện tại, hầu hết các sinh viên tiềm năng, nghĩa là những thí sinh đang tìm hiểu thông tin về các trường để nộp hồ sơ, thường không quan tâm đến việc các thông tin phải được công khai.

“Học sinh lớp 12 chủ yếu tìm hiểu về những ngành đào tạo của trường và mức độ cạnh tranh của trường có quá khốc liệt hay không. Đối với những học sinh giỏi, các em có thể coi sự cạnh tranh cao là một tiêu chí để đánh giá trường này có chất lượng tốt. Trong khi đó, những bạn học lực chưa cao thường dựa vào mức độ cạnh tranh để chọn những trường “dễ thở” hơn.

Bản thân phụ huynh và học sinh có lẽ cũng không hoàn toàn hiểu được ý nghĩa của các con số và dữ liệu được công bố, dẫn đến việc họ không thực sự quan tâm hoặc không đủ khả năng để đánh giá đúng những thông tin đó.

Mặc dù các quy định về công khai thông tin được đặt ra nhằm nâng cao ý thức về trách nhiệm xã hội của các trường đối với thí sinh, nhưng có lẽ cần tăng cường việc hướng dẫn phụ huynh và học sinh cách hiểu những thông tin đó, từ đó giúp họ có nhiều cơ sở để lựa chọn trường hơn”, thầy Phương nhận định.

Tiến sĩ Lê Đông Phương, nguyên cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: NVCC

Tác động tiêu cực đến người học và xã hội

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, bày tỏ sự lo ngại khi trường đại học không minh bạch thông tin, đặc biệt là thông tin về số lượng giảng viên. Thậm chí có nơi thông tin có được kê khai đầy đủ, cũng chưa hẳn chính xác.

“Các cơ quan quản lý cần kiểm tra danh sách giảng viên cơ hữu một cách kỹ lưỡng, thậm chí kiểm tra từng trường hợp một về bảo hiểm và mức lương”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng nói.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Theo thầy Dũng, việc không đảm bảo được số lượng và chất lượng của giảng viên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo cho sinh viên.

Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Đông Phương cho biết đối một số trường có hiện tượng trụ sở một nơi nhưng đào tạo lại ở nơi khác. Điều này dẫn đến việc nếu nhìn vào tổng thể con số thì có vẻ ổn, nhưng thực tế lại chưa thật sự đảm bảo chất lượng.

Phụ huynh nếu phát hiện ra điều này, có thể kiến nghị với nhà trường để thực hiện đúng cam kết ban đầu. Nếu không, họ có thể đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện thanh, kiểm tra để xem các trường đó có thực hiện đúng những cam kết xã hội thông qua các thông tin đã công bố hay không.

Ngoài các điều kiện về giảng viên hay cơ sở đào tạo, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cũng cho biết, khi sinh viên nộp học phí, nhà trường phải đảm bảo đầy đủ nghĩa vụ của mình đối với người học. Điều này bao gồm việc đảm bảo chất lượng đào tạo để tăng cơ hội việc làm cho sinh viên, cũng như đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần của sinh viên trong trường.

Biện pháp xử lý và trách nhiệm của cơ quan quản lý

Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, với những trường cố tình không kê khai đầy đủ thông tin, Nhà nước cần có biện pháp xử lý mạnh tay hơn.

"Không kê khai đầy đủ theo quy định tức là đã vi phạm luật pháp, chính vì thế những trường không công bố đầy đủ thông tin cần phải dừng tuyển sinh năm học đó để đảm bảo tính minh bạch và bảo vệ quyền lợi người học", Tiến sĩ Vinh nhấn mạnh.

Cũng theo vị này, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên công khai số lượng các trường không kê khai đúng quy định và cách xử lý của mình.

Đồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng cho rằng hiện nay mức phạt đối với các trường vi phạm còn quá nhẹ.

"Bộ cần phải có biện pháp mạnh mẽ hơn như ngừng tuyển sinh hoặc công khai danh sách vi phạm để răn đe những trường hợp vi phạm để xã hội nắm được", thầy Dũng đề xuất.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.congluan.vn/toan-canh-du-an-truong-dai-hoc-tai-chinh--ngan-hang-ha-noi-xay-dung-khong-phep-post261149.html

Đan Thư

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/kien-nghi-cong-khai-danh-sach-truong-dh-khong-ke-khai-tuyen-sinh-dung-quy-dinh-post243292.gd