Kho bạc Nhà nước góp phần giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư công

Thông tin với báo chí về kết quả công tác trọng tâm năm 2023 của toàn hệ thống, bà Trần Thị Huệ - Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, với truyền thống đoàn kết, sự nỗ lực cố gắng của toàn thể công chức, viên chức, người lao động, hệ thống KBNN đã hoàn thành tốt chương trình công tác năm 2023. Đặc biệt, đơn vị đã nỗ lực, tích cực góp phần vào việc đẩy nhanh nguồn vốn đầu tư công.

Kiểm soát chi chặt chẽ, điều hành hành nguồn ngân quỹ nhà nước linh hoạt

Trong năm 2023, KBNN đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp trong kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước (NSNN) nhằm cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực kiểm soát chi (KSC). Theo đó, KBNN đã thực hiện nhiệm vụ KSC NSNN theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và quy định tiếp nhận đúng thành phần, số lượng hồ sơ được quy định gửi KBNN, không được yêu cầu khách hàng giao dịch bổ sung, hoàn thiện hồ sơ quá 1 lần.

Bà Trần Thị Huệ - Phó Tổng giám đốc KBNN, thông tin với báo chí về kết quả trọng tâm của hệ thống trong năm 2023. Ảnh: H.T

Đồng thời, KBNN đã hiện đại hóa phương thức KSC thông qua các chương trình ứng dụng. Đến nay, 100% các đơn vị sử dụng ngân sách đã tham gia giao dịch trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của kho bạc (trừ khối an ninh quốc phòng), chiếm 99,5% hồ sơ kiểm soát chi NSNN, 100% các thủ tục hành chính lên mức độ 4.

Tính đến ngày 31/12/2023, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát chi thường xuyên đạt 1.003.334 tỷ đồng, bằng 84,7% dự toán năm 2023 của NSNN qua KBNN (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng).

KBNN cũng triển khai việc kiểm soát và chủ động thanh toán theo định kỳ đối với các khoản chi mà đơn vị sử dụng NSNN sử dụng trước, thanh toán sau (điện, nước, viễn thông) theo văn bản ủy quyền của đơn vị sử dụng NSNN cho phép KBNN trích tài khoản của đơn vị chi trả cho nhà cung cấp theo giá trị hàng hóa, dịch vụ mà đơn vị đã sử dụng.

Thông tin về công tác thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong toàn hệ thống, Phó Tổng giám đốc KBNN cho biết, năm 2023 là năm thứ 2 thực hiện Đề án phát triển TTKDTM, hệ thống KBNN đã nỗ lực hiện đại hóa phương thức thu, chi NSNN, tăng cường trao đổi, phối hợp, kết nối với các đơn vị liên quan, thúc đẩy các kênh thanh toán điện tử. Việc này nhằm gia tăng tiện ích, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, người dân như tiếp tục thực hiện kết nối liên thông giữa các hệ thống, chương trình với cơ quan thuế, hải quan, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia (IPBS) và các hệ thống thanh toán của các NHTM.

Trong năm 2023 số thu chi NSNN bằng tiền mặt tại hệ thống KBNN tiếp tục giảm, số thu NSNN bằng tiền mặt chiếm khoảng 0,069% so với tổng thu NSNN, giảm 0,091% so với năm 2022; số chi NSNN bằng tiền mặt chiếm khoảng 0,097% so với tổng chi NSNN, giảm 0,263% so với năm 2022.

Trong công tác điều hành ngân quỹ nhà nhà nước (NQNN) và huy động vốn cho NSNN, KBNN đã chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức điều hành NQNN tập trung, thống nhất, chặt chẽ trong toàn hệ thống, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu chi của NSNN và các đơn vị có giao dịch với KBNN. Đồng thời, cuối ngày làm việc, toàn bộ số dư NQNN từ các địa phương được tập trung về trung ương và gửi toàn bộ tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) để tạo thuận lợi cho việc quản lý, đảm bảo thanh khoản của NQNN và hỗ trợ NHNN trong việc điều hành cung tiền trên thị trường tiền tệ.

Bên cạnh đó, KBNN tiếp tục tổ chức triển khai các nghiệp vụ sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi theo quy định; tăng cường gắn kết giữa quản lý NQNN với quản lý NSNN và quản lý nợ công, tiết kiệm chi phí vay nợ cho NSNN. Trong năm 2023, thông qua hoạt động quản lý NQNN, KBNN đã nộp vào NSTW 6.815 tỷ đồng.

Ông Trần Mạnh Hà - Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi KBNN, trả lời các câu hỏi của phòng viên. Ảnh: H.T

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong nước còn chậm, tồn NQNN ở mức cao, KBNN đã chủ động tham mưu với Bộ Tài chính các giải pháp để triển khai công tác huy động vốn đáp ứng nhu cầu vốn của NSNN với chi phí hợp lý, duy trì thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) hoạt động thường xuyên, ổn định; đồng thời, góp phần quản lý nợ công an toàn, bền vững và hỗ trợ NHNN điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong năm 2023, hệ thống KBNN đã thực hiện khảo sát, đánh giá 2 đợt về mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của hệ thống KBNN. Đợt 1/2023, kết quả mức độ hài lòng đạt 95%, tăng 0,5% so với năm 2022 (94,5%). Đợt 2/2023, kết quả mức độ hài lòng đạt 95,85%, tăng 1,35% so với năm 2022 (94,5%).

KBNN cung cấp 100% thủ tục qua DVCTT mức độ 4, đạt tỷ lệ 100% thuộc đối tượng tham gia DVCTT; số lượng giao dịch chứng từ chi NSNN phát sinh hàng tháng trên Hệ thống DVCTT đạt trên 99%.

Trên cơ sở các kết quả đạt được trong KBNN được Bộ Tài chính đánh giá xếp thứ 2 trong số các đơn vị thuộc khối tổng cục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính trong năm 2022.

Trong năm 2023, KBNN đã huy động được 298.476 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch điều chỉnh của Bộ Tài chính giao (305.000 tỷ đồng). Kỳ hạn phát hành TPCP bình quân năm 2023 là 12,58 năm; kỳ hạn còn lại bình quân danh mục TPCP là 9,05 năm; lãi suất phát hành TPCP bình quân năm 2023 là 3,21%/năm. Tổng khối lượng thanh toán gốc, lãi TPCP năm 2023 là 184.588 tỷ đồng, trong đó: gốc là 100.966 tỷ đồng; lãi là 83.622 tỷ đồng…

Góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Cũng tại buổi họp báo, ông Trần Mạnh Hà - Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi KBNN cho biết, tính đến ngày 31/12/2023, lũy kế vốn đầu tư công kiểm soát, thanh toán qua KBNN thuộc kế hoạch năm 2023 trên 568.135 tỷ đồng, bằng 85,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua KBNN (trên 663.275 tỷ đồng). Dự kiến hết tháng 1/2024, nguồn vốn này giải ngân đạt 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: H.T

Kết quả này, theo ông Hà, là sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, trong đó có sự đóng góp của KBNN trong kiểm soát và thanh toán vốn.

Theo đó, để nguồn vốn đầu tư công được thanh toán nhanh, kịp thời, trong năm 2023, KBNN đã tiếp tục chỉ đạo các đơn vị KBNN hoàn thiện, nâng cấp hệ thống dịch vụ công trực tuyến đáp ứng quy trình liên thông chi đầu tư; đồng thời, phân tích, hoàn thiện các chức năng của hệ thống để tăng tiện ích cho người sử dụng.

Đặc biệt, để giúp cán bộ kiểm soát chi hệ thống KBNN và các ban quản lý dự án nắm bắt cơ chế chính sách về thanh toán, quyết toán dự án đầu tư công nguồn NSNN cũng như nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, trong năm 2023, KBNN đã phối hợp với Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) chủ trì Hội nghị tọa đàm cơ chế chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) nguồn NSNN năm 2023 tại 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Các cuộc tọa đàm đã giúp cán bộ kiểm soát chi hệ thống KBNN, cùng với ban quản lý dự án nắm bắt cơ chế chính sách về thanh toán, quyết toán dự án đầu tư công nguồn NSNN để triển khai, thực hiện đúng quy định.

Bên cạnh đó, KBNN đã thực hiện kiểm tra, nắm bắt, đôn đốc tình hình giải ngân tại một số địa phương, qua đó đề ra một số giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đối với các vướng mắc vượt thẩm quyền, KBNN đã phối hợp với các đơn vị tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết…

Năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2010-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 theo nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong khi dự báo tình hình kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn nhất định, vì thế nhiệm vụ đặt ra đối với hệ thống KBNN trong năm 2024 hết sức nặng nề.

Để hoàn thành nhiệm vụ, Phó Tổng giám đốc Trần Thị Huệ cho biết, toàn hệ thống KBNN tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, đề án, chính sách theo đúng lộ trình, tiến độ đã đề ra tại Chương trình hành động của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. Đặc biệt, toàn hệ thống sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ, nhất là công tác KSC và điều hành NQNN để ngày càng thuận lợi hơn nữa cho các đơn vị sử dụng ngân sách và khách hàng giao dịch./.

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kho-bac-nha-nuoc-gop-phan-giai-ngan-nhanh-nguon-von-dau-tu-cong-143462.html