Khuyến cáo hữu ích cho người nuôi cua
Ngày 10.5, thông tin từ Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, cua nuôi tại một số huyện như Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển... bị chết rải rác. Tổng diện tích bị ảnh hưởng hơn 12.000ha, mức độ thiệt hại từ 20 - 60%.
Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp, tỉnh Cà Mau phát hiện tình trạng cua nuôi trong vuông bị chết rải rác nhưng mức độ không nghiêm trọng như trước.
Qua phân tích mẫu cua chết, bước đầu nhóm nghiên cứu từ Phân viện Nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu tìm ra tác nhân gây bệnh trên cua, đặc biệt là loại ký sinh trùng giáp xác chân tơ trong xoang thân cua.
Trong thời gian chờ kết quả nghiên cứu từ Phân viện Nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu để có biện pháp phòng trừ dịch bệnh hữu hiệu, Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau đề nghị các đơn vị chuyên môn ở cơ sở theo dõi chặt chẽ tình hình, tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn nhà nông khi phát hiện cua có dấu hiệu mắc bệnh hoặc chết thì phải báo ngay cho lực lượng khuyến nông, thú y cơ sở để kịp thời phối hợp xử lý.
Quá trình nuôi, bà con nông dân được khuyến cáo nên thu hoạch ngay số cua đạt kích cỡ thương phẩm khi có biểu hiện cua mắc bệnh hoặc chết để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Khi phát hiện vuông nuôi có cua chết, nên thu gom lên bờ chôn, xử lý bằng vôi hoặc chlorine, tránh sự phát tán mầm bệnh lây lan cho khu vực xung quanh.
Nên nuôi cắt vụ nuôi, không thả thêm con giống và tiến hành cải tạo vuông nuôi để tránh tình trạng dịch bệnh lặp đi lặp lại kéo dài. Khi đủ điều kiện thả nuôi nên chọn con giống tốt, giống cỡ lớn, chất lượng, không mang mầm bệnh và áp dụng quy trình nuôi tiến tiến, ương, nuôi 2 - 3 giai đoạn, nhằm hạn chế rủi ro.
Bà con nông dân nên thả giống với mật độ vừa phải, không nên thả quá nhiều giống bởi sẽ không đủ thức ăn tự nhiên ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cua, nuôi quảng canh cải tiến kết hợp, thời gian bổ sung giống lần sau từ 2 - 2 tháng rưỡi, với vụ nuôi phụ mật độ thả bằng 1/2 vụ chính. Cần có khu vực thuần dưỡng cua giống riêng biệt để dễ chăm sóc, quản lý giúp cua thích nghi tốt với điều kiện môi trường nước mới, hạn chế bệnh, chủ động cua giống khi thả bổ sung, tăng tỷ lệ sống trong quá trình nuôi.
Đối với vuông nuôi có tôm, cua không bị bệnh, giữ mực nước ổn định trên mặt vuông nuôi đạt từ 50cm trở lên và kết hợp bổ sung giá thể trong vuông nuôi thông qua việc cắm chà (có thể cắm thành từng ụ trong vuông nuôi) với tỷ lệ chiếm khoảng 20 - 25% so với tổng diện tích vuông nuôi nhằm tạo nơi trú ẩn cho cua.
Đối với những vuông nuôi đang có tôm, cua bị bệnh, chết thì tiến hành thu hoạch dứt điểm và không bổ sung con giống vào thời điểm cua chết. Sau đó, rút nước, phơi vuông 5 - 7 ngày, kết hợp bón vôi CaCO3 liều lượng từ 500 - 700 kg/ha để diệt mầm bệnh, tạo lại độ màu mỡ cho đất trước khi lấy nước, xử lý nước và thả lại con giống.
Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học và bổ sung phân hữu cơ 2 lần/tháng để làm sạch đáy ao, hạn chế khí độc, ổn định môi trường nuôi và tạo chuỗi thức ăn tự nhiên cho tôm, cua nhằm tăng sức đề kháng và giảm mầm bệnh trong vuông nuôi…
Cà Mau hiện có hơn 250.000ha nuôi cua, là nơi có diện tích nuôi cua lớn nhất nước, tổng sản lượng ước tính khoảng 25.000 tấn/năm, tổng trị giá khoảng 10.000 tỉ đồng. Đến nay, cua Cà Mau đã lọt vào Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam, đã được cơ quan có thẩm quyền cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý và bảo hộ với hình thức nhãn hiệu tập thể.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/khuyen-cao-huu-ich-cho-nguoi-nuoi-cua-197728.html