Không cho chè 'ngủ đông'

Với diện tích chè lớn nhất tỉnh (trên 6.500ha), trong đó có 1.600ha vụ đông, cây chè ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong việc góp phần thúc đẩy kinh tế của huyện Đại Từ phát triển. Nhiều năm qua, nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cùng với hệ thống thủy lợi từng bước được đầu tư đồng bộ, không chỉ đáp ứng nhu cầu chăm sóc các lứa chè chính vụ mà còn giúp nhiều hộ dân trong huyện sản xuất được chè vụ đông, từ đó nâng cao thu nhập, đời sống...

Người dân xã Tiên Hội (Đại Từ) thu hái chè vụ đông, với giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với sản xuất chè chính vụ.

Người dân xã Tiên Hội (Đại Từ) thu hái chè vụ đông, với giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với sản xuất chè chính vụ.

Nước tưới là yếu tố quan trọng nhất

Chè vụ đông có giá bán cao gấp 2-3 lần so với chính vụ. Lợi ích quá rõ ràng nhưng không phải hộ nào cũng sản xuất được, bởi yếu tố quan trọng nhất là phải đảm bảo nước tưới. Hiện nay, cả 29 xã, thị trấn của huyện Đại Từ đều làm chè vụ đông, nhưng chỉ hơn 10 xã, thị trấn có diện tích chè vụ đông lớn, như: Quân Chu 130ha, Phú Lạc 115ha, Tân Linh 150ha, La Bằng 130ha, Hoàng Nông 105ha… Những xã còn lại diện tích chè vụ đông chỉ 10-20ha.

Nước được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu trong sản xuất chè vụ đông. Đơn cử như gia đình anh Nông Văn Minh, ở xóm Vân Long, thị trấn Hùng Sơn, từng có 4 sào chè bị chết do thiếu nước. Lúc đó, do thiếu kinh nghiệm, anh chưa chủ động được nguồn nước tưới nhưng đã mở rộng diện tích trồng chè lên gần 1ha và làm 3 sào chè vụ đông.

Anh Nguyễn Đình Hoạch (chủ hộ có diện tích chè lớn nhất xóm 10, xã Tân Linh và có nhiều kinh nghiệm về sản xuất chè vụ đông): Gia đình tôi có hơn 1 mẫu chè, nhưng chỉ có 7 sào chè được thu hoạch trong vụ đông, bởi lứa chè này yêu cầu nước tưới rất khắt khe. Để cây chè cho thu hái, gia đình tôi đã chi gần trăm triệu đồng để đào ao tích nước.

Chị Bùi Thị Nhung, ở xóm Tiên Trường 1, xã Tiên Hội, cũng là người có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất chè vụ đông, chia sẻ: Quan trọng nhất là bà con cần tưới đủ nước, còn lượng phân bón lại không cần nhiều, thậm chí còn phải giảm bón các loại phân đạm, kali so với làm chè chính vụ. Đặc biệt, trong những ngày trời rét đậm, rét hại, buổi sáng bà con nên tưới nước để rửa trôi sương muối, hạn chế cây bị táp lá; đồng thời kết hợp làm sạch cỏ, xới đất tơi xốp giữa hai hàng chè, rải cây, cỏ khô để giữ ẩm cho cây chè...

Đưa nước lên đỉnh đồi chè

Ông Nguyễn Tiến Đắc, ở xóm 10, xã Tân Linh, đưa chúng tôi ngược dốc lên tận đỉnh đồi chè của xóm để tham quan bể trữ nước mới được xây dựng, chuẩn bị đưa vào sử dụng. Ông Đắc phấn khởi nói: Gia đình tôi có hơn 3 mẫu chè, nhưng sản xuất chè vụ đông chỉ có vài sào. Nay bể nước lớn được xây dựng trên đỉnh đồi, chúng tôi hy vọng sau khi địa phượng nghiệm thu, đưa vào sử dụng, bà con làm chè sẽ có thêm cơ hội mở rộng diện tích chè vụ đông, tăng thêm thu nhập. Bởi nếu như chè chính vụ chỉ có giá trên dưới 20 nghìn đồng/kg búp tươi thì chè vụ đông lên tới 30-35nghìn đồng/kg, có gia đình làm chất lượng tốt còn bán được giá trên 50 nghìn đồng/kg búp tươi.

Một góc vùng chè xã Tân Linh (Đại Từ).

Một góc vùng chè xã Tân Linh (Đại Từ).

Bể chứa nước là một trong những hạng mục thuộc Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng sản xuất chè tập trung, an toàn, chất lượng tỉnh Thái Nguyên, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai trên địa bàn 2 xã Tân Linh và La Bằng với tổng số vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng… 5 bể chứa nước đều được xây dựng trên đỉnh những đồi chè xóm 10, xóm 12 để thuận tiện cung cấp nước tưới nước cho cả một vùng chè rộng lớn hơn 100ha.

Để phục vụ bà con sản xuất chè vụ đông, huyện Đại Từ đã triển khai xây dựng 4 hồ chứa nước tưới chè, gồm: Đèo My (xã Minh Tiến), Ao Mật (xã Hoàng Nông), Nước Đục (xã Phú Lạc) và hồ Vai Cái (xã Văn Yên); thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống công trình cụm hồ tưới chè các xã Tiên Hội, Văn Yên, Lục Ba, Đức Lương, Tân Linh và cụm hồ tưới chè các xã Bình Thuận, Cát Nê, Na Mao. Hiện nay, toàn huyện có 1.500ha chè đã lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước…

Đặc điểm của chè vụ đông là ít bị sâu bệnh, không phải sử dụng nhiều phân bón, chất lượng sản phẩm lại tốt, vị đậm và thơm ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu thụ chè rất lớn nên giá bán thường cao hơn chè chính vụ từ 2-3 lần.

Ông Dương Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ: Huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo nhân dân đầu tư thực hiện ứng dụng công nghệ lắp đặt hệ thống tưới chè tiết kiệm, hệ thống tưới chè đơn giản để sản xuất, thâm canh chè, đặc biệt diện tích chè vụ đông. Đồng thời, tăng cường huy động đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương, tỉnh và hỗ trợ từ ngân sách huyện để tiếp tục xây dựng các hồ thủy lợi vùng đồi và đập nhỏ phục vụ tưới chè, tạo nguồn sinh thủy cải tạo đồi chè, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái nông thôn để phát triển bền vững...

Hải Đăng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202411/khong-cho-che-ngu-dong-d231c53/