Khơi thông, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước

Những năm qua, trước bối cảnh suy thoái toàn cầu, thị trường nội địa trở thành cơ sở cho tăng trưởng bền vững của nền kinh tế và được coi là điểm tựa của hệ thống doanh nghiệp, sản phẩm, hàng hóa trong nước, có tác động mạnh mẽ tới động lực tăng trưởng.

Thị trường trong nước – điểm tựa quan trọng trong phát triển kinh tế

Xuyên suốt tiến trình phát triển đất nước, việc phát triển thị trường nội địa thông qua chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, sử dụng hiệu quả nguồn lực và tận dụng tối đa thành tựu từ hội nhập và khoa học kỹ thuật đã được quán triệt tại nhiều văn kiện của Đảng.

Trong đó, Văn kiện Đại hội XI của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 xác định: Phát triển thị trường trong nước là một trong những định hướng ưu tiên trong mô hình tăng trưởng kinh tế với quan điểm đặt ra là “Phát triển lực lượng doanh nghiệp trong nước với nhiều thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh cao để làm chủ thị trường trong nước, mở rộng thị trường ngoài nước, góp phần bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế”.

Tại Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã nêu rõ phương hướng phát triển thị trường trong nước giai đoạn 2016 - 2020: “Phát triển đồng bộ hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ. Chú trọng phát triển thương mại điện tử và xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam. Tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất, phân phối, các hiệp hội và cơ quan quản lý để phát triển mạnh thị trường trong và ngoài nước. Chủ động tham gia vào mạng phân phối toàn cầu”.

Thông báo kết luận số 264-TB/TW, ngày 31.7.2009, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm mục đích phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; tại Kết luận số 107-KL/TW, ngày 10.4.2015, Ban Bí thư tiếp tục yêu cầu đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm phát huy lòng yêu nước, ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc của người Việt Nam trong sản xuất, phân phối và tiêu dùng hàng Việt Nam, góp phần giữ vững ổn định sản xuất, bảo đảm sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của đất nước.

 Xây dựng thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

Xây dựng thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

Ngoài ra, Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16.5.2016, của Chính phủ, “Về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020”, đặt ra nhiệm vụ “xây dựng Đề án tổ chức lại thị trường trong nước” và “đẩy mạnh Chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Nhằm thực hiện hiệu quả những chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước đề ra, Bộ Công Thương đã tập trung tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về phát triển thị trường trong nước, trong đó có nhiều chính sách về hoàn thiện thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phân phối, khuyến khích tiêu dùng... đã được ban hành và triển khai tích cực, tạo thêm nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, từng bước mở rộng thị trường.

Tiếp tục thúc đẩy, phát huy vai trò của thị trường trong nước

Theo một số chuyên gia kinh tế, năng lực phản ứng của thị trường trong nước thời gian qua vẫn còn hạn chế trước những biến động tiêu cực của thị trường thế giới. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay xuất hiện nhiều loại hàng hóa nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ,..

Để đảm bảo cho thị trường phân phối hàng hóa trong nước, Bộ Công thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg, ngày 29.3.2023, “Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025”, nhằm thay đổi nhận thức của người dân cũng như bảo vệ thị trường phân phối hàng hóa nội địa, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Với mục tiêu tiếp tục xây dựng và phát huy hơn nữa vai trò của thị trường trong nước, một số đại biểu Quốc hội cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng khung khổ pháp luật, chính sách, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho đầu tư, kinh doanh trên thị trường trong nước, thiết lập trật tự thị trường để thích ứng với bối cảnh, tình hình mới.

 Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các chính sách nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa. Ảnh: PV

Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các chính sách nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa. Ảnh: PV

Cùng với đó, triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các đề án, chương trình khai thác thị trường trong nước, cụ thể: Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 386/QĐ-TTg, ngày 17.3.2021 “Phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025”; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 1162/QĐ-TTg, ngày 13.7.2021; Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 194/QĐ-TTg, ngày 9.2.2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, triển khai hiệu quả giải pháp về “Gia tăng cầu tiêu dùng cuối cùng trong nước, phát triển doanh nghiệp phân phối, gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa” được xác định tại Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 19.5.2021, của Ban Bí thư, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới”.

Quán triệt những chủ trương của Đảng, nhà nước về phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã xây dựng Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1163/QĐ-TTg, ngày 13.7.2021. Chiến lược đặt mục tiêu phấn đấu giá trị tăng thêm thương mại trong nước giai đoạn từ nay đến năm 2030 tăng bình quân khoảng 9 - 9,5%/năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 13 - 13,5%/năm và đặc biệt nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm tiêu thụ - đầu ra cho hàng hóa, sản phẩm thương hiệu của Việt Nam trên cơ sở phát huy nội lực, tiềm năng và dư địa phát triển của thị trường trong nước.

Với những quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách để tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò của thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường sức cạnh tranh của sản phẩm nội địa, góp đưa những sản phẩm Việt đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước.

Anh Việt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/khoi-thong-thuc-day-phat-trien-manh-me-thi-truong-trong-nuoc-post394342.html