Không nên mở Tòa Phá sản và Sở hữu trí tuệ ở khu vực

Hiệu suất xét xử Tòa Phá sản và Tòa Sở hữu trí tuệ trong bối cảnh hiện nay vẫn còn thấp. Do đó, chưa nên mở những tòa chuyên trách này tại các Tòa khu vực.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH Hải Dương) nêu quan điểm trên khi cho ý kiến vào dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Sáng 19/5, các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Nhiều ý kiến còn băn khoăn về việc mở quá nhiều Tòa chuyên trách tại Tòa án khu vực.

Không nên mở nhiều nếu hiệu suất còn thấp

Cho ý kiến vào dự thảo, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH Hải Dương) đề nghị cần cân nhắc, xem xét lại việc thành lập các Tòa chuyên trách gồm Tòa Phá sản và Tòa Sở hữu trí tuệ tại một số Tòa án nhân dân khu vực.

Thực tiễn xét xử hiện nay cho thấy, số lượng vụ án trong hai lĩnh vực này là không lớn. Thậm chí, nhiều tỉnh thành phố không phát sinh hai loại án này trong cả năm. “Nếu thành lập tòa chuyên trách về Phá sản và Sở hữu trí tuệ ở các tòa khu vực là không hợp lý. Từ đó sẽ kéo theo việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, biên chế, trong khi hiệu suất xét xử của các tòa này trong bối cảnh hiện nay vẫn còn thấp”, đại biểu Nga nêu ý kiến. Từ đó, đại biểu Nga đề xuất bố trí thẩm phán chuyên trách trong các Tòa Kinh tế hoặc Tòa Dân sự để đảm nhiệm các vụ việc này.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH Trà Vinh) cho rằng, nếu mở rộng quá nhiều tòa chuyên trách mà không tập trung đủ vụ án và thiếu thẩm phán có chuyên môn sâu sẽ dẫn đến kém hiệu quả và tăng chi phí vận hành.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH Hải Dương) cho hay hiệu suất xét xử của Tòa Phá sản và Tòa Sở hữu trí tuệ trong bối cảnh hiện nay vẫn còn thấp.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH Hải Dương) cho hay hiệu suất xét xử của Tòa Phá sản và Tòa Sở hữu trí tuệ trong bối cảnh hiện nay vẫn còn thấp.

Tại Điểm a khoản 2 Điều 4 dự thảo luật quy định: giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân khu vực. Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, việc đưa nội dung này vào dự thảo luật là chưa phù hợp. Bởi quy định thẩm quyền theo lãnh thổ là nội dung của các luật về tố tụng, được quy định trong các Luật Tố tụng theo từng lĩnh vực, như Bộ Luật Tố tụng Hình sự, Luật Tố tụng Dân sự.

“Do đó, việc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định nội dung này sẽ chồng lấn với quy định của Luật Tố tụng. Từ đó, tiềm ẩn nguy cơ mâu thuẫn, không đồng nhất về thẩm quyền xét xử khi áp dụng”, đại biểu phân tích. Do vậy, đại biểu đề xuất nội dung này cần được rà soát và sửa đổi.

Chỉ nên xét các điều kiện về trình độ, năng lực

Về việc đưa ra điều kiện tiêu chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải từ 45 tuổi trở lên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng quy định này chưa hợp lý. Bởi theo đại biểu, độ tuổi không phải là thước đo phản ánh năng lực, phẩm chất hay kinh nghiệm. Hiện trong thực tế có nhiều cán bộ tuy còn trẻ tuổi nhưng có tài năng và bản lĩnh, kinh nghiệm xét xử phong phú. “Do đó, việc giới hạn độ tuổi tối thiểu có thể dẫn đến bỏ xót người có đủ tiêu chuẩn, năng lực”, đại biểu Nga băn khoăn.

Do đó đại biểu đề xuất chỉ nên chú trọng vào các điều kiện về chuyên môn, thời gian công tác, kinh nghiệm xét xử và đạo đức nghề nghiệp. Nhất là trong bối cảnh cả nước đang xem xét sửa đổi Luật Cán bộ công chức, để thu hút người tài vào khu vực công.

Lệ Cẩm

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/khong-nen-mo-toa-pha-san-va-so-huu-tri-tue-o-khu-vuc-331697.htm