Kiểm soát chi với quy trình giao dịch điện tử

Kho bạc Nhà nước Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu các đơn vị Kho bạc Nhà nước trực thuộc thực hiện quy trình kiểm soát chi lồng ghép với quy trình giao dịch điện tử trên dịch vụ công trực tuyến.

Là cơ quan thực hiện kiểm soát và cấp phát vốn cho các dự án, công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, Kho bạc Nhà nước Thừa Thiên Huế đang tiếp tục cải cách thủ tục hành chính đảm bảo đơn giản, rõ ràng, minh bạch về hồ sơ, nội dung kiểm soát.

Nhiều giải pháp để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Đoàn Hữu Trung- TTXVN

Nhiều giải pháp để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Đoàn Hữu Trung- TTXVN

Kho bạc Nhà nước Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu các đơn vị Kho bạc Nhà nước trực thuộc thực hiện quy trình kiểm soát chi lồng ghép với quy trình giao dịch điện tử trên dịch vụ công trực tuyến; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án; thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực kho bạc để phục vụ tốt cho các đơn vị giao dịch.

Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước tỉnh cho biết, đã chỉ đạo Phòng Kiểm soát chi và các Kho bạc Nhà nước huyện, thành phố phải cập nhật kịp thời, đầy đủ kế hoạch vốn đầu tư giao năm 2023, kế hoạch vốn kéo dài để chủ động phối hợp với chủ đầu tư giải ngân kịp thời theo tiến độ giải ngân của dự án.

Kho bạc Nhà nước Thừa Thiên Huế đã tiếp tục đẩy mạnh phương thức “thanh toán trước, kiểm soát sau” đối với hợp đồng thanh toán nhiều lần theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực kho bạc nhằm rút ngắn thời gian thanh toán chỉ trong 1 ngày làm việc.

Đặc biệt, để nắm bắt kịp thời tiến độ thực hiện và giải ngân của từng dự án, Kho bạc Nhà nước Thừa Thiên Huế đã yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện nghiêm việc quản lý, báo cáo tình hình tạm ứng vốn đầu tư theo quy định; kịp thời báo cáo UBND các cấp để chỉ đạo, xử lý đối với các chủ đầu tư, các dự án vi phạm chế độ về tạm ứng và thu hồi tạm ứng nhằm nâng cao hiệu quả việc sử dụng vốn đầu tư đúng mục đích, hiệu quả, hạn chế thấp nhất số vốn đầu tư tạm ứng quá thời hạn vẫn chưa thanh toán thu hồi…

Với các giải pháp đã thực hiện, tỉnh Thừa Thiên Huế đang có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt cao hơn mức trung bình của cả nước. Theo kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, Thừa Thiên Huế được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm là 5.578 tỷ đồng. Tính đến thời điểm ngày 12/7, tỷ lệ giải ngân là 2.457 tỷ đồng/5.758 tỷ đồng, đạt 42,7% kế hoạch.

Trong số đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương (vốn trong nước) có tỷ lệ giải ngân đạt 53,44%, đứng thứ 3/63 tỉnh thành; vốn cân đối ngân sách địa phương đạt 39,3%, đứng thứ 21/63 tỉnh thành; vốn ngân sách Trung ương của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giải ngân 92/411 tỷ đồng, đạt 22,5% kế hoạch; vốn ngân sách Trung ương của 3 chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân 88/ 367 tỷ đồng, đạt 24% kế hoạch; vốn ODA giải ngân 224/684 tỷ đồng, đạt 32,7% kế hoạch./.

Thu Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/kiem-soat-chi-voi-quy-trinh-giao-dich-dien-tu/308076.html