Khó khăn trong công tác cai nghiện ma túy
Những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm quản lý, kiểm soát, phòng ngừa, hạn chế sự phát sinh của người nghiện ma túy, trong đó việc đưa người đi cai nghiện tập trung cũng như tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng được xem là một trong những giải pháp thiết thực. Tuy nhiên đến nay, công tác này vẫn gặp khó khăn và chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
Thành phố Đông Hà là địa phương hiện có số người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý cao nhất trong toàn tỉnh với 352 trường hợp. Đáng chú ý, độ tuổi của tội phạm và tệ nạn ma túy ngày càng trẻ hóa, phức tạp nhất là trong tầng lớp thanh, thiếu niên. Hiện 9/9 phường có người nghiện ma túy. Ngoài các địa bàn trọng điểm đã được xác định là các phường 1, 5, Đông Lương, tại một số địa bàn vùng ven như Phường 4, Đông Giang, Đông Lễ, số người sử dụng ma túy hiện nay có xu hướng tăng nhanh.
Cùng với việc thực hiện quyết liệt, toàn diện công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy, thời gian qua Công an thành phố Đông Hà đã chú trọng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Phòng chống ma túy, tác hại của ma túy đến các hộ gia đình, dòng họ, trường học, cơ quan, doanh nghiệp, địa bàn dân cư… Phát động rộng rãi cuộc vận động “3 không với ma túy” trong thanh thiếu niên (không sử dụng, không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma túy, không dung túng, bao che cho tội phạm và tệ nạn ma túy). Hằng năm chỉ đạo công an các phường, đội nghiệp vụ tổ chức rà soát, lên danh sách các đối tượng liên quan đến ma túy để chủ động xây dựng kế hoạch đấu tranh.
Toàn tỉnh hiện có 107/125 xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy (chiếm 85,6%). Số lượng người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy trong độ tuổi thanh, thiếu niên (từ 18 - 30 tuổi) chiếm 68%. Xu hướng người nghiện và người sử dụng chuyển từ sử dụng các loại ma túy truyền thống sang sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng nhiều, có hơn 98,5% số người nghiện trên địa bàn sử dụng ma túy tổng hợp. Công tác cai nghiện ma túy được triển khai dưới hai hình thức là cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng, một số ít tự nguyện cai nghiện tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Tổng hợp 1 tỉnh. Theo thống kê, trong năm 2021 có 89 trường hợp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng, không có số liệu về trường hợp cai nghiện tại gia đình.
Tại trung tâm, tính đến tháng 12/2021, trung tâm đã tiếp nhận 23 học viên tự nguyện vào cai nghiện bắt buộc, nâng số lượt người cai nghiện ma túy tại trung tâm lên 74 lượt người. Trong năm cũng đã có 25 học viên tái hòa nhập cộng đồng sau khi thực hiện cai nghiện. Số học viên đang cắt cơn, giải độc, điều trị tại trung tâm là 18 người. Trung tâm cũng thường xuyên phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh, Phòng khám Đa khoa 245 tổ chức xét nghiệm viêm gan B, C, HIV, tầm soát bệnh lao cho 21 học viên cai nghiện để thuận tiện trong quá trình phòng, chống phơi nhiễm. Ngoài ra, hằng năm trung tâm tổ chức thường xuyên 3 lớp dạy nghề cho học viên cai nghiện ma túy.
Có thể thấy, việc thực hiện việc khai báo, đăng ký cai nghiện tại gia đình, cộng đồng đã được triển khai, tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn nên hiệu quả mang lại chưa cao. Nguyên nhân là kinh phí còn hạn chế, cán bộ y tế chưa được tập huấn về điều trị cắt cơn, tổ công tác một số địa phương chưa thành lập, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, bản thân người nghiện ma túy và gia đình người nghiện còn mặc cảm, sợ dư luận của xã hội nên chưa tự giác, tự nguyện đăng ký cai nghiện ma túy.
Công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng hiệu quả thấp, trong khi số lượng người được tiếp nhận vào cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm vẫn còn hạn chế do thiếu nhân lực và trang thiết bị. Số lượng người nghiện ma túy đang sinh sống ngoài cộng đồng vẫn ở mức cao, do đó nhu cầu mua ma túy để sử dụng hằng ngày vẫn không giảm. Đây chính là nguyên nhân làm phát sinh nhiều đối tượng hoạt động bán lẻ chất ma túy trên địa bàn toàn tỉnh.
Nhằm hướng đến xây dựng một xã hội an toàn, lành mạnh, hạn chế tối đa người nghiện ma túy, thời gian tới các ngành, các cấp, các địa phương cần đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tệ nạn ma túy. Tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng “Tháng hành động phòng chống ma túy”, “Ngày toàn dân phòng chống ma túy”; chú trọng vào những người có nguy cơ cao, người nghiện ma túy ở cộng đồng, học sinh, sinh viên trong các trường học, cán bộ, người lao động trong doanh nghiệp, khu công nghiệp. Phối hợp với các tổ chức, đoàn thể vận động người nghiện tự nguyện đi cai nghiện, giúp đỡ, quản lý người sau cai nghiện ma túy nhằm hạn chế tỉ lệ tái nghiện.
Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục người nghiện ma túy tại xã, phường, thị trấn. Các xã, phường, thị trấn cần chú trọng đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, biện pháp cai nghiện theo hướng tự nguyện và quản lý sau cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Thành lập các tổ công tác cai nghiện ma túy, các điểm tư vấn, điều trị bằng thuốc thay thế Methadone cho người nghiện. Xây dựng, nhân rộng các mô hình tổ tự quản giúp nhau vượt khó, vì bình yên và sức khỏe cộng đồng, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện được học nghề, tìm việc làm nhằm hạn chế tối đa tình trạng tái nghiện, từng bước kiềm chế sự gia tăng tệ nạn ma túy và giảm tỉ lệ người nghiện ma túy.