Khởi công thêm 1 cao tốc ở miền Tây
Tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh có tổng chiều dài tuyến 26km, điểm đầu kết nối với tuyến N2, điểm cuối tại nút giao An Bình (đầu cầu Cao Lãnh).
Ngày 26-7, tại Quốc lộ N2, xã Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, Bộ Xây dựng phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1.
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1, là một phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây.
Dự án có chiều dài tuyến khoảng 26,6 km, điểm đầu kết nối với tuyến N2 tại lý trình khoảng Km96+875 (lý trình N2) thuộc xã Đốc Binh Kiều, tỉnh Đồng Tháp; điểm cuối tại nút giao An Bình (đầu cầu Cao Lãnh), thuộc phường Mỹ Trà, tỉnh Đồng Tháp.
Dự án có tổng mức đầu tư 6.128 tỉ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận là chủ đầu tư.

Ông Phạm Minh Hà, Thứ trưởng Bộ Xây phát biểu phát động Khởi công thêm 1 cao tốc ở miền Tây
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Minh Hà, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: "Đây là tuyến đường có vai trò kết nối quan trọng giữa tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, Cao Lãnh - Lộ Tẻ và Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Cao tốc góp phần hình thành trục cao tốc phía Tây của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực.
Công trình còn tạo sự kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh miền Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải lưu thông hàng hóa, mở rộng giao thương, đóng góp vào mục tiêu hoàn thành 5.000km đường bộ cao tốc vào năm 2030 mà Đảng và Nhà nước đã đề ra".
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trần Trí Quang cũng nhấn mạnh vai trò chiến lược của tuyến cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh trong việc kết nối hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trần Trí Quang
Ông cho biết Đồng Tháp là tỉnh có vị trí tiếp giáp Campuchia với hệ thống cửa khẩu, sông ngòi, biển, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển giao thương và nông nghiệp.
Những năm qua, tỉnh được Trung ương quan tâm đầu tư nhiều công trình trọng điểm như tuyến tránh QL30, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, Cao Lãnh – Lộ Tẻ…
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh, góp phần hoàn thiện tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây.
Tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở ngành, địa phương và người dân vùng dự án phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, nhà thầu để đảm bảo thi công an toàn, đúng tiến độ, đạt chất lượng, sớm đưa công trình vào khai thác hiệu quả. Đồng Tháp cam kết sẽ là điểm đến ý nghĩa trong hành trình phát triển của vùng và cả nước.
Phần đường cao tốc có bình đồ, mặt cắt dọc và các yếu tố hình học phù hợp với tiêu chuẩn đường cao tốc có vận tốc thiết kế Vtk=100km/h theo TCVN 5729:2012.
Mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 06 làn xe với bề rộng Bn/Bm=32,25m/30,75m; mặt cắt ngang giai đoạn 1 được phân kỳ đầu tư quy mô 04 làn xe với bề rộng Bn/Bm=17m/16m theo tiêu chuẩn TCCS 42:2022/TCĐBVN.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công tuyến Mỹ An – Cao Lãnh

Việc đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1, phát huy hiệu quả đầu tư và khai thác Dự án Kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông
Phần cầu có quy mô công trình cầu phù hợp với quy mô nền đường, tải trọng thiết kế HL-93 theo TCVN 11823:2017. Đường gom, đường hoàn trả quy mô tối thiểu là đường giao thông nông thôn loại B theo TCVN 13080:2014 và phù hợp với quy mô đường hiện hữu.
Dự án bao gồm 01 gói thầu xây lắp, nhà thầu trúng thầu là Liên danh Dongbu (Hàn Quốc) - VNCN E&C. Tổng thời gian thực hiện hợp đồng 36 tháng, trong đó riêng đoạn từ nút giao với tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (Km22+829) đến nút giao An Bình (Km26+560) thời gian thi công 24 tháng.
Việc đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1, phát huy hiệu quả đầu tư và khai thác Dự án Kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông
Công tác GPMB đến nay đã được địa phương đã bàn giao 95% mặt bằng cho Dự án. Tỉnh Đồng Tháp cũng đã phê duyệt trữ lượng cát đảm bảo đủ nguồn vật liệu phục vụ thi công.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây (CT.02) dài khoảng 1.205 km, quy mô từ 4 đến 6 làn xe; bắt đầu từ thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang đến thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
Trong đó, đoạn Tuyên Quang - Đà Nẵng dài 446 km, quy mô 4 - 6 làn xe, gồm 11 phân đoạn, quy mô 4 - 6 làn xe; đoạn Ngọc Hồi - Chơn Thành - Rạch Giá dài 759 km, gồm 11 phân đoạn, quy mô 6 làn xe.
Đây là một trong hai tuyến cao tốc trục dọc xuyên suốt đất nước, tuyến đường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc chia sẻ lưu lượng cho đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường liên kết vùng, kết nối đô thị - nông thôn, phát huy hiệu quả đầu tư các tuyến cao tốc trục ngang và hệ thống giao thông địa phương, góp phần phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng - an ninh, cứu hộ cứu nạn.
Trong giai đoạn vừa qua, Bộ Xây dựng đã đầu tư xây dựng và chuẩn bị hoàn thành trong năm 2025 tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Cao Lãnh - Lộ Tẻ, một phần tuyến cao tốc Chơn Thành - Đức Hòa cùng với kế hoạch khởi công tuyến cao tốc Đức Hòa - Mỹ An trong năm 2026 thuộc đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây.
Nguồn PLO: https://plo.vn/khoi-cong-them-1-cao-toc-o-mien-tay-post862422.html