Kiểm tra làng nghề tái chế phế liệu: Mừng ít - lo nhiều

Thực hiện Kế hoạch số 106 của UBND tỉnh về kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về môi trường; phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH); quản lý cư trú; hoạt động điện lực và sử dụng điện tại các cụm công nghiệp, làng nghề tái chế phế liệu trên địa bàn tỉnh (Kế hoạch số 106), lực lượng chức năng đã thành lập các đoàn công tác, tiến hành kiểm tra về thực hiện các quy định của pháp luật trong sản xuất và kinh doanh tại 4 làng nghề tái chế phế liệu trong tỉnh. Thời gian kiểm tra chia làm 2 đợt, đợt 1 từ ngày 3/5 - 30/6 và đợt 2 từ ngày 16/7 - 30/9.

Le lói tín hiệu vui...

Kết quả kiểm tra đợt 1 cho thấy, nhiều cơ sở sản xuất trong làng nghề đã thay đổi tư duy sản xuất, chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất và kinh doanh hướng đến sản xuất bền vững.

Thôn Bùi, phường Mỹ Hào hiện nay có gần 60 hộ dân làm nghề sản xuất, tái chế phế liệu. Trước đây, đa số các hộ sản xuất trong thôn không xây dựng hệ thống xử lý nước thải mà xả thẳng ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Cùng với đó là hàng tấn rác thải mỗi ngày chưa được thu gom xử lý.

Ông Nguyễn Văn Tình, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Bùi cho biết: Trước đây, các hộ làm nghề sản xuất, tái chế phế liệu trong thôn ký hợp đồng với Công ty URENCO 11 để vận chuyển, xử lý rác thải nhưng cũng chỉ duy trì được một thời gian do công ty bị quá tải nên không tiếp tục thu gom rác được nữa. Do đó, tình trạng ô nhiễm môi trường trong thôn ngày càng nghiêm trọng. Sau nhiều đợt kiểm tra, tuyên truyền của lực lượng chức năng, một số hộ dân đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, đầu tư trang thiết bị PCCC để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo đảm an toàn sản xuất.

Tổ dân phố Phan Bôi, phường Đường Hào hiện nay có 137 hộ làm nghề tái chế phế liệu. Những năm qua, thông qua công tác kiểm tra và tuyên truyền, một số hộ làm nghề đã đầu tư trang thiết bị PCCC, khắc phục những vi phạm, tồn tại về ô nhiễm môi trường, an toàn lao động...

Đồng chí Phạm Thái Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Đường Hào thông tin: Bên cạnh tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh tại các sơ cở, thời gian tới, với địa giới hành chính được mở rộng, phường sẽ xây dựng kế hoạch quy hoạch khu vực sản xuất tập trung để các cơ sở tái chế phế liệu có điều kiện xây dựng hạ tầng sản xuất đồng bộ, phát huy hiệu quả hoạt động của ngành nghề.

Kiểm tra hệ thống xử lý nước thải của hộ gia đình anh Phạm Văn Thảo, thôn Bùi phường Mỹ Hào tỉnh hưng Yên

Kiểm tra hệ thống xử lý nước thải của hộ gia đình anh Phạm Văn Thảo, thôn Bùi phường Mỹ Hào tỉnh hưng Yên

Và đóng cửa né kiểm tra

Làng nghề tái chế nhựa thôn Minh Khai, xã Như Quỳnh hiện nay có 630 hộ dân làm nghề sản xuất, tái chế phế liệu. Tại đây, nước thải, khói bụi xả trực tiếp ra môi trường, không khí luôn trong tình trạng ngột ngạt, khó thở. Khi biết có đoàn kiểm tra theo Kế hoạch số 106, 80% số hộ làm nghề tại đây đã tạm thời đóng cửa, dừng sản xuất.

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tại làng nghề Minh Khai, xã Như Quỳnh

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tại làng nghề Minh Khai, xã Như Quỳnh

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Sơn, Phó trưởng thôn Minh Khai, việc các hộ dân làm nghề tạm dừng sản xuất khi có lực lượng kiểm tra nhằm mục đích đối phó do không đáp ứng các quy định của pháp luật trong sản xuất và kinh doanh và tránh bị xử phạt.

Còn tại xưởng sản xuất, tái chế phế liệu rộng trên 1 nghìn m2 của anh Phạm Văn Toản ở thôn Bùi, phường Mỹ Hào, tình trạng nguyên liệu sản xuất chất đống, lối đi nhỏ hẹp, hệ thống điện đấu nối chằng chịt không bảo đảm, thiết bị PCCC tại chỗ cũ hỏng, hết hạn sử dụng đã tồn tại từ lâu. Khi biết có kế hoạch kiểm tra tại làng nghề, anh Toản tiến hành đầu tư gần 300 triệu đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải, mua máy bơm, lắp đặt téc nước cứu hỏa.

Các đợt kiểm tra tại làng nghề sản xuất, tái chế phế liệu trong tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của các chủ cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, khi vẫn còn những biểu hiện đối phó thì công tác kiểm tra chưa mang lại hiệu quả lâu dài. Các cơ sở sản xuất và người lao động tại các làng nghề tái chế phế liệu trong tỉnh cần thay đổi tư duy tuân thủ từ bị động sang chủ động, từ đối phó sang thực chất để không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân và cộng đồng.

Việt Chiểu

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kiem-tra-lang-nghe-tai-che-phe-lieu-mung-it-lo-nhieu-3182397.html