Khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước qua những thước phim lịch sử

Một buổi chiếu phim đề tài cách mạng tại rạp Hưng Đạo. Ảnh: THIÊN LÝ

Đợt phim kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam do Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh tổ chức là một hoạt động thiết thực, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử văn hóa của dân tộc và phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ.

Trong những ngày qua, rạp chiếu phim Hưng Đạo (TP Tuy Hòa), nơi tổ chức đợt phim kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 luôn thu hút đông đảo khán giả. Mỗi ngày 2 suất chiếu vào 8 giờ và 14 giờ, suất nào cũng đông người xem.

Những bộ phim ý nghĩa

Một trong những bộ phim thu hút khán giả là Những người viết huyền thoại. Đây là bộ phim dựa trên nguyên mẫu tướng Đinh Đức Thiện và những người đi tiền trạm xây dựng đường ống xăng dầu của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng. Bộ phim xoay quanh câu chuyện đầy bi tráng về việc lắp đặt đường ống dẫn dầu dài 5.000km xuyên Trường Sơn trong những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1968-1969). Đi suốt từ Bắc vào Nam, qua những tọa độ chết khủng khiếp nhất của cuộc chiến là biết bao tuổi thanh xuân tươi đẹp, là Hà, là Đức, là Mai… hồn nhiên yêu đời, là Nghĩa dũng mãnh như một chiến binh… Và bên cạnh đường ống dẫn dầu huyền thoại ấy là rất nhiều con người anh dũng khác đã ngã xuống, máu của họ hòa vào đất vào nước của đại ngàn Trường Sơn để đường ống dẫn dầu được hoàn thành, nối dài mãi vào chiến trường, đưa những đoàn quân ra trận...

Không chỉ Những người viết huyền thoại, 2 phim truyện: Con đường có mặt trời Chờ em đến ngày mai cũng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem. Cùng với đó, khán giả cũng được thưởng thức những thước phim ý nghĩa của điện ảnh cách mạng Việt Nam như: Những bước đi ngoại giao và một cuộc chiến không mong muốn (Hồ Chí Minh năm 1946 - phần 2), GS Tạ Quang Bửu - Nhà khoa học yêu nước, Những người giữ hồn đất (phim tài liệu); Những ca khúc cách mạng và Phú Yên (phim ca nhạc). Các bộ phim đã giúp khán giả cảm nhận rõ hơn về một thời gian khó, hy sinh nhưng rất đỗi vinh quang, hào hùng của dân tộc và về những người lính Cụ Hồ.

Ông Lê Trung Hiền, Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh, cho biết: “Những bộ phim được trình chiếu trong đợt lễ này giúp khán giả, nhất là các bạn trẻ có được cái nhìn bao quát sinh động về những chiến công hiển hách, sự hy sinh to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và những giá trị thiêng liêng đã được lịch sử xác lập... Không chỉ dừng ở việc phản ánh hiện thực một cách đơn thuần, những bộ phim đó còn giúp người xem có được nhận thức sâu rộng về sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hơn hết, các bộ phim đã truyền tải một cách hiệu quả, sáng rõ thông điệp về vai trò sức mạnh của dân tộc đã đưa cách mạng Việt Nam và dân tộc ta đến những mốc son chói lọi”.

Giáo dục truyền thống

Cũng như hàng trăm học sinh có mặt tại buổi chiếu phim do Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh tổ chức, em Nguyễn Hoàng Nam, học sinh lớp 7B, Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Tuy Hòa) rất háo hức. Hoàng Nam chia sẻ: “Xem phim giúp em có những hiểu biết sâu sắc hơn về thời chiến. Ở đó, em thấy được tình yêu chung thủy, sắt son, không màng danh lợi, vật chất; những thanh niên có lý tưởng sống, không sợ hy sinh, không sợ gian khổ, sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do của dân tộc... Những hình ảnh ấy khiến em không khỏi xúc động và biết ơn các lớp cha anh đi trước đã hy sinh tuổi trẻ, tính mạng cho con cháu sau này có một cuộc sống tốt đẹp nhất”.

Cùng trường với Hoàng Nam, em Lê Trần Bảo Trân, học sinh lớp 7E cảm nhận: “Qua buổi xem phim, em cảm thấy lịch sử không còn khô khan và khó nhớ nữa. Những thước phim như thế càng thôi thúc em tìm hiểu sâu hơn về lịch sử. Hơn hết, em cảm thấy mình cần phải sống có trách nhiệm hơn và có lý tưởng, mục tiêu phấn đấu...”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc dạy và học lịch sử nước nhà. Người quan niệm: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng giới trẻ vô cảm trước văn hóa dân tộc, không thích học lịch sử và thiếu hiểu biết về các giai đoạn phát triển của đất nước ngày càng phổ biến. Hậu quả nghiêm trọng của tình trạng này là hiện tượng suy thoái đạo đức, sự thờ ơ, thiếu mục đích sống trong thanh niên...

Chia sẻ về điều này, ông Lê Trung Hiền cho rằng, dòng phim lịch sử, đặc biệt là phim về đề tài chiến tranh khá kén đối tượng khán giả, chủ yếu thu hút những người ở độ tuổi trung niên và cao tuổi. Bởi đa số giới trẻ hiện nay đều thích các phim tình cảm, phim hành động, ít mặn mà với dòng phim lịch sử, cách mạng. “Chúng tôi mong muốn đưa đến khán giả, nhất là khán giả trẻ những bộ phim cách mạng hay của điện ảnh Việt Nam, giúp giới trẻ nhận ra sứ mệnh của mình trong việc bảo vệ, tôn trọng những giá trị của lịch sử ngàn năm văn hiến, hướng đến sự phát triển toàn diện về nhân cách, thúc đẩy họ có ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới”, ông Hiền nói.

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/307361/khoi-day-tinh-yeu-que-huong-dat-nuoc-qua-nhung-thuoc-phim-lich-su.html