Kiểm tra đột xuất để đảm bảo an toàn thực phẩm

Chuyên ngành an toàn thực phẩm được quan tâm, tăng cường kiểm tra, xử lý. Từ đó đạt hiệu quả trong công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm.

Kiểm tra an toàn thực phẩm trước Tết 2024.

Năm 2023, trong 4.643 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố được thanh kiểm tra, thì có 27 cơ sở vi phạm gồm 19 cơ sở ở cấp tỉnh và 8 cơ sở cấp huyện với tổng số tiền phạt hơn 246 triệu đồng. Trong tổng số 27 cơ sở vi phạm có 25 cơ sở vi phạm điều kiện an toàn thực phẩm như điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện trang thiết bị, dụng cụ, điều kiện con người, chiếm tỷ lệ 92,6%; 2 cơ sở vi phạm chỉ tiêu an toàn thực phẩm, chiếm tỷ lệ 7,4%.

Theo đó, 1 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra vào quý 1/2023, với 29 người mắc, không có ca tử vong; tăng 1 vụ so với năm 2022 (không xảy ra ngộ độc thực phẩm). Tỷ lệ ngộ độc thực phẩm năm 2023 là 2,2/100.000 dân. Tỷ lệ người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng có kiến thức đúng về an toàn thực phẩm đạt tỷ lệ 86 - 88%. Riêng tỷ lệ người quản lý có kiến thức đúng về an toàn thực phẩm đạt 95%. Nhìn chung, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong năm 2023 được triển khai hiệu quả, một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Tòng - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết: Các đoàn thanh tra, kiểm tra thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và đúng tiến độ theo kế hoạch đề ra. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra đã kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Qua các đợt thanh kiểm tra, các cơ sở vi phạm về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hiệu lực; sử dụng người trực tiếp sản xuất với thực phẩm không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm. Nền nhà khu vực sản xuất bị rạn nứt; cống rãnh thoát nước thải khu vực cửa hàng, nhà bếp bị ứ đọng, không được che kín. Bên cạnh đó, là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn. Cơ sở sản xuất nước uống đóng chai thuộc diện tự công bố sản phẩm không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Theo bác sĩ Tòng, nhiều cơ sở thực phẩm trên địa bàn tỉnh chủ yếu hình thức sản xuất, kinh doanh mang tính chất hộ gia đình, nhỏ lẻ. Điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị không bảo đảm. Cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố làm thời vụ, không có địa điểm cố định. Vì vậy, công tác quản lý, tuyên truyền, hướng dẫn các quy định pháp luật gặp khó khăn.

Thông qua thanh kiểm tra, là nhằm tăng cường trách nhiệm, năng lực quản lý an toàn thực phẩm để phòng chống ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm đạt hiệu quả. Nâng cao ý thức trách nhiệm, kiến thức, kỹ năng về an toàn thực phẩm của người sản xuất, kinh doanh, chế biến và người tiêu dùng thực phẩm. Đồng thời, cải thiện tình trạng bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống.

Với thông điệp “Bảo đảm an toàn thực phẩm trong Tết Nguyên đán năm 2024” tại tỉnh, đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm sẽ kiểm tra đột xuất những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm... và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/kiem-tra-dot-xuat-de-dam-bao-an-toan-thuc-pham-116085.html