Khơi dậy Phong trào đờn ca tài tử

Đồng Nai không phải là cái nôi của đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ nhưng loại hình nghệ thuật này đã tồn tại và phát triển rộng rãi trong đời sống của người dân Biên Hòa - Đồng Nai hàng chục năm qua.

Các thành viên Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Long Hưng (thành phố Biên Hòa) biểu diễn tại công viên Biên Hùng. Ảnh: L.Na

Hoạt động của câu lạc bộ (CLB) ĐCTT ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã và đang góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ trên địa bàn Đồng Nai.

Vẫn còn những đam mê

Không gian văn hóa công viên Biên Hùng, công viên Nguyễn Văn Trị những ngày tháng 5 trở nên sôi động với nhiều hoạt động được tổ chức. Trong đó có sân chơi dành cho các CLB ĐCTT trên địa bàn thành phố Biên Hòa.

Chủ nhiệm CLB ĐCTT xã Long Hưng Nguyễn Văn Nghĩa cho biết, vì đam mê và tâm huyết với các ĐCTT nên 10 thành viên trong CLB cố gắng giữ nếp sinh hoạt để có nơi tập luyện, giao lưu, giúp các buổi sinh hoạt thêm phong phú. CLB mới thành lập gần một năm, mọi hoạt động của CLB do anh em hội viên tự nguyện đóng góp.

“Giao lưu, phục vụ ĐCTT tại công viên Biên Hùng rất thú vị. Chúng tôi biểu diễn xoay quanh các bài vọng cổ, tân cổ giao duyên, trích đoạn cải lương. Từ những buổi giao lưu như thế, chúng tôi vừa được chia sẻ, vừa học hỏi lẫn nhau để phong trào ngày càng lan tỏa” - anh Nghĩa nói.

Không khí giao lưu, biểu diễn tại đây càng xôm tụ với sự tham gia của nhiều tài tử đến từ CLB ĐCTT phường Hóa An.

Chị Trương Thị Lệ Hằng, tài tử ca của CLB ĐCTT phường Hóa An, cho hay CLB hoạt động sôi nổi trong nhiều năm qua nhờ vào tình cảm, niềm đam mê của các thành viên. Dù bận rộn đến đâu, các thành viên trong CLB cũng sắp xếp thời gian đến sinh hoạt, luyện tập cùng nhau.

Chị Lệ Hằng chia sẻ: “Chúng tôi rất vui khi được cùng với những người yêu tài tử, cải lương ở thành phố Biên Hòa đến công viên biểu diễn. Được thể hiện bài ca mình yêu thích, gặp tài tử ca, tài tử đờn chung đam mê, chúng tôi thấy cuộc sống thêm yêu đời, ý nghĩa”.

Tình yêu với ĐCTT còn thu hút nhiều người trẻ tham gia. Chị Lý Thị Thanh Tuyền, giáo viên Trường mầm non Họa Mi (xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ) bộc bạch: “Vì đam mê tài tử, nhiều năm nay tôi tham gia các hoạt động biểu diễn, phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh. Qua đó, cùng mọi người giữ gìn, phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT nói riêng, phong trào văn nghệ của huyện Cẩm Mỹ nói chung”.

Ngày 12-5, Trung tâm Văn hóa, thông tin và thể thao huyện Định Quán tổ chức Chương trình Biểu diễn và giao lưu ĐCTT năm 2024. Các nghệ nhân, tài tử đờn, tài tử ca trên địa bàn huyện Định Quán sẽ giao lưu, biểu diễn cùng với CLB ĐCTT tỉnh Đồng Nai. Đây là một trong những hoạt động văn hóa được địa phương tổ chức hướng tới kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2024).

Ứng dụng công nghệ, quảng bá ĐCTT

Dự thảo Kế hoạch tiếp tục thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2024-2026, định hướng đến năm 2030 hướng đến mục tiêu chung là nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị ĐCTT trên địa bàn tỉnh. Duy trì và phát triển số lượng, chất lượng các CLB, đội, nhóm ĐCTT tại địa phương; xây dựng môi trường, cơ sở vật chất để hoạt động ĐCTT được bảo vệ và phát huy hiệu quả.

Dự thảo đã xác định các nhiệm vụ cụ thể như: truyền dạy nghệ thuật ĐCTT; vận động sáng tác và tuyên truyền, quảng bá nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ.

Từ đầu năm đến nay, nhiều địa phương trong tỉnh đồng loạt tổ chức các hội thi sáng tác thơ, nhạc nhằm tìm kiếm những bản tài tử mới, phục vụ Phong trào ĐCTT ở cơ sở. Trong đó, các địa phương chú trọng sáng tác cổ nhạc và dân ca Nam Bộ.

Một trong những người mê sáng tác các bài bản phục vụ Phong trào ĐCTT ở Đồng Nai có nghệ sĩ Trần Việt Liêm (phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa). Anh vừa đoạt giải Cuộc thi Sáng tác văn, thơ và ca khúc huyện Nhơn Trạch năm 2024 với tác phẩm Nhơn Trạch quê em (thể loại cổ nhạc).

Anh Liêm chia sẻ: “Với anh em văn nghệ sĩ, đây là cơ hội để tôn vinh cái hay, cái đẹp và giới thiệu với bạn bè gần xa hình ảnh của quê hương thông qua những bài bản sáng tác”.

Theo nghệ sĩ Trâm Oanh, người có thâm niên hơn 45 năm trong Phong trào ĐCTT ở thành phố Biên Hòa, để những buổi diễn ĐCTT hấp dẫn hơn, thu hút người xem, cần đa dạng hóa nội dung chương trình; có những sáng tác mới phù hợp với thị hiếu của công chúng nhằm tạo sự hấp dẫn cho các buổi diễn. Cùng với đó là đẩy mạnh hoạt động truyền thông, ứng dụng công nghệ số để quảng bá thông tin về loại hình di sản ĐCTT qua website, mạng xã hội Facebook, Zalo, YouTube... nhằm kết nối với công chúng.

“Những thông tin về thời gian, địa điểm biểu diễn ĐCTT cần được cập nhật thường xuyên trên mạng xã hội để có sự tương tác với công chúng. Từ đó góp phần quảng bá ĐCTT đến với người dân và du khách, để họ có thể cập nhật thông tin về di sản văn hóa phi vật thể ĐCTT mọi lúc, mọi nơi trước khi đến với Biên Hòa - Đồng Nai” - nghệ sĩ Trâm Oanh chia sẻ.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202405/khoi-day-phong-trao-don-ca-tai-tu-673523f/