Khơi dậy các hoạt động khởi nghiệp

Với khát vọng xây dựng 'địa phương khởi nghiệp', cuộc thi 'Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo' đã tạo 'sân chơi', khơi dậy và lan tỏa các hoạt động khởi nghiệp của các doanh nghiệp, người lao động, nhất là các bạn trẻ, nuôi dưỡng ước mơ khởi nghiệp dựa trên tiềm năng, thế mạnh của quê hương…

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được coi là một trong những động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế, là “chìa khóa” để chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống, vốn dựa vào lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên, sang mô hình tăng trưởng mới dựa trên năng suất và đổi mới sáng tạo. Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực kết nối để tận dụng hiệu quả các nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Chí Thắng, Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ, cho biết: Năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Đây là văn bản tiền đề để xây dựng các chương trình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại các địa phương.

Nhiều bạn trẻ trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đầu tư thiết bị máy móc hàng tỷ đồng để khởi nghiệp, sản xuất các mặt hàng nông sản dựa trên thế mạnh của địa phương.

Nhiều bạn trẻ trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đầu tư thiết bị máy móc hàng tỷ đồng để khởi nghiệp, sản xuất các mặt hàng nông sản dựa trên thế mạnh của địa phương.

Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Bình năm 2020” đã nhận được 19 dự án, ý tưởng tham gia dự thi ở các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; có 6 dự án, ý tưởng được xếp giải, trao giải vào đầu năm 2021. Từ cuộc thi đã mang lại hiệu ứng tích cực đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các bạn trẻ…

Các dự án khởi nghiệp sáng tạo đã tập trung đi vào giải quyết các vấn đề trong thực tế sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Một số dự án, ý tưởng ứng dụng vào đời sống đạt hiệu quả cao. Điển hình là ý tưởng “Chế biến cá lóc khô tẩm gia vị tại cơ sở chế biến thủy sản Ngư Nam” được thực hiện nhằm giải quyết nâng cao giá trị nguồn nguyên liệu, tạo ra sản phẩm có vị hài hòa, cấu trúc, độ ẩm thích hợp, màu sắc ổn định, thời gian bảo quản dài, an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là dễ dàng tiếp cận với các thị trường lớn trong và ngoài nước.

Anh Nguyễn Hữu Phước (ở thôn Liêm Tiến, xã Ngư Thủy, Lệ Thủy), tác giả của ý tưởng chế biến cá lóc khô tẩm gia vị, cho biết: Cá lóc là một trong những loài vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao trong những năm gần đây. Loài cá lóc với kỹ thuật nuôi khá đơn giản, dễ áp dụng nên hầu hết người dân ở xã Ngư Thủy đều có thể nuôi được; diện tích nuôi cá lóc đang ngày càng mở rộng tại khu vực xã và các xã lân cận trên địa bàn huyện.

Nếu chỉ để bán lẻ sẽ không thể tiêu thụ hết lượng cá lóc. Trong khi đó, sản phẩm cá lóc khô trên trị trường chủ yếu sản xuất theo phương thức truyền thống nên chất lượng không ổn định, mùi, vị, màu sắc không đều, thời gian bảo quản ngắn. Để đa dạng hóa các sản phẩm từ cá lóc, tạo sự tiện lợi cho người tiêu dùng cũng như nâng cao giá trị nguồn nguyên liệu thì việc chế biến các sản phẩm từ cá lóc áp dụng công nghệ cao là điều cần thiết.

Ý tưởng chế biến cá lóc khô tẩm gia vị của anh Nguyễn Hữu Phước đã góp phần giải quyết nâng cao giá trị nguồn nguyên liệu, tạo ra sản phẩm có hương vị thơm ngon, đặc trưng của cá lóc khi chế biến. Từ ý tưởng này, đã góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Tương tự, dự án “Cơm nếp chà bông mẹ Thỏ” thực hiện thành công đã trở thành món ăn dân dã đối với mọi tầng lớp, lứa tuổi. “Khác với các loại cơm cháy chà bông trên thị trường, cơm nếp cháy chà bông “mẹ Thỏ” được làm từ gạo nếp, được sấy khô bằng máy sấy điện nên không phải phụ thuộc vào thời tiết và tránh được tình trạng bụi bẩn bay vào sản phẩm. Với tiêu chí không chất bảo quản, không phẩm màu, nguyên liệu sạch, chất lượng, rõ nguồn gốc và chế biến an toàn, bảo đảm vệ sinh, sản phẩm đáp ứng nhu cầu khắt khe của khách hàng hiện nay.”, chị Trần Thị Hồng Thắm (TDP Đình Chùa, phường Quảng Thuận, TX. Ba Đồn) chia sẻ.

Ngoài ra, sản phẩm “miến gạo sâm Bố Chính-Gavina” là sự kết hợp hài hòa, tinh hoa giữa những hạt gạo với hương vị và tinh túy từ củ sâm Bố Chính Quảng Bình do HTX sinh thái Sông Son thực hiện cũng đạt hiệu quả cao. Hay dự án “Chế biến sâm Bố Chính thành sản phẩm sâm sấy dẻo” của Công ty TNHH công nghệ cao Tuệ Lâm đã tạo được món ngon từ sản vật nổi tiếng gắn với mảnh đất địa linh nhân kiệt...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có thêm nhiều ý tưởng khởi nghiệp được các bạn trẻ mạnh dạn xây dựng, bước đầu tạo uy tín, thương hiệu, như: tinh dầu sả Như Oanh (Nam Trạch, huyện Bố Trạch), mật ong Tân Hội (Liên Trạch, huyện Bố Trạch). Một số ý tưởng mới hình thành, như: ổi sạch Tâm An sấy dẻo (Lý Trạch, huyện Bố Trạch)...

“Từ cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã khơi dậy, lan tỏa, tinh thần khởi nghiệp đến đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh mà trước hết là các doanh nghiệp, các bạn trẻ đang sống, làm việc và học tập trên địa bàn. Đến nay, dù chưa thống kê một cách chính xác, nhưng chúng tôi nhận thấy, trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều ý tưởng của những người trẻ tuổi dám nghĩ, dám làm, với sự đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo dựng sự nghiệp, khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.”, ông Nguyễn Chí Thắng, Giám đốc Sở KH-CN, trao đổi thêm.

Hương Trà

Nguồn Quảng Bình: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202106/khoi-day-cac-hoat-dong-khoi-nghiep-2190555/