Khơi dậy tiềm năng, lợi thế, quyết liệt hành động để tạo đột phá kinh tế

'Những thành công của tỉnh nhà là kế thừa nền tảng của các nhiệm kỳ trước cùng với hoài bão, khát vọng phát triển. Vì thế đừng nghĩ Quảng Trị là một tỉnh nghèo mà mất ý chí phấn đấu, phải nghĩ rằng là một tỉnh giàu tiềm năng và khát vọng phát triển. Tất cả chúng ta cần táo bạo, quyết liệt hành động để hiện thực hóa khát vọng ấy'. Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị VÕ VĂN HƯNG khi trao đổi với phóng viên Báo Quảng Trị.

- Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII gặp nhiều khó khăn nhưng tổng thể bức tranh kinh tế-xã hội của Quảng Trị những tháng đầu năm vẫn có những gam màu tươi sáng, nhiều tín hiệu lạc quan. Theo đồng chí đâu là nguyên nhân của sự thành công này?

- Những tháng đầu năm 2021 mặc dù COVID-19 tái diễn trên diện rộng nhưng nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị nên tình hình dịch bệnh trên địa bàn được kiểm soát và khống chế kịp thời để thực hiện thành công “mục tiêu kép” là phòng, chống dịch và phát triển kinh tế, ổn định chính trị xã hội. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đến ngày 15/6/2021 đạt gần 2.400 tỉ đồng. Vụ đông xuân được mùa toàn diện, tổng sản lượng lúa 157.483,9 tấn, tăng 4.412,4 tấn so với vụ đông xuân trước. Đặc biệt là hoạt động lưu thông hàng hóa, phương tiện qua các cửa khẩu đã tăng đáng kể, doanh thu đạt trên 3 tỉ USD trong quý I. Có được kết quả này là kế thừa thành quả của những nhiệm kỳ trước cùng với sự đoàn kết, ý chí quyết tâm vượt khó khăn và khát vọng phát triển của toàn thể cán bộ, đảng viên và người dân trên toàn tỉnh.

- Trong thời gian qua, có rất nhiều dự án được đầu tư tại tỉnh. Điều đó cho thấy Quảng Trị đang là địa bàn hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư, đồng chí đánh giá như thế nào về triển vọng hợp tác này?

- Trên nền tảng đã có của các thế hệ đi trước cùng với điều kiện tự nhiên, sự quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và Nhân dân nên rất đáng mừng là trong những tháng đầu năm 2021, Quảng Trị đã có sự thay đổi, đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và du lịch…Từ đó, tạo ra niềm tin là Quảng Trị sẽ “cất cánh” và Đảng bộ, chính quyền cùng Nhân dân Quảng Trị sẽ hiện thực hóa được khát vọng đưa Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển trung bình cao của cả nước vào năm 2025.

Từ đầu năm 2021 đến nay tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 26 dự án với tổng vốn 8.786,89 tỉ đồng; trong đó có 3 dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Một số dự án lớn như Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị có tổng vốn 2.074,033 tỉ đồng; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp đa ngành Triệu Phú có tổng vốn 4.533,61 tỉ đồng. Chỉ tính riêng tháng 5/2021 trên địa bàn tỉnh có 4 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn 207,15 tỉ đồng.

Có thể nói rằng, thế mạnh hiện nay mà các nhà đầu tư quan tâm đến Quảng Trị là năng lượng tái tạo, giao thông đường không, đường biển, cảng biển và du lịch. Mặt khác, tỉnh đã cải cách thủ tục hành chính để các nhà đầu tư thuận lợi nhất khi đến đầu tư. Điều này đã tạo niềm tin cho doanh nghiệp và kết quả được thể hiện rất rõ qua các chỉ số PAPI và PCI năm 2020 được công bố vào giữa tháng 4/2021. Lần đầu tiên chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Quảng Trị đạt 44,78 điểm, đứng thứ 6/63 tỉnh, thành, tăng 28 bậc so với năm 2019 và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt 63,07 điểm, thuộc nhóm khá, tăng 8 bậc so với năm trước. Hiện nay, tỉnh đã tạo ra những kênh thông tin để nhà đầu tư hiểu hơn về Quảng Trị, hiểu về những lợi thế và phù hợp với lĩnh vực nhà đầu tư mong muốn để đầu tư phát triển.

Trồng thanh long ruột đỏ vùng cát bạc màu ở Triệu Phong - Ảnh: TRÀ THIẾT

- Phải tự tin khẳng định Quảng Trị có rất nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển nhưng theo đồng chí tỉnh sẽ tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm nào?

- Quảng Trị xem nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế vì 70% lao động là nông dân. Và trên thực tế tỉnh Quảng Trị đã chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và có nhiều sản phẩm mang tính chủ lực. Tôi có thể tự tin nói rằng, chính điều kiện thời tiết khắc nghiệt đã làm nên những sản phẩm nông nghiệp đặc sắc, khác biệt của Quảng Trị mà không nơi nào có được như cà phê Khe Sanh, tiêu Vĩnh Linh và gạo hữu cơ Triệu Phong. Bên cạnh đó, Quảng Trị đang hình thành các trung tâm về các loại dược liệu cà gai leo, chè vằng hay cây an xoa đã xuất khẩu trực tiếp qua Mỹ. Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị có thế mạnh về trồng rừng. Hiện nay, sản phẩm gỗ rừng trồng hằng năm đủ cung cấp nguyên liệu cho 2 nhà máy chế biến gỗ công suất 600.000m3 . Đặc biệt, Quảng Trị là tỉnh đi đầu về quản lý phát triển rừng điện tử và về chứng chỉ FSC quốc tế vẫn nằm tốp đầu trên cả nước.

Quảng Trị đã xác định phát triển ngành công nghiệp với lợi thế và tiềm năng hiện có của mình, biến những cái bất lợi của địa phương thành lợi thế bứt phá. Trong đó, chúng tôi xác định mục tiêu xây dựng Quảng Trị thành trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung. Dự kiến đến năm 2030, Quảng Trị có khoảng 8.000MW đến 10.000MW. Việc này hoàn toàn có cơ sở một khi Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị hình thành Trung tâm năng lượng về khí gồm các nhà máy tổ hợp. Vừa qua, Chính phủ đã đồng ý để Quảng Trị có một nhà máy điện khí 1.500MW trong giai đoạn từ nay đến 2025 và sau năm 2025 có thêm 4.500MW nữa. Đáng chú ý là sau cuộc gặp gỡ với Tập đoàn năng lượng Eni (Italia) đã thu thập khá nhiều tài liệu về mỏ khí Kèn Bầu. Quảng Trị đã sẵn sàng quy hoạch và chuẩn bị về quỹ đất để tiếp bờ các mỏ khí tự nhiên và từ mỏ khí Báo Vàng 113. Chính phủ cũng đã cho Công ty Gazprom thăm dò khai thác cũng như dẫn khí với công suất 340MW. Vùng phía Tây Quảng Trị được Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như các chuyên gia đánh giá là một trong những khu vực có lợi thế để xây dựng các tổ hợp nhà máy điện gió. Hiện nay, có 31 dự án cấp chủ trương đầu tư, 2 dự án đã đưa vào hoạt động từ năm 2019. Ngay từ những tháng đầu năm 2021, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo rất quyết liệt để hỗ trợ các nhà đầu tư có cơ sở đầu tư trên địa bàn tỉnh. Dự kiến có khoảng 600-650MW hòa lưới vào quý II,III năm 2021. Như vậy, cùng với các dự án đã có, Quảng Trị có khoảng 1.000MW điện năng trong năm 2021. Cùng kết hợp với vùng phía Tây có khoảng 3.000-4.500MW và vùng phía Đông có khoảng 5.000-6.000MW nữa thì tương lai Quảng Trị có thể hòa vào lưới điện khoảng 10.000MW, chiếm 8-9% tổng điện năng trên toàn quốc.

Cánh đồng điện gió Hướng Linh, Hướng Hóa

- Vậy nhưng muốn kinh tế phát triển thì giao thông phải “đi trước một bước”, đồng chí cho biết Quảng Trị đã làm gì để quy hoạch và phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, đường biển và đường không?

- Quảng Trị là điểm kết nối về giao thông đường biển, đường bộ, đường thủy, đường sắt. Do đó, về đường biển thì phải quyết tâm hiện thực hóa Cảng nước sâu Mỹ Thủy cho tàu có trọng tải 100.000 tấn có thể ra vào. Quảng Trị có 2 cửa khẩu quốc tế, trong đó Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo vừa được Chính phủ đưa vào là 1 trong 8 cửa khẩu đặc biệt của Việt Nam. Trong quý I/2021, các hoạt động xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo diễn ra vô cùng sôi động, mỗi ngày có khoảng 500-600 container, với tổng lượng hàng hóa qua cửa khẩu này trên 3 tỉ USD. Đồng thời, trong đề án chiến lược tỉnh sẽ xây dựng đường 15D kết nối Cảng nước sâu Mỹ Thủy với Cửa khẩu quốc tế La Lay. Đây là tuyến đường có thể kết nối gần nhất Việt Nam với các tỉnh Đông Bắc Lào, Thái Lan, Myanmar.

Quảng Trị sẽ nâng cấp Quốc lộ 9 và hệ thống đường về phía Tây, phía Bắc kết nối với đường Hồ Chí Minh tạo ra trục giao thông huyết mạch quan trọng. Theo Bộ Giao thông Vận tải, Quốc lộ 9 là một trong các trục giao thông huyết mạch từ Đông sang Tây có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng của tỉnh Quảng Trị nói riêng, khu vực Bắc miền Trung nói chung; đồng thời là tuyến giao thông huyết mạch kết nối Việt Nam với các nước Lào, Thái Lan, Myanmar. Quảng Trị cũng nằm trên tuyến đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn (Thừa Thiên-Huế), tiếp theo là Cam Lộ-Vạn Ninh (Quảng Bình).

Đặc biệt dự án Cảng hàng không Quảng Trị có sự khác biệt, không đơn giản chỉ là để vận chuyển hành khách mà còn có chức năng vận chuyển hàng hóa, đồng thời là nơi cung cấp các dịch vụ hàng không (bến đỗ, sửa chữa,..) của các hãng máy bay cũng như vấn đề an ninhquốc phòng. Một khi Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng thì linh kiện hàng hóa, kể cả hành khách, chuyên gia sẽ đến với địa phương ngày càng nhiều hơn. Vì thế, Quảng Trị có thể trở thành trung tâm cung cấp các dịch vụ hàng không. Bởi xét về mặt địa lý, Quảng Trị nằm ngay giao điểm miền Trung của Việt Nam, là điểm quan trọng trên Hành lang kinh tế Đông-Tây kết nối với các tỉnh thuộc các nước Lào, Thái Lan, Myanmar rất thuận lợi. Với lợi thế về quỹ đất, Quảng Trị xây dựng sân bay có quy mô lớn khoảng 1.000ha sẽ tạo ra nhiều khác biệt, đặc biệt là trong vận chuyển hàng hóa và các dịch vụ sân bay. Thực tế là những nhà đầu tư tầm cỡ đã nhìn thấy tiềm năng to lớn của Quảng Trị và tích cực hợp tác. Hiện nay, Thủ tướng đã đồng ý giao UBND tỉnh Quảng Trị lập báo cáo nghiên cứu khả thi, quyết định chủ trương đầu tư dự án theo hình thức đối tác công tư.

Trong chiến lược phát triển của tỉnh Quảng Trị trong 5 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045, chúng tôi xác định nhiệm vụ trọng tâm nhất là phải tạo sự đột phá về phát triển kinh tế-xã hội; tập trung khai thác, quản lý tài nguyên theo hướng có lợi, hiệu quả và bền vững. Vì thế, tỉnh đã mời gọi các đơn vị tư vấn của nước ngoài, trong đó có đơn vị đến từ Singapore để lập một quy hoạch chiến lược. Quy hoạch đó không chỉ mang khát vọng phát triển của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân mà còn tạo sự liên kết, hội tụ trong mối tương quan phát triển chung của đất nước và khu vực. Đây là việc làm hết sức quan trọng bởi chúng tôi muốn Quảng Trị phải chọn được một lối đi khác biệt và phát huy tốt nhất lợi thế của mình. Muốn vậy, cần phải táo bạo, quyết liệt trong hành động để tạo ra xung lực mới, quyết tâm mới giúp tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ.

-Xin cảm ơn đồng chí!

Hồ Nguyên Kha (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=158640&title=khoi-day-tiem-nang-loi-the-quyet-liet-hanh-dong-de-tao-dot-pha-kinh-te