Kiểm soát, xử lý phương tiện vi phạm an toàn giao thông
Không thể phủ nhận những tiện ích của các loại xe ba gác trong đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, phần lớn những xe này không có giấy tờ hợp pháp, thậm chí chủ phương tiện còn độ chế thêm nhiều phụ kiện và tính năng khác phục vụ việc vận chuyển, nhưng không đảm bảo an toàn kỹ thuật, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao. Theo chỉ đạo của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) Bộ Công an và Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước về tăng cường kiểm soát, xử lý xe ôtô Jeep, xe U-oát cũ, xe ba bánh, xe bốn bánh vi phạm trật tự an toàn giao thông, tới đây, những loại xe này không đủ điều kiện nhưng vẫn lưu thông sẽ bị xử lý triệt để.
Xe không giấy, người điều khiển không bằng lái
Ông Lê Xuân Tứ ở phường Tân Thiện, TP. Đồng Xoài gắn bó với nghề chạy xe ba gác gần 30 năm. Sức khỏe tốt, nhiệt tình nên ông có nhiều khách thuê chở đồ. Khi chưa có xe ba gác máy, ông đã nuôi cả gia đình bằng chiếc xe ba gác đạp chân có thùng đẩy phía trước. Từng ngõ ngách của TP. Đồng Xoài, hầu như chỗ nào ông cũng biết. Ông Tứ khẳng định: “Tại thành phố này, có vài trăm người làm nghề chạy xe ba gác máy. Tuy nhiên, phần lớn không có giấy tờ hợp pháp, mỗi xe trị giá khoảng 35-50 triệu đồng tùy loại. Trong khi xe có giấy tờ giá khoảng 200 triệu đồng/chiếc, gần bằng tiền mua ôtô tải. Do vậy, xe có giấy tờ tại Đồng Xoài rất hiếm, chỉ đếm trên đầu ngón tay”.
Không chỉ nhiều xe ba gác không có giấy tờ hợp pháp mà cũng rất ít người điều khiển xe có giấy phép lái xe phù hợp. Nhiều người nhầm tưởng có giấy phép lái xe hạng A1 là điều khiển được các loại xe hai, ba bánh. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, khi điều khiển xe môtô ba bánh và các loại xe tương tự phải có giấy phép lái xe hạng A3.
Thực tế, xe ba gác có rất nhiều tiện ích. Nghề chạy xe ba gác tuy vất vả nhưng có việc làm thường xuyên. Phần lớn những người làm nghề này điều kiện kinh tế khó khăn nên chiếc xe là tài sản chính, là phương tiện để nuôi sống gia đình hằng ngày.
Người dân mong được hỗ trợ kinh phí
Trong quá trình lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền và cho chủ xe ba gác làm cam kết, nhiều người chia sẻ: Quy định của pháp luật thì toàn dân nghiêm chỉnh chấp hành. Tuy nhiên, hiện nay nhiều xe không có giấy tờ và người điều khiển không có bằng lái phù hợp, do vậy tới đây không được phép lưu thông, cuộc sống sẽ gặp khó khăn. Chúng tôi đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi để mua xe có giấy tờ hợp pháp nhằm tiếp tục hành nghề; hỗ trợ kinh phí hoặc có hình thức hỗ trợ khác giúp bà con chuyển nghề phù hợp.
Tuy nhiên, xung quanh việc chạy xe ba gác có rất nhiều điều đáng bàn. Một số người điều khiển phương tiện chạy ẩu, tranh thủ thời gian để thêm chuyến, thậm chí vượt đèn đỏ - hành vi coi thường pháp luật. Không ít trường hợp chở hàng cồng kềnh vượt quá giới hạn của thùng xe, quá trình lưu thông uy hiếp sự an toàn đối với người đi đường. Đã có trường hợp chở cuộn tôn quá dài, lại không có các biện pháp bịt đầu sắc nhọn, gây tai nạn đáng tiếc. Ngoài ra, nhiều chủ phương tiện còn độ chế thêm các bộ phận khác phục vụ việc chở hàng, như cơi nới thành thùng xe, gắn thêm bộ phận quay, tời, dùng bốc xếp hàng lên xe và kích ben đưa hàng xuống để giảm bớt sức người. Những việc làm này không đảm bảo kỹ thuật, dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông.
Thượng tôn pháp luật
Trung tá Nguyễn Tấn Vạn, Trưởng trạm CSGT Đồng Phú, Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: “Trước mắt, chúng tôi triển khai các tổ nghiệp vụ thực hiện tuyên truyền và cho người dân làm cam kết các nội dung: không độ chế, thay đổi hình dáng, kích thước, tính năng kỹ thuật của xe. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải có giấy chứng nhận đăng ký xe, giấy phép lái xe phù hợp, đội mũ bảo hiểm; không xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; không phóng nhanh, vượt ẩu; đã sử dụng rượu, bia thì không tham gia giao thông; chấp hành nghiêm các quy định khác của pháp luật. Sau khi tuyên truyền và cho làm cam kết, mọi trường hợp vi phạm khi phát hiện đều bị xử lý nghiêm”.
Trên cơ sở chỉ đạo của Cục CSGT, Bộ Công an và chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, chúng tôi đã triển khai tới các đội, trạm thuộc đơn vị tổ chức thực hiện công tác điều tra cơ bản tuyến, địa bàn, nắm danh sách số lượng phương tiện không đủ điều kiện đang hoạt động để có biện pháp tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng các phương tiện này tham gia giao thông. Các đơn vị cũng sẽ lập danh sách cơ sở độ chế, sản xuất, lắp ráp trái phép phương tiện giao thông... để đề xuất xử lý theo quy định pháp luật.
Thượng tá PHAN VĂN TẤN, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Bình Phước
Ngoài xe ba gác, trên các tuyến đường thuộc địa bàn TP. Đồng Xoài, thị xã Bình Long, các huyện Hớn Quản, Lộc Ninh vẫn còn các đoàn, hội xe Jeep, xe U-oát cũ hoạt động. Khu vực nông thôn còn xe tự chế ba, bốn bánh, xe công nông hoạt động trái quy định, ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội, gây nguy cơ tai nạn giao thông cao. Tinh thần chỉ đạo của cơ quan chức năng là trong quá trình tuần tra, kiểm soát, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, nếu phát hiện phương tiện tự ý cải tạo, phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả khôi phục lại tình trạng ban đầu của xe. Phương tiện sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông; phương tiện tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy phải áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu phương tiện theo quy định. Đặc biệt, khi phát hiện trường hợp sử dụng giấy phép lái xe, đăng ký xe, giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, biển số xe có dấu hiệu không do cơ quan có thẩm quyền cấp... phải yêu cầu người vi phạm viết tường trình, lập biên bản, tiến hành xác minh, trưng cầu giám định. Nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm phải chuyển hồ sơ vụ việc, tang vật, phương tiện cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để điều tra, xử lý theo quy định.