Không để tình trạng thông tư thiếu minh bạch đẩy doanh nghiệp vào nguy cơ 'lúc nào cũng sai'
Điểm nghẽn của dòng chảy pháp luật kinh doanh nằm ở việc thông tư, văn bản thiếu khả năng tiên lượng vấn đề khiến doanh nghiệp dễ vướng vào nguy cơ sai phạm, theo nhận định của nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung.
Hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh là “dòng chảy” bền bỉ mà Nhà nước đang thực hiện để cải cách thể chế chính sách. Trong đó, chất lượng của thông tư, công văn hiện được đánh giá là đã có những cải thiện tích cực nhưng còn tồn tại những vướng mắc có thể trở thành rào cản, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Tại buổi công bố Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021 ngày 29/3, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, năm vừa qua là năm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa mới. Đồng thời, cũng là giai đoạn diễn ra đỉnh dịch Covid-19, hoạt động xây dựng luật cũng đang trong giai đoạn "chuyển tiếp" với số lượng luật và đề xuất xây dựng luật mà VCCI nhận được đề nghị góp ý lần đầu tăng khá cao.
Những dòng chảy tích cực
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, nhận định Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2021 là nguồn thông tin hữu ích cho cả doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Qua báo cáo, các cơ quan quản lý nhà nước nhận biết được quan điểm của doanh nghiệp đối với các chính sách soạn thảo, làm nguồn tham khảo cho các hoạt động soạn chính sách kế tiếp.
Hai chủ đề của báo cáo năm nay là chất lượng của thông tư, công văn và không gian thử nghiệm pháp lý Sandbox.
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, trong nhiều năm trở lại đây, Nhà nước luôn chú trọng cải cách thể chế, cải cách môi trường kinh doanh. Nhiều chương trình rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính đã được tiến hành.
Năm 2021 cũng đã thúc đẩy mạnh mẽ việc thực thi Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ năm 2020 về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Trong khi Chính phủ đang có nhiều chương trình cải cách thể chế mạnh mẽ, mong muốn nâng cấp môi trường kinh doanh của Việt Nam lên nhóm đầu khu vực thì đâu đó vẫn đang có tình trạng văn bản được ban hành tạo ra rào cản, là gánh nặng mới cho doanh nghiệp.
Đảm bảo tính đồng bộ, tính bền vững trong chính sách là yêu cầu cần thiết cho hoạt động xây dựng chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh trong giai đoạn tới..
Những điểm còn tồn tại
Bên cạnh những mặt tích cực được ghi nhận, báo cáo đã chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại trong thông tư, công văn là hai dạng văn bản liên quan sát sườn đến hoạt động của doanh nghiệp.
Theo VCCI, một số quy định tại thông tư vẫn còn tình trạng chưa rõ ràng, thiếu thống nhất, chưa hợp lý và khả thi. Những quy định này tưởng là “nhỏ” nhưng do liên quan đến hoạt động hàng ngày, thường xuyên của doanh nghiệp, nên trở thành rào cản, gây khó khăn đáng kể.
Báo cáo cũng chỉ ra những vấn đề bất cập có thể gặp của dạng thức công văn như nội dung chưa rõ ràng, chính xác, thiếu thống nhất trong áp dụng quy định pháp luật giữa các cơ quan thực thi, hay nội dung của công văn không đủ tin cậy. Theo ông Đậu Anh Tuấn, đây là những rủi ro tác động rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp và đặt ra tính chịu trách nhiệm của các cơ quan ban hành dạng văn bản này.
Ông Đậu Anh Tuấn nêu ra một nghịch lý, trong khi Chính phủ thúc đẩy hoạt động cải cách, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua đơn giản hóa, cắt bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, thì một số chính sách đề xuất soạn thảo mới trong năm 2021 lại có xu hướng gia tăng thêm điều kiện kinh doanh.
Đưa ra góc nhìn về thực trạng này, ông Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nêu ý kiến, trong một thời gian nữa thông tư vẫn tiếp tục là một công cụ pháp lý chủ yếu để điều chỉnh hoạt động các doanh nghiệp nói chung và các chủ thể nói riêng. Tuy nhiên, theo ông chất lượng thông tư đang là một vấn đề đáng bàn.
Việt Nam có 3 nhánh hành pháp, lập pháp, tư pháp. “Nhưng khi sửa một luật thì không sửa gì hết mà nghị định sửa, để dư địa tùy ý áp dụng, tùy ý giải thích là rất lớn”, ông Cung phản ánh.
Ông Nguyễn Đình Cung:
Cái đáng lo lắng là tính ‘khó tiên lượng trước được’ của một số chính sách, có thể đẩy doanh nghiệp vào nguy cơ lúc nào cũng có thể sai. Môi trường kinh doanh cần có 3 từ khóa: Tự do, an toàn, chi phí thấp. Với cách làm hiện nay, người kinh doanh không có công cụ bảo vệ lợi ích của chính mình. Khi nào có được công cụ này thì luật pháp mới hoàn thiện được.
Để trang bị công cụ cho các doanh nghiệp, ông Cung nhắc đến việc cần có quy định để người kinh doanh có quyền khởi kiện công văn hành chính, khởi kiện thông tư, nghị định tránh tình trạng ban hành thông tư "tùy ý của một nhóm nào đấy theo ý chủ quan mà không phải phục vụ quản lý của Nhà nước".
Đồng quan điểm với ông Cung, bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế cao cấp, nhấn mạnh đâu đó vẫn có những thông tư là điển hình của sự chưa minh bạch, thiếu thống nhất, thiếu ổn định và công khai.
Bà Phạm Chi Lan:
“Có những thông tư, nay thế này mai thế khác, đôi khi thay đổi rất nhanh mà không xuất phát từ sự yêu cầu hợp lý. Thiếu đồng bộ giữa Bộ này với Bộ khác, thiếu khả thi, ngay cả trong chính Bộ đưa ra thông tư cũng không thực hiện được, thiếu sự tiên lượng và nhiều khi là thiếu trách nhiệm giải trình”.
Theo bà Lan, nguyên nhân khiến chất lượng văn bản đưa ra không cao vì người soạn thảo làm mà không phải tính đến trách nhiệm. Nếu không sớm thay đổi thực trạng này sẽ trở thành điểm nghẽn của môi trường kinh doanh.
Bên cạnh những điểm còn cần cải thiện, bà Phạm Chi Lan cũng nhận định, điều đáng mừng của năm 2021 là khả năng thích ứng của Chính phủ và doanh nghiệp khá tốt trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, nhiều biến động. Từ đó thấy được bài học của dòng chảy pháp luật 2021 là cần rút kinh nghiệm, điều chỉnh lại những văn bản, thông tư cũ cho phù hợp, thích ứng với tình hình mới, giúp đỡ doanh nghiệp và người dân.
Lấy ví dụ về trường hợp Công văn 632 yêu cầu xác minh khách hàng nước ngoài của Tổng cục Thuế đang đe dọa hoạt động kinh doanh của cả ngành sắn, Luật sư Trương Thanh Đức phân tích, câu chuyện hợp đồng giao dịch của ngành sắn, doanh nghiệp hai nước Trung Quốc – Việt Nam thông qua Hải quan bao nhiêu năm nay diễn ra như vậy.
“Bộ Tài chính lại căn cứ vào lời cung cấp của các doanh nghiệp Trung Quốc để xử phạt, không cho các doanh nghiệp sắn Việt Nam được hoàn thuế trong khi họ vẫn có đầy đủ chứng từ với Hải quan. Cách tiếp cận này mà áp dụng sang các ngành khác sẽ tạo ra tác động tiêu cực lớn”.
Luật sư Trương Thanh Đức
Kiến nghị khơi thông dòng chảy pháp luật trong kinh doanh
Để khắc phục những vướng mắc hiện tại của các thông tư, công văn ban hành, Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021 của VCCI đưa ra một số kiến nghị.
Báo cáo nhấn mạnh yêu cầu kiểm soát việc ban hành điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính ở các thông tư.
Để minh bạch hơn nữa về quy trình xây dựng thông tư, theo ông Đậu Anh Tuấn, cần phải minh bạch hơn nữa quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt ở các khâu lấy ý kiến (công khai biên bản dự thảo cuối cùng để doanh nghiệp nhận biết); khâu giải trình tiếp thu (công khai bản giải trình tiếp thu của các bộ).
Việc thống nhất tiêu chí về điều kiện kinh doanh cũng là một trong những giải pháp mà VCCI cho rằng cần thiết. Đây chính là cơ sở để cơ quan chủ trì soạn thảo nhận biết được các dạng quy định được phép quy định hay không và cũng là cơ sở để các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức khác giám sát việc thực thi của cơ quan soạn chính sách.
Và cuối cùng, theo ông Đậu Anh Tuấn, là cần có sự minh bạch về quy trình tiếp nhận phản ánh vướng mắc của doanh nghiệp. Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021 cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của thông tin về xử lý phản ánh của doanh nghiệp trong các đợt rà soát văn bản quy phạm pháp luật.