Khi người mù... khiêu vũ

Bỏ ngoài tai những định kiến, đối với người khiếm thị, ước mơ cũng là thứ chưa bao giờ bị dập tắt. Câu lạc bộ khiêu vũ người khiếm thị Hà Nội (Solar Dance Club) chính là nơi những ước mơ ấy được tái tạo, vun trồng và lan tỏa. Sự kết nối về âm nhạc và tâm hồn của các học viên khiếm thị chính là minh chứng cho một thế giới đầy màu sắc và giá trị.

Câu chuyện khởi đầu của hành trình khiêu vũ

Xuất phát từ đam mê ngày nhỏ, An Như - học viên tại câu lạc bộ - đã vượt qua giới hạn của bản thân để đồng hành cùng khiêu vũ thể thao. Từ một em bé khiếm thị luôn ngưỡng mộ các vũ công trên truyền hình, cô gái đã đạt được những thành tích đáng nể từ hành trình của bản thân tới các cuộc thi khiêu vũ. “Tớ từng nghĩ rằng các bạn sáng mắt sẽ bắt nhịp được và vận động được tốt hơn. Nhưng càng lớn, tớ càng nhận ra mình đã nhầm. Quyết định kết nối với âm nhạc và khiêu vũ giống như một bước ngoặt của cuộc đời tớ vậy”, An Như chia sẻ.

An Như và anh Cường cười rạng rỡ trong buổi học.

An Như và anh Cường cười rạng rỡ trong buổi học.

Như vốn là một cô gái năng động và không ngại đặt mình vào những thử thách mới. Tham gia câu lạc bộ là một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt so với các bộ môn âm nhạc trước đây mà cô đã học, bởi yêu cầu về sự phối hợp với bạn nhảy. Khiêu vũ thể thao như một cơ hội để cô được thể hiện cá tính riêng, khi vừa được chuyển động cơ thể để giải phóng năng lượng, vừa được cảm nhận âm nhạc - sở trường của bản thân mình - và vừa được giao lưu với những người bạn khác.

Ước mơ khiêu vũ cũng là câu chuyện từng bỏ ngỏ của anh Cường - học viên tham gia câu lạc bộ từ những ngày đầu tiên. Trước khi đồng hành cùng Solar Dance Club, anh từng là thành viên của một lớp học khiêu vũ và rèn luyện thể chất dành cho người khiếm thị.

“Ngày trước, tôi nghĩ rằng nếu nhìn không rõ thì khá khó để có thể học theo những môn nghệ thuật thể chất. Nhưng sau khi tham gia các lớp học, tôi nhận ra việc có những người hướng dẫn tận tâm và hết mình ủng hộ là một điều quan trọng. Họ mang và giữ mình lại với đam mê khiêu vũ”, Cường chia sẻ.

An Như và anh Cường đều có chung niềm yêu thích đối với bộ môn khiêu vũ thể thao. Lựa chọn tham gia vào câu lạc bộ là cơ hội để họ bắt đầu một hành trình mới của bản thân, bứt phá giới hạn làm những điều mà trước đây mình chưa dám thử.

“Đến lớp là học cách va chạm”

Với thông điệp “xóa nhòa mọi khoảng cách”, khiêu vũ cũng là nơi để những người khiếm thị kết nối và cảm nhận. Tại Solar, để xóa đi rào cản ấy, va chạm là việc ắt phải xảy ra, đặc biệt là việc cơ thể liên tục đụng vô tình vào nhau khi nhảy. Đối với những học viên khiếm thị, đó là mục đích và cũng là khởi đầu của một hành trình khiêu vũ nhiều dấu ấn. “Việc vô tình va vào nhau khi luyện tập là hoàn toàn bình thường, và đôi khi lại trở thành niềm vui nhỏ của buổi học”, anh Cường chia sẻ.

Huấn luyện viên Tô Văn Hòa và lớp học.

Huấn luyện viên Tô Văn Hòa và lớp học.

Huấn luyện viên Tô Văn Hòa là người trực tiếp giảng dạy tại câu lạc bộ khiêu vũ, cũng là người đặt ra thông điệp chính của lớp học: “Đến lớp là học cách va chạm”. Trải qua nhiều năm gắn bó với nghề, thầy nhận ra môi trường của người khiếm thị là môi trường va chạm, và khiêu vũ là một không gian thích hợp trong việc giúp người khiếm thị cảm nhận các bước đi. “Khi họ nhảy, họ được va chạm, họ được hết mình thưởng thức không gian của buổi tập mà không có gì phải e ngại”, thầy Hòa nói thêm.

Đến với giảng dạy khiêu vũ với con số “không” trong giáo trình dành cho người khiếm thị, thầy Hòa thậm chí phải xóa gần hết tất cả những kiến thức về sư phạm của mình để viết lại hướng đi cho riêng lớp học. Từ những buổi học đầu tiên, thầy ra tín hiệu để gắn kết các học viên lại bằng việc cho sờ chân, sờ tay, để mọi người có một cái hình dung ban đầu về nhịp điệu cơ thể. Chính phương pháp dạy “không giáo trình” ấy đã truyền cảm hứng cho nhiều người khiếm thị tiếp tục đồng hành cùng khiêu vũ.

Va chạm về mặt hình thể là cái có thể dễ dàng thấy được, nhưng bên cạnh đó, khiêu vũ cũng là một phương thức giao tiếp của người khiếm thị thông qua trải nghiệm đa giác quan. Theo thầy Hòa, người khiếm thị thường cảm âm rất tốt, bởi có thể họ đóng không gian lại để rà soát bằng việc lắng nghe mọi thứ. Và đặc biệt, họ cảm nhận được bạn nhảy bằng cách tiếp cận đa chiều.

Không chỉ tập trung để ý những bước đi của bản thân, An Như còn quan tâm đến bạn nhảy của mình. “Nhảy tốt đòi hỏi sự ăn ý rất nhiều về cách cảm nhận cơ thể của nhau, đó là sự nhường nhịn về nhịp độ. Mình cảm nhận khoảng cách và bước đi giữa mình và bạn nhảy thông qua việc lắng nghe bước chân, ngửi mùi hương cơ thể đặc trưng và đơn giản nhất là sờ, là chạm, An Như chia sẻ.

Ngoài ra, thông qua khiêu vũ, người khiếm thị còn có cơ hội được kết nối với âm nhạc và chính tâm hồn của mình.

Cũng là để thế giới “thấy” mình

Nhắc lại lần đầu tiên tham gia giải khiêu vũ cho người khiếm thị, anh Cường không khỏi bồi hồi: “Mọi người hôm ấy đều rất lo lắng, không biết ban giám khảo và khán giả sẽ nhìn vào mình như thế nào. Nhưng sau mỗi màn trình diễn, tôi nghe được tiếng vỗ tay và những lời diễn tả lại phản ứng hào hứng của mọi người ở sau sân khấu. Đến lúc lên nhận huân chương, chúng tôi vỡ òa trong hạnh phúc”.

Với An Như, những giải đấu khiêu vũ là cánh cửa để mọi người “thấy” rằng người khiếm thị có thể làm được nhiều thứ hơn những gì mà định kiến mà xã hội đang áp đặt. Sân khấu ấy không nhìn những vận động viên khiếm thị như những con người vượt qua khó khăn. Dưới ánh đèn, họ chỉ là những nghệ sĩ đang phiêu đôi chân của mình theo tiếng nhạc.

“Có lần đi thi đấu, bạn nhảy của mình ngã, và mình quyết định ngã theo bạn, rồi cùng bạn đứng dậy và nhảy tiếp. Cả khán phòng hôm đó đã trầm trồ và vỗ tay với màn trình diễn của chúng mình, và sau này, thi thoảng mọi người vẫn nhắc lại và khen ngợi. Lúc đó, mình biết rằng khán giả đã tận hưởng cú va ấy và nhìn nhận bọn mình như những vũ công chuyên nghiệp”, An Như bộc bạch.

“Có nhiều giải đấu, giám khảo phải làm quen với việc thí sinh va chạm vào nhau. Bởi trong khiêu vũ cho người khiếm thị, đó là những điều hết sức bình thường, đó là cách chúng mình kết nối với nhau”, An Như chia sẻ. Thầy Hòa cũng đã khẳng định về những cuộc thi khiêu vũ ấy: “Không có khuyết tật, không có khiếm thị, chỉ có một tinh thần thể thao”.

“Chỉ cần thế giới kiên nhẫn hơn”

Định kiến về vận động không còn là xa lạ đối với nhiều người trong cộng đồng người khiếm thị, khiến câu chuyện về thể thao từng là một rào cản lớn khó lòng vượt qua với họ. Nghĩ về điều này, An Như bộc bạch: “Có một điều mà mọi người ít nhận ra, đó là nếu ai cũng chậm lại một chút, giáo viên kiên nhẫn một chút, dám thử một chút, thì người khuyết tật sẽ tự tìm ra cách riêng để học được cái mình muốn. Và sự kiên nhẫn ấy, chúng mình tìm được ở lớp học khiêu vũ Solar, ở thầy Hòa”.

Tại lớp học khiêu vũ, thầy Hòa luôn tìm cách truyền tải chuyển động và tinh thần của khiêu vũ thông qua việc chia thành từng bước nhỏ, hành động nhỏ, câu nói nhỏ và cả chia nhỏ về thời gian. Sau đó, mọi người tự tổng hợp, tự học và sẽ tự có những cảm nhận về chuyển động cho riêng mình. Nhìn lại hành trình 6 năm đi dạy và tiếp xúc với hàng trăm học viên khiếm thị, tinh thần học luôn khiến thầy Hòa cảm thấy trân trọng và được tiếp thêm động lực: “Tôi cảm nhận được luồng năng lượng tích cực mỗi khi tới lớp và quan sát các bạn ở trên sân khấu. Chính tôi cũng đã học được năng lượng tích cực ấy của các bạn. Đó là một điều rất là tuyệt vời. Họ không bao giờ từ bỏ, và không có rào cản nào ở đây cả”.

Bên cạnh đó, câu chuyện về lớp học khiêu vũ đã mang đến nhiều suy ngẫm về sự tham gia của người khiếm thị trong nhiều những lĩnh vực về nghệ thuật. Không chỉ gói gọn trong âm nhạc hay giọng hát, người khiếm thị còn có thể khám phá và thể hiện bản thân qua các khiêu vũ – nơi chuyển động và cảm nhận tinh thần đóng vai trò trung tâm. Điều này mở ra thêm những cánh cửa mới cho sự bao hàm trong nghệ thuật, khi những giới hạn về thị giác không phải là rào cản cho việc hòa mình vào nghệ thuật.

“Người khiếm thị hay người khuyết tật nói chung đều có ích với xã hội theo cách của mình và thấy thế giới thông qua lăng kính và cảm nhận của riêng mình. Cho nên mong rằng chúng mình - những người khuyết tật hãy cứ sống hết mình với tất cả những gì mà mình có thể sống. Cùng với đó, xã hội cũng nên nhìn nhận người khuyết tật như những con người với toàn vẹn phẩm giá, ý chí và cuộc sống của riêng họ, thay vì chỉ là đối tượng cần được cưu mang, cứu giúp”, An Như xúc động chia sẻ.

Như cách mà “thấy” vượt lên trên hành động “nhìn”, khi xã hội kiên nhẫn, bao dung và cùng cố gắng để tạo nên sự bao hàm sẽ giúp mỗi cá nhân, dù là nhìn thấy hay không nhìn thấy, dù là khuyết tật hay không khuyết tật, đều có thể tìm thấy chỗ đứng và được tôn trọng.

Nhân Văn

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/khi-nguoi-mu-khieu-vu-i758638/