Khu bảo tồn nhận sai khi đốn hạ cây rừng
Liên quan bài viết 'Chuyện 'động trời' tại Đồng Nai: Đơn vị bảo tồn rừng lại đi phá rừng?' trên Nhân Dân điện tử, ngày 28-12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, đại diện các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương đã kiểm tra hiện trường vụ phá rừng. Trong khi đó, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn) đã thừa nhận sai khi để rừng tự nhiên bị đốn hạ.
NDĐT - Liên quan bài viết “Chuyện “động trời” tại Đồng Nai: Đơn vị bảo tồn rừng lại đi phá rừng?” trên Nhân Dân điện tử, ngày 28-12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, đại diện các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương đã kiểm tra hiện trường vụ phá rừng. Trong khi đó, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn) đã thừa nhận sai khi để rừng tự nhiên bị đốn hạ.
Tại hiện trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Võ Văn Chánh, cùng đại diện các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương kiểm tra thực tế chung quanh khu vực rừng có 61 cây bị đốn hạ ở đồi 90. Sau khoảng 30 phút kiểm tra, các thành viên trong đoàn rời khỏi hiện trường. Khoảng 15 phút sau, ông Võ Văn Chánh bất ngờ một mình trở lại đồi 90, vào sâu nơi có cây lớn bị đốn hạ, kiểm tra, chụp ảnh.
Bước đầu, ông Chánh khẳng định với phóng viên Nhân Dân điện tử đang tác nghiệp tại đây: “Việc chặt cây rừng không xin phép là vi phạm rồi, còn mức nào phải căn cứ các quy định. Tôi đã yêu cầu các ngành liên quan kiểm tra, rà soát lại xem ở đây dự kiến quy hoạch xây dựng cái gì và căn cứ các quy định pháp luật nào, nếu phát hiện sai sẽ xử lý nghiêm”.
Cũng theo ông Võ Văn Chánh, Đồng Nai lâu nay được biết đến là địa phương làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Do đó, để xảy ra việc đốn hạ gần 1ha rừng hàng chục năm tuổi là điều rất đáng tiếc. “Ở Đồng Nai, quan điểm nhất quán từ năm 1996 đến nay, đã đóng cửa rừng và quản lý nghiêm ngặt rừng. Nhờ đó, tỷ lệ che phủ rừng ở Đồng Nai rất tốt và rừng trên địa bàn tỉnh có đầy đủ ba tầng sinh thái. Vụ việc xảy ra lần này là rất đáng tiếc”.
Trưa cùng ngày, sau nhiều lần Giám đốc Khu bảo tồn Trần Văn Mùi đề nghị gặp phóng viên Nhân Dân điện tử để trao đổi một số thông tin, chúng tôi đã đến tại trụ sở đơn vị ở xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu. Tại đây, ông Mùi giải thích, việc phát dọn dây leo, cây bụi rậm là chủ trương của Khu bảo tồn để phục vụ trồng thí nghiệm cây dược liệu cho kịp thời vụ theo đề tài. Tuy nhiên, quá trình thực hiện do nóng vội đã để xảy ra nhiều cây rừng tự nhiên hàng chục năm tuổi ở khu đồi 90, do đơn vị quản lý bị đốn hạ là điều hết sức đáng tiếc. Với tư cách là người đứng đầu Khu bảo tồn, ông Mùi thừa nhận sai sót và xác định, đây bài học đau xót cho bản thân cũng như đơn vị.
Cũng theo ông Trần Văn Mùi, các cá nhân của đơn vị được giao trực tiếp giám sát dọn dây leo, cây bụi rậm tại khu đồi 90 đã thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến người làm công đã đốn hạ nhiều cây rừng. Tuy nhiên, lý giải này của ông Mùi rất khó thuyết phục công luận. Bởi lẽ, nhiều ý kiến cho rằng, không ai được thuê làm công phát dây leo, bụi rậm lại đi đốn hạ đến 61 cây rừng có đường kính từ 15 đến 60cm trong một thời gian dài. Đề nghị các cơ quan chức năng cần làm sáng tỏ vấn đề này để xử lý đúng người, đúng hành vi vi phạm.
Trước đó, ngày 27-12, Nhân Dân điện tử đã đăng bài “Chuyện “động trời” tại Đồng Nai: Đơn vị bảo tồn rừng lại đi phá rừng?”,phản ánh việc hàng chục cây rừng tự nhiên bị chặt tại khu vực đồi 90, ấp 1, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, thuộc quản lý của Khu bảo tồn. Điều đáng nói, đơn vị chủ trương thực hiện việc này chính là Ban Giám đốc Khu bảo tồn, lấy cớ dọn cây bụi, dây leo, cây tái sinh, thực hiện đề tài trồng thí nghiệm cây dược liệu, khiến dư luận bất bình.
* Sớm làm rõ, xử lý nghiêm vụ phá rừng ở khu bảo tồn tại Đồng Nai* Đồng Nai sẽ kiểm tra khu rừng bị phá ở khu bảo tồn