Không gian xoay xở của ASEAN

ASEAN không chọn bên. Mỹ được chào đón ở mọi 'ngóc ngách' của ASEAN. Châu Âu, Ấn Độ và Nhật Bản cũng vậy. Sự đa dạng hóa tạo cho chúng ta không gian để xoay xở.

Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 19 tại Lào, ngày 11/10/2024. (Ảnh: Quang Hòa)

Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 19 tại Lào, ngày 11/10/2024. (Ảnh: Quang Hòa)

Khi nước Mỹ “hướng nội”

Nhiều động thái trong những tuần đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây ra không ít xáo trộn. Chúng ta có thể coi hành động của ông Donald Trump là dấu hiệu cho thấy “nước Mỹ đang vĩ đại trở lại”. Cho dù tiếp cận bằng cái nhìn lạc quan hay bi quan về tương lai của nước Mỹ, ông Trump đang thực sự thay đổi môi trường địa chính trị xung quanh ASEAN.

Mỹ “hướng nội” để ứng phó với những thách thức từ bên trong, khi đất nước bị chia rẽ sâu sắc. Bằng nhiều cách, ông Donald Trump đang hành động để đối phó với những ai muốn đi ngược lại quyết sách của chính quyền, quyết tâm cắt giảm thâm hụt ngân sách và can dự vào các nhóm lợi ích, do vậy, rủi ro có thể rất cao và phản ứng trong nước sẽ rất dữ dội. Việc theo dõi những diễn biến bất ngờ trong chính trường Mỹ rất cần thiết bởi sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ASEAN.

Với mục tiêu công khai “Nước Mỹ trên hết”, các tổ chức quốc tế có xu hướng bị coi nhẹ. Chúng ta phải sống chung với điều này. Nếu không có sự lãnh đạo của Mỹ, các tổ chức như WTO và WHO tất yếu trở nên kém hiệu quả hơn. Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris đã làm suy yếu chương trình nghị sự về khí hậu toàn cầu. Ngay cả G20 và APEC cũng ảnh hưởng. Điều chúng ta cần làm là nhấn mạnh hơn vào các cơ chế khu vực, đặc biệt là các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.

Dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump 2.0, Mỹ ưu tiên cho khu vực của mình là Bắc và Trung Mỹ. Các động thái ban đầu của ông Trump gây căng thẳng với Canada và Mexico có thể là những động thái chiến thuật để khẳng định lại sự chi phối của Mỹ.

Mặc dù mong muốn của ông Trump để Canada trở thành tiểu bang thứ 51 của nước Mỹ không thực tế (cá nhân ông biết rõ điều này), nhưng ông đã thành công trong việc buộc Canada và Mexico phải hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ về ma túy, kiểm soát biên giới, sản xuất và năng lượng. Việc đổi tên Vịnh Mexico thành Vịnh Mỹ không phải là bất chợt mà là tín hiệu của một chiến lược nghiêm túc.

Chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tới Trung Mỹ cũng là một phần của chiến lược này. Washington không nhất thiết phải tiếp quản Panama vì vốn dĩ chính phủ Panama khó có thể phớt lờ mong muốn của Mỹ. Cuba là “cái gai trong mắt” Mỹ mà ông Rubio, người Mỹ gốc Cuba, có thể giúp giảm căng thẳng trong nhiệm kỳ của mình. Ông Trump muốn đưa cả Nam Mỹ vào “tầm ngắm” nhưng điều này không dễ đạt được trong ngắn hạn.

Cục diện đổi thay

Bằng cách tập trung vào lợi ích của nước Mỹ, ông Trump đẩy nhanh quá trình “kết tinh” một thế giới đa cực. Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) chất chứa nhiều toan tính “tiền bạc”. Các nước châu Âu vẫn “choáng váng” trước yêu cầu mua lại Greenland. Tổng thống thứ 47 của Mỹ muốn sở hữu Greenland (vốn không phụ thuộc vào sự hợp tác của châu Âu và nằm ngoài NATO) để có thể phát triển mái vòm sắt chống lại tên lửa đạn đạo từ Nga và Trung Quốc.

Chính quyền của ông Trump cũng đe dọa tăng áp đặt mức thuế quan đối với châu Âu, vốn đang phải chịu giá năng lượng rất cao. Châu Âu đang trải qua một giai đoạn khó khăn và sẽ phải tìm chỗ đứng độc lập hơn với Mỹ, đồng thời có cách tiếp cận thực tế hơn trong mối quan hệ với Nga và Trung Quốc. Chúng ta có thể mong đợi sự quan tâm lớn hơn của châu Âu đối với ASEAN trong những năm tới và ASEAN nên hoan nghênh điều đó.

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Singapore George Yeo. (Ảnh: NVCC)

Ông George Yeo là nhà ngoại giao nổi tiếng của Singapore, có những đóng góp đáng kể cho chính sách đối ngoại và ngoại giao khu vực của Singapore. Ông từng giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao Singapore (2004-2011) và các vai trò Bộ trưởng Thương mại và công nghiệp, Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Thông tin và nghệ thuật. Ông là nhà nghiên cứu nổi tiếng thế giới về địa chính trị châu Á, Trung Quốc và tương lai Đông Nam Á.

Tổng thống Mỹ rất muốn đạt thỏa thuận với Tổng thống Nga Putin về Ukraine ở “thế trên”. Do đó, phương pháp của ông Trump trước tiên là đe dọa và leo thang. Với cuộc xung đột này, khả năng sẽ có lệnh ngừng bắn trong vòng 1-2 năm nhưng rất khó đàm phán một thỏa thuận hòa bình. Bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây, vị thế của Nga như một cường quốc toàn cầu theo đúng nghĩa đã được củng cố. Bởi vì chính sách của Mỹ có thể thay đổi từ chính quyền này sang chính quyền khác, Nga sẽ cảnh giác với các tính toán của Mỹ trong dài hạn và tiếp tục duy trì mối quan hệ chiến lược chặt chẽ với Trung Quốc trong ngắn hạn.

Trong ASEAN, mối quan tâm lớn nhất của chúng ta hiện nay là cặp quan hệ Mỹ - Trung. Căng thẳng thương mại giữa hai nước đã tác động tới ASEAN. Không muốn ở trong “làn đạn”, nhiều công ty, bao gồm các công ty Mỹ và Trung Quốc, đã chuyển nhà máy và hoạt động sang Đông Nam Á. Tuy nhiên, chúng ta đang chịu áp lực chọn bên ngày càng tăng.

Trung Quốc tuyên bố một cách tinh tế rằng họ không tìm kiếm vị thế độc quyền ở ASEAN. Mỹ gửi thông điệp tương tự nhưng theo cách của riêng mình. Nếu cuộc chiến thương mại toàn diện nổ ra, ASEAN sẽ tổn thương. Các bức tường thuế quan cao được dựng lên để phục hồi sản xuất tại Mỹ có thể dẫn đến dòng vốn đầu tư chảy ra khỏi Đông Nam Á qua Thái Bình Dương.

Các yêu sách hàng hải chồng chéo ở Biển Đông có thể phá vỡ hòa bình trong khu vực của chúng ta. Một số nước ASEAN muốn Washington ở gần để củng cố vị thế đàm phán đối với Trung Quốc nhưng không quá gần để làm phức tạp mối quan hệ với Bắc Kinh. Khi cố gắng tận dụng Mỹ để đối trọng với Trung Quốc có thể dẫn đến nguy cơ ASEAN trở thành nhân tố trên bàn cờ và mất đi quyền tự chủ.

Do đó, việc đạt được tiến triển trong Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc vô cùng quan trọng. Chúng ta phải làm việc trên cơ sở hợp tác cùng có lợi và xây dựng chương trình nghị sự tích cực cho vấn đề Biển Đông.

Phát huy “đặc tính” trung lập

Thêm vào đó, hiện nay, ASEAN chịu tác động bởi sự phát triển của Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc sẽ lớn hơn đáng kể so với Mỹ vào giữa thế kỷ này. Thương mại song phương hàng năm của ASEAN với Trung Quốc đang đạt khoảng 1 nghìn tỷ USD và tiếp tục tăng. Đầu tư của Trung Quốc đang đóng vai trò ngày càng lớn ở mọi quốc gia ASEAN. Trung Quốc đang giúp xây dựng phần lớn cơ sở hạ tầng của ASEAN. Do vậy, Trung Quốc của thế kỷ XXI có thể giúp ASEAN phát triển lên vị trí hàng đầu thế giới.

Mối quan hệ chiến lược của ASEAN với Trung Quốc có ý nghĩa rất quan trọng. Vì lợi ích của chính mình, ASEAN muốn tăng cường mối liên kết với Trung Quốc nhưng không muốn phụ thuộc vào Bắc Kinh. Đông Nam Á có “đặc tính” là trung lập và cởi mở với mọi đối tác. Điều này bắt nguồn từ lịch sử và văn hóa của chúng ta.

Với “đặc tính” này, ASEAN khó tránh khỏi căng thẳng chiến lược trong mối quan hệ với Trung Quốc, do đó, đòi hỏi phải có sự tinh tế trong ứng xử. ASEAN không chọn bên. Mỹ được chào đón ở mọi “ngóc ngách”. Châu Âu, Ấn Độ và Nhật Bản cũng vậy. Sự đa dạng hóa tạo cho chúng ta không gian để xoay xở.

ASEAN chỉ có thể duy trì được vị trí tốt như vậy nếu chúng ta đoàn kết. Vì vậy, phải đặc biệt chú ý đến sự kết nối và hội nhập nội bộ. ASEAN phải giúp người dân Myanmar hòa giải, những vết thương tự gây ra đã “mưng mủ” quá lâu. ASEAN cung cấp nền tảng quan trọng để các cường quốc trong khu vực, kể cả những cường quốc “xung khắc” nhau, gặp gỡ thường xuyên và một cách chính thức, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.

ASEAN biết giới hạn của mình, chúng ta không phải là “siêu cường”. Đóng góp lớn nhất của ASEAN cho khu vực hơn hết là vai trò kiến tạo hòa bình.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Trong một bài bình luận trên Báo Thế giới và Việt Nam, ông Kavi Chongkittavorn (Thái Lan), chuyên gia ASEAN hàng đầu của khu vực nhấn mạnh: Cách tốt nhất để ASEAN giải quyết các vấn đề xuyên biên giới này là duy trì sự đoàn kết, đặc biệt là trong quan hệ với các đối tác, bao gồm EU, ASEAN+3 và Nam bán cầu. Mặc dù mục tiêu vẫn là hội nhập ASEAN liền mạch, nhưng sự hỗ trợ từ các đối tác đối thoại cũng quan trọng không kém trong việc đạt được các mục tiêu khu vực. Điều này “nói dễ hơn làm”. Tuy nhiên, ASEAN đã chứng minh rằng, bất chấp sự đa dạng và quan điểm khác nhau, sự đồng thuận vẫn là nguyên tắc cơ bản. Một ASEAN ổn định và thịnh vượng là tài sản cho phát triển kinh tế và hòa bình toàn cầu.

George Yeo

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khong-gian-xoay-xo-cua-asean-304976.html